Nơi nào có anh, nơi đó là nhà

Hà Kiều
Tôi sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là giáo viên. Năm tôi lên bảy, bố qua đời. Tôi khát thèm tình cảm ấm áp, thèm được nâng niu và yêu thương.

20 tuổi, tôi gặp anh, anh mang đến cho tôi hơi ấm mà tôi hằng ao ước. Chúng tôi đã có một tình yêu thật đẹp thời sinh viên. Ngày anh đi làm kinh tế nước ngoài, có lúc tưởng chừng sẽ rời xa, nhưng duyên số đã mang chúng tôi về lại bên nhau bằng một đám cưới hạnh phúc.

Khi nhận được đề nghị ra nước ngoài cùng anh, tôi do dự. Bên ngoại khuyên tôi yên phận ở nhà làm cô cán bộ thủy lợi huyện, để chồng yên tâm làm ăn vài năm về thăm một lần. Bố mẹ chồng thì lại khuyên, vợ chồng trẻ không nên xa nhau, con cứ đi.

Tôi quyết định gác lại tất cả để theo chồng sang xứ người với điều kiện phải mang cả con trai mới tám tháng tuổi đi cùng. Thống nhất mọi thứ, tôi rời quê hương cùng bao lo lắng, hy vọng, và cả những bỡ ngỡ.

Tôi đặt chân tới nước Nga xinh đẹp vào một chiều mùa hè tháng 6. Phía trước tôi địu con, phía sau mang ba lô, hai tay xách hai túi hoa quả to, mọi người nhìn thấy ai cũng nhường hai mẹ con lên trước làm thủ tục nhập cảnh. Hai bố con lần đầu gặp nhau, nhưng thằng bé không hề lạ lẫm, chui vào lòng bố ngủ một giấc ngon lành.

Trên đường từ thủ đô về quê, ấn tượng đầu tiên của tôi là những hàng bạch dương xanh rờn rợp bóng. Vậy là tôi đã thật sự đặt chân tới nước Nga, chứ không phải qua những vần thơ hay những câu chuyện của đại thi hào Pushkin nữa.

Sau thời gian làm chung với anh trai, chồng tôi quyết định buôn bán riêng. May mắn mẹ tôi đồng ý sang bên này giúp trông cháu để hai vợ chồng yên tâm làm ăn. Chúng tôi bắt đầu tự buôn bán, nhờ ông bà nội vay thêm ít vốn chuyển sang, quyết tâm cố gắng kiếm tiền cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chồng tôi là người có chí tiến thủ, chịu khó. Đó là điểm khiến tôi rất tự hào về anh. Ngược lại, tôi như một tờ giấy trắng trước việc kiếm tiền. Ngoài việc đi học, rồi lớn lên đi làm nhân viên nhà nước, tôi chưa bao giờ biết buôn bán. Cuộc sống cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai chồng tôi khiến cho nhiều lúc tôi cảm giác anh vô tâm, ít khi chia sẻ với vợ. Mỗi lần như vậy, tôi tủi thân đi lang thang giữa rừng tuyết trắng, trong lòng giận hờn trách móc anh nhiều lắm. Anh ôm tôi vào lòng và bảo, lúc nóng giận, dù anh nói gì, cũng chưa bao giờ anh hết yêu thương em. Chúng ta không còn là những cô cậu sinh viên vô lo vô nghĩ nữa. Chúng ta đã là một gia đình, chúng ta cần vun đắp.

"Phụ nữ gặp đúng người thì không cần phải lớn", tôi chợt nhận ra, câu nói này chỉ phù hợp khi yêu. Còn giờ đây, khi đã có một gia đình, tôi cần phải lớn. Lớn để san sẻ những gánh nặng đang đè lên vai chồng. Biết là khó khăn nhưng vì anh, tôi nhất định cố gắng.

Một lần, Anh có việc về Việt Nam. Định chỉ đi một tháng nhưng do trục trặc, anh không sang lại ngay được. Không có anh ở bên, tôi như người mất phương hướng. Mẹ già, con nhỏ, tiền thuê nhà, tiện điện nước, tiền thuế.... Tôi cảm giác như bị anh ném xuống sông, và thảy cho tôi một tấm ván để tự cứu sống mình.

Tôi bắt đầu tập đi lấy hàng ở thủ đô Moscow, cách chỗ tôi ở hơn 500km, tự xoay xở tiền đủ mọi cách, như chơi họ, vay lãi, mượn bạn bè... Cứ lấy đầu cá để vá đầu tôm. Vào vụ có những tuần tôi đi lấy hàng hai lần. Có hôm đi tận hai ngày hai đêm mới về nhà. Cứ lấy hàng xong về ở luôn chợ soạn hàng, ăn qua loa gói mì, chợp mắt trong kho một vài tiếng... Về đến nhà mệt, nằm xoài lên giường, mắt nhắm nghiền. Chỉ cần có bàn tay bé xíu vuốt lên má cùng với một nụ hôn của con trai tôi là bao mệt mỏi tan biến.

Chợ vào vụ, hầu như ngày nào tôi cũng đi từ khi con chưa dậy, về khi con ngủ rồi. Việc gì cũng đến tay. Từ vác bì gạo 25kg hay bình nước 25 lít đi cầu thang bộ từ tầng một lên tầng năm, hay những lần con ốm, một ngày chạy đi chạy lại không biết bao nhiêu lần. Có lúc mệt mỏi tưởng như không cố được nữa, nhưng nghĩ đến anh, nghĩ đến con, nghĩ đến tương lai tươi đẹp, tôi lại cố gắng.

Sau 6 tháng được trở lại Nga, anh nói anh rất tự hào về tôi. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những tháng ngày gian khó nhất, có hạnh phúc, có cãi vã, giận hờn... Nhưng sau tất cả, để thấu hiểu, biết đặt mình vào vị trí của nhau, để yêu thương nhiều hơn.

Bước vào cuộc sống hôn nhân, không còn màu hồng như thuở còn yêu. Thay vì nỗ lực thay đổi đối phương, hãy cố gắng đón nhận và “sống chung với lũ”. Vợ chồng là duyên nợ. Trải qua hơn một thập kỷ bên nhau, có với nhau 5 đứa con, nhưng mỗi sáng thức dậy, anh vẫn luôn hôn tạm biệt tôi. Thỉnh thoảng hai chúng tôi lại trốn con đi dạo, chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc. Ngắm nhìn nhau để biết thanh xuân trôi qua mau, đã có rất nhiều vết chân chim ở khoé mắt , lốm đốm sợi bạc trên mái đầu. Đời là cõi tạm, vậy nên ta hãy để mỗi giây mỗi phút trôi qua đều là những khoảnh khắc đáng sống.

Nếu không có anh, chẳng có tôi hôm nay. Tôi yêu người đàn ông này, tôi chỉ biết là nhìn anh buồn, lòng tôi thắt lại. Anh cười, lòng tôi như toả nắng mai. Cuộc sống có nghiệt ngã ra sao, hay ở bất cứ nơi đâu tôi cũng không sợ. Vì nơi nào có anh, nơi đó là nhà.

Hồ Xuân (Thành phố Voronezh, Nga)