Hãy cho tôi thêm một ngày nữa để sống!

Hà Kiều
“Bạn không thể thay đổi thế giới nhưng bạn có thể thay đổi bản thân mình”. Tôi đã đọc được câu ấy lúc tôi đau khổ và tuyệt vọng nhất.

Năm đó, tôi vừa 15 tuổi. Như bao đứa trẻ đồng trang lứa, tôi cũng có nhiều khát khao, hoài bão của tuổi mới lớn. Nhưng cuộc đời thật nghiệt ngã, sau một đêm thức giấc, số phận của tôi đã rẽ ngang một hướng khác. Tôi thức dậy và cảm nhận cơ thể mình có một sự thay đổi lớn, trong một vài giây ngắn ngủi tôi thấy mình hoàn toàn bất động. Tôi bị liệt tứ chi. Sau khi làm rất nhiều xét nghiệm, bác sĩ kết luận tôi bị bệnh "Viêm tủy cắt ngang".

Khái niệm viêm tủy với tôi lúc ấy hoàn toàn mơ hồ và lạ lẫm. Tôi không hiểu căn bệnh ấy nghiêm trọng như thế nào, chỉ biết rằng cơ thể tôi không còn được điều khiển bởi bản thân tôi nữa. Thay vào đó là những cơn đau liên tiếp ập đến. cùng với những cơn sốt liên hoàn. Thỉnh thoảng tôi phải thở oxy, người đờ đẫn thậm chí ngất lịm đi. Ngay cả bài tiết tôi cũng hoàn toàn bị động. Trong một vài khoảnh khắc tôi còn cảm thấy hồn tôi như lìa khỏi xác. Tôi thấy như ai đó đã cố mang tôi đi thật xa, chẳng biết đó là đâu, mãi cho đến khi có bàn tay mẹ níu tôi lại.

Hôm đó, Bệnh viện Trung ương Huế đón tôi bằng cơn mưa như trút. Huế cô đơn như chính tâm hồn tôi vậy. Những cơn đau dày xé trái tim non nớt của tôi, đã có lúc tôi muốn gục ngã, đã có lúc tôi muốn mình buông bỏ cuộc sống mệt mỏi này. Nhưng rồi sự thèm khát được sống lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong tôi. Tôi ước mình có thể hết bệnh và quay trở lại trường, có thể tung tăng như chúng bạn.

Ở tác giả - Vương Thị Dung - luôn ánh lên sự lạc quan

Ngày tôi xuất viện về nhà. Bầu trời Huế trong xanh mà lòng tôi thì vời vợi buồn. Qua ô cửa kính của xe cứu thương, tôi nhận ra từng hàng cây thẳng tắp đang lùi về phía sau. Những vạt nắng chiều buông lả lơi như tiễn chân người Tôi bỗng nhớ câu nói của bác sĩ điều trị nói với mẹ khi đưa tờ giấy tái khám: "Cô về cho cháu ăn được gì ăn nhé, cháu yếu quá" mà không hề nói một lời hẹn gặp lại. Tôi gắng nuốt nước mắt vào lòng. Có một nỗi buồn đang gặm nhấm tôi từng phút, từng giây. Nhưng đồng thời tôi cũng nhớ đến nhiều dự định mà tôi còn dang dở. Tôi nhận ra "Cái chết sẽ đến gần đối với ai tuyệt vọng". Tôi không thể để mình tuyệt vọng. Tôi sẽ sống một cách trọn vẹn nhất có thể. Nếu như ngày mai phải chết thì chí ít hôm nay tôi phải có một ngày thật tuyệt vời.

Gia đình tôi cứ đinh ninh rằng tôi sẽ chết trong một ngày bất chợt nào đó. Còn tôi thì lại hình dung ra cái chết sẽ đến với mình như thế nào. Nhưng thật kì diệu, tôi vẫn sống, sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hành trình cứ ngỡ kết thúc nhưng thực ra chỉ mới bắt đầu. Chuỗi ngày rong ruổi cùng mẹ khắp các bệnh viện lớn bé đã biến tôi từ một cô gái nông nổi trở nên sâu sắc. Tôi trân quý từng khoảnh khắc được sống.

Mỗi sáng thức giấc, tôi đều cảm thấy tôi yêu bản thân mình hơn và cố gắng mỉm cười trước mọi nghịch cảnh. Tôi đi phục hồi chức năng, đi châm cứu ở Bệnh viện y học cổ truyền và nhiều nơi nữa chỉ mong kì tích xảy ra với bản thân mình. Hành trang của tôi khi ấy lúc nào cũng có một vài quyển tập và mấy cây bút. Tôi miệt mài luyện chữ. Từng là thành viên của đội tuyển luyện thi vở sạch, chữ đẹp, tôi lại phải tập lại những nét chữ đầu tiên. 6 tháng là khoảng thời gian tôi viết được chữ giống người bình thường viết. Những ngón tay chai sần vì cầm bút, những cây bút máy cứ lần lượt cắm đầu xuống nền gạch… Nhưng số tiền nhuận bút kha khá mà tôi nhận được bằng sự cố gắng không mệt mỏi của mình đã như là một sự đền đáp nho nhỏ cho tôi.

Tập luyện chữ viết miệt mài đã khó, tập lại giọng nói càng không hề đơn giản chút nào. Cả ngày tôi trở thành đứa trẻ dị biệt trong mắt mọi người. Tôi hát mọi lúc, mọi nơi. Có cô điều dưỡng mới đến, buông lời khiếm nhã: "Con bé đó đau mà làm như sung sướng hay gì mà hát hò suốt". Tôi không mảy may quan tâm lời cô ấy nói, chỉ biết rằng tôi cần nói thật nhiều để khỏi bị hụt giọng. Tôi cần tiếp tục sống và tiếp tục dự định. Tất cả những gì tôi cần làm là mạnh mẽ, bước tiếp và học cách sống chung với số phận.

14 năm, tôi đã kiên cường, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. Ngay cả bản thân tôi đến hiện tại vẫn không tin những gì mình làm được. Đó có thể là điều gì rất đổi bình thường đối với nhiều người nhưng đối với tôi nó thực sự phi thường. Tôi không chỉ được sống tiếp mà đã sống một cuộc đời giống như tôi mong muốn. Tôi đã dành một năm ra tự học những kiến thức bị khuyết khi còn ở ghế nhà trường. Tôi học đêm ngày song song với việc chữa bệnh.

Tôi quyết định mở lớp dạy học với mong muốn cũng cố lại kiến thức và giúp được nhiều học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 14 năm bị bệnh, 13 năm tôi làm công việc dạy học với tất cả đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Bằng ngòi bút của mình, không chỉ viết bài cộng tác để kiếm thêm thu nhập mà tôi còn viết bài kêu gọi sự giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, những vùng núi bị thiên tai... Những món quà tôi gửi đến đồng bào ở những nơi xa xôi giúp họ trong cơn bế tắc, tuy chỉ là những món quà nhỏ mọn nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Năm 2014 tôi được Trung ương đoàn khen tặng danh hiệu thanh niên tiên tiến. Có thể với những người khỏe mạnh, thành tích ấy chẳng là gì nhưng với tôi, nó nói lên tất cả sự nổ lực trong gian khó của bản thân mình. Đối với tôi, được sống, được làm việc là một cuộc hành trình mơ ước và đáng trân trọng. Tôi không hổ thẹn vì phải ngồi xe lăn. Vì tuy tôi ngồi xe lăn nhưng tôi vẫn có thể ngắm nhìn thế giới bằng đôi mắt của những người bình thường.

Tôi sẽ sống tiếp cuộc đời còn lại thật ý nghĩa. Nếu ngày mai tôi phải chết đi thì chí ít tôi đã có một cuộc đời, một cuộc hành trình thật ý nghĩa!

Vương Thị Dung (Quảng Nam)