Giữ trên môi nụ cười là tập nhạc đầu tay của Cung Minh Huân. Tập sách gồm 40 ca khúc, trong đó: 37 ca khúc được anh phổ từ thơ của những người bạn thân thiết, 3 ca khúc được anh phổ nhạc từ chính thơ mình. Giữ trên môi nụ cười, ca khúc đậm chất trữ tình được lấy làm nhan đề cho Tuyển tập, phổ nhạc từ chính thơ của tác giả Cung Minh Huân. Những giai điệu trữ tình, sâu lắng, ngọt ngào như dẫn dắt người đọc, người nghe về miền nhớ thương với bao cung bậc cảm xúc buồn vui về đời về người. Để rồi, chính mỗi cá nhân như nhận ra bóng dáng của chính mình, của những người thân yêu, bạn bè, quê hương, thời đại mình đã và đang sống...
Giữ trên môi nụ cười là tuyển tập ca khúc có nhiều điều đặc biệt. Đặc biệt bởi đây là tập sách đầu tay của một người yêu thích văn nghệ, đam mê âm nhạc từ nhỏ; tập sách được thai nghén và ra đời trong khoảng thời gian không dài; sự chào đời của tập ca khúc được thuận lợi là nhờ người vợ hiền của chính tác giả nhiệt thành ủng hộ; điều làm nên sự bất ngờ và hấp dẫn của tuyển tập ca khúc này không thể không nhắc đến sự đóng góp rất đáng kể từ chính đứa con gái út 7 tuổi của Cung Minh Huân là bé Dưa Hấu. Cung Minh Huân cho biết: “Bé Dưa Hấu là người bắt buộc phải nghe tất cả các bản demo tôi hát, cũng như bị mất rất nhiều thời gian vui chơi của hai cha con bởi bị âm nhạc cắt xén. Và dù không thích thú mấy các sáng tác của tôi nhưng con bé cũng có nhã hứng vẽ cho ba nó những bức tranh về chuyện này. Hình bìa là một trong số những bức họa ấy của Dưa Hấu mà tôi yêu thích nhất”.
40 bài nhạc trong Tuyển tập Giữ trên môi nụ cười với nhiều chủ đề và đa dạng các điệu nhạc khác nhau như: Valse, Tango, Rhumba... Chính điều này đã làm cho tập ca khúc thêm phần sinh động, tránh được sự đơn điệu một chiều.
Ở Bài Valse Hoài Niệm, Cung Minh Huân dẫn dụ người đọc bằng những giai điệu, lời tỏ bày đầy lãng mạn và đó cũng là cách lý giải vì sao “anh” lại đa mang đến nhường ấy. Để rồi giờ đây còn lại là nỗi nhớ mênh mang. “Nhớ ngôi trường, nhớ con đường, nhớ đêm trăng vàng. Nhớ cánh đồng, nhớ con diều, gió bay trong chiều. Nhớ những ngày đuổi bướm bờ ao. Nhớ đêm hè ngắm những vì sao. Nhớ tiếng cười em thơ vui hát hồn nhiên ngày xưa còn đâu?”
Giữ trên môi nụ cười cũng chính là lời động viên, nhắc nhớ dù có đi qua những vui buồn, khổ đau nhưng mỗi chúng ta cần phải bình tâm, vững tin trước những điều đã, đang và sẽ xảy ra với bản thân mình.
Tuyển tập 40 bài nhạc trong Giữ trên môi nụ cười, người đọc sẽ có sự hình dung nhất định về con người và cuộc đời Cung Minh Huân. Một cách chiêm nghiệm về cuộc sống rất nhân văn và rất đời, rất người với nhiều cung bậc cảm xúc bất chợt và rất đỗi thân thương. Vâng! Trong cuộc đời này, tôi tin chắc không ai là không có nỗi buồn, sự khổ đau riêng. Nhưng ở một thời khắc nào đấy ta cảm thấy đau khổ thật nhẹ nhàng, bởi: “Người lữ khách cô đơn đang đi trên con đường dài. Nụ cười cố giấu ưu tư trong tim đi xây tình người. Nguyện làm nắng, gió, mây bay, mưa sa, đi qua mọi miền. Lòng tràn bình yên, niềm vui dâng hiến!”.
Cung Minh Huân chia sẻ: “Tôi yêu thích tất cả 40 ca khúc trong tập nhạc này vì chúng đều là những đứa con tinh thần, là tâm huyết của các thi sĩ và của chính tôi, là sự đồng cảm thơ nhạc, niềm vui văn nghệ khiêm tốn, và là những kỷ niệm đẹp của tình bạn Facebook.
Nhưng đối với bạn, một người yêu nhạc, biết đàn, biết hát và biết thưởng thức, đánh giá một ca khúc, không phải bản nhạc nào trong tuyển tập này cũng tạo ra sự thích thú nơi bạn. Thế cho nên, tôi chỉ có một ước vọng khiêm tốn. Đó là, khi bạn xem qua tuyển tập ca khúc này, và nếu có một thi nhạc phẩm nào may mắn lọt vào mắt xanh của bạn, được bạn yêu thích và cất tiếng hát lên vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó... thì đây sẽ là niềm vui lớn, một hạnh phúc không nhỏ đối với tôi, cũng như đối với thi sĩ đồng tác giả”.
Xin chúc mừng Cung Minh Huân với đứa con tinh thần đầy tâm huyết, phần nào đã thỏa được niềm khao khát và đam mê nghệ thuật của anh. Hy vọng Giữ trên môi nụ cười sẽ được đón nhận bằng tất cả tấm chân tình, sự trân trọng của những tâm hồn đồng điệu với âm nhạc và thi ca.
*Nhân đọc tập nhạc Giữ trên môi nụ cười của Cung Minh Huân, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023