Eden Farm

Cái tôi trữ tình sâu lắng trong 'Hương thời gian' của nhà giáo Nguyễn Đình Hiền

Hương thời gian là tập thơ của Nhà giáo Ưu tú, PGS. TS. Nguyễn Đình Hiền, bút danh là VÂN HÒA. VÂN HÒA cũng chính là tên làng quê yêu dấu của tác giả.

Tập thơ gồm 63 bài với rất nhiều cung bậc cảm xúc, tình cảm của một người giàu trắc ẩn với đời, với người. Trong 63 bài của thi tập này, có những bài được Nguyễn Đình Hiền viết từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước và có những bài viết trong thời gian gần đây. Anh lưu giữ lại những khoảnh khắc thời gian gắn với biết bao tâm trạng, nỗi niềm riêng. Những âm vang từ cuộc đời khúc xạ qua lăng kính trải nghiệm của nhà thơ Nguyễn Đình Hiền. Hương thời gian phải chăng đó chính là nhật ký hành trình, dung chứa các tầng hiện thực, cảm xúc khác nhau, mở ra những tri nhận mới về đời sống đa chiều kích của con người thời hiện đại.    

Cái tôi trữ tình trong thơ VÂN HÒA bàng bạc, man mác, nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng sâu lắng giàu tính triết lý nhân sinh. Cái tôi trữ tình ấy là nguồn mạch nâng đỡ đời sống tinh thần để hướng về những điều nhân bản nhất, gieo mầm cho những khát khao hy vọng, ứa tràn nhựa sống cho tình yêu thi ca và cuộc đời.

z6609921661403-407ef90139a53fae6391449f9c968055-1747452383.jpg
Tập thơ Hương thời gian của Nguyễn Đình Hiền, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2025

Vòng tay siết chặt thời gian/ Mùi hương như níu gió ngàn đại dương/ Sóng cao, biển động, mây nguồn/ Thời gian níu lấy con đường gió bay.../ Bàn tay níu lấy bàn tay/ Tình yêu nắm lấy cơn say đất trời/ Mắt đen hun hút phía người/ Phía ta níu lấy nỗi đời riêng mang/ Núi đồi ngập giữa trăng non/ Chuông chùa thả nhịp siết tròn vòng tay/ Đất trời lay chuyển ngất ngây/ Lòng ta níu lấy tháng ngày thơm hương... (Hương thời gian).

Thơ VÂN HÒA giản dị, sâu lắng mà chân thành. Cái chân thành, sâu lắng cao quý của một nhà giáo, của một người làm khoa học và của một người làm công tác quản lý. Đọc thơ anh, người đọc sẽ hình dung ra con người đời thường và con người thơ; cả hai có sự hòa quyện vào nhau, tuy hai mà một tuy một mà hai. Con người đời thường mực thước, mô phạm - cái mô phạm của một nhà giáo; sự nghiêm cẩn của một nhà quản lý; sự chỉn chu, chính xác của người nghiên cứu khoa học; cái giản dị, sâu lắng, chân thành của một người làm thơ, yêu thơ say đắm.

Thơ Nguyễn Đình Hiền chan chứa tình cảm của một con người tinh tế có chiều sâu và giàu cảm xúc. Với anh, những gì xảy ra quanh mình cũng đều để lại dấu ấn và được anh chiêm nghiệm sâu sắc rồi ghi lại cảm xúc đó bằng thơ. Bạn lòng ơi, một trời kỷ niệm/ Một khối tình đi suốt thời gian/ Có nắng mặt trời, có hương của đất/ Mây lang thang, gió bật cung đàn// Ta say khướt men tình nồng chuếnh choáng/ Giấc mơ hoa neo giữa cánh đồng vàng/ Dòng sông chảy đưa em về bến đỗ/ Ta phong trần, vượt thác đến tìm em// Bạn lòng ơi em có thành tri kỷ/ Thành đại dương ôm ấp phiến đá buồn/ Xin trở lại câu thơ ngày chạm mặt/ Đôi mắt tròn cho trái đất thành duyên (Tâm sự).

Thơ VÂN HÒA thường nghiêng về cảm xúc, vì thế anh ít dụng công trong việc sử dụng chữ nghĩa, thi ảnh cũng như các thủ pháp tu từ. Tuy vậy, có nhiều bài thơ, câu thơ được anh sử dụng hình ảnh, cấu tứ ám ảnh, giàu sức gợi, tạo nên những liên tưởng thú vị, bất ngờ và để lại dư ba. Bài thơ Hạt giống là một ví dụ: Một hạt giống/ Sẽ trăm ngàn hạt giống/ Thành rừng cây với sức sống nhiệm màu/ Thành vũ trụ, ngân hà, chân lý/ Trong tình người vang vọng tiếng mẹ ru...

Từ những suy tưởng về con người, những cảm xúc thường trực/ bất chợt khiến thơ về gần với hơn với đời sống, thế giới nghệ thuật thơ mang những nghiệm sinh mới về con người và cuộc đời một cách sâu sắc. Biển vào đêm gầm gừ sóng cả/ Cát lặng im cõng sóng vào bờ/ Sóng bạc đầu thời gian kể chuyện/ Chuyện muôn đời biển của mai sau// Cuối cùng rồi cát và sóng tan ra/ Đại dương ôm vào lòng mảnh vỡ/ Gió thủy chung nên suốt đời dang dở/ Biển muôn đời thành nỗi trở trăn (Tự tình với biển).

Hương thời gian tựa như nhật ký hành trình những cảm xúc của anh trên mọi bước đường của cuộc đời mà anh đã đi qua. Cảm xúc bất chợt nhưng lại để lại những dư vị có ý nghĩa trước nhất là cho chính bản thân anh. Đó chính là sự di dưỡng tinh thần của đời mình sau những giờ lên lớp, hay thời gian nghiên cứu khoa học và cả những lúc phải phát huy cao độ để đưa ra những quyết định phù hợp trong cương vị của người làm công tác quản lý...

Thơ là tiếng nói cất lên từ trái tim và tâm hồn. Những gì Nguyễn Đình Hiền phản ánh trong thơ chính là tiếng nói sâu thẳm, da diết từ trái tim và tâm hồn mình. Anh như con suối lao về biển/ Núi đồi để lại giữa cằn khô/ Lòng em cơn khát trong mùa hạn/ Thèm một cơn mưa đến bất ngờ (Khát).

Viết về điều gì thơ Nguyễn Đình Hiền cũng nhẹ nhàng, dung dị, điềm tĩnh. Sự điềm tĩnh, hồn hậu đáng yêu ấy phải chăng phần nào thể hiện tính cách, con người và cuộc đời của anh. Đã bao lần cánh cửa nhận nỗi đau/ Những chàng trai gõ tay mình lên đấy/ Cũng như trái tim em... đã ngàn lần như vậy/ Có tiếng gõ nào gây nỗi nhớ trong em? (Gõ cửa).

Sinh ra ở vùng đất lửa Quảng Trị nhưng PGS-TS. Nguyễn Đình Hiền có nhiều thời gian gắn bó, sinh sống và làm việc tại Bình Định, cũng là quê vợ anh. Vì thế, với anh cả hai vùng đất này đều thân thuộc, nghĩa tình. Quảng Trị nơi anh cất tiếng khóc chào đời và những năm tháng tuổi thơ gắn bó ở đó với biết bao ký ức của thuở thiếu thời. Bình Định là nơi anh học tập và công tác trong suốt cả chặng đường đời làm việc của mình. Anh đặc biệt chú trọng và ưu ái gửi trọn tình thương, nỗi nhớ với tất cả những suy nghĩ, trăn trở của hồn mình, lòng mình vào hai vùng đất này. Sợi dây tâm hồn Nguyễn Đình Hiền vang lên, cái hồn của ruộng đồng, làng quê, phố thị lan tỏa vào thời gian và không gian trong và ngoài nước, thấm vào hồn người. Hình ảnh ấy mang vẻ đẹp trong sáng, bình dị, đem lại cảm giác ấm áp, gần gũi và sâu lắng. Gợi nhắc những kỷ niệm của tuổi thơ nơi mảnh đất chôn nhau và những năm tháng làm việc nơi quê hương thứ hai Quy Nhơn - Bình Định. Nguyễn Đình Hiền luôn tự thức phải có trách nhiệm với quê hương nơi mình sinh ra và ở nơi đã gắn bó suốt hành trình cuộc đời bằng tất cả nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm công dân. Sẵn sàng đóng góp sức mình để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng thêm giàu, thêm đẹp.

Trong thơ VÂN HÒA có một thế giới quê nhà trong ký ức hiện về với những hình ảnh vừa chân thực vừa mờ xa. Nhà thơ lần lượt gợi nhắc nhiều những sự việc, hình ảnh; trong đó Người mẹ Quảng Trị của tôi hiện lên với biết bao phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng. Các địa danh nổi tiếng của quê hương gắn liền với bao thăng trầm của thời cuộc và liên quan đến mẹ đều được Nguyễn Đình Hiền liệt kê bằng giọng thơ đầy sâu lắng, sẻ chia; bắt nguồn từ tình cảm thiêng liêng chân thành, khơi dậy niềm tự hào của mỗi con dân nước Việt nói chung, bà mẹ Quảng Trị của tôi nói riêng.

Cầu Hiền Lương như đòn gánh mẹ/ Băng qua dòng nước xiết trào dâng/ Ơi Bến Hải, Cửa Tùng mùa lũ/Mẹ tựa vào Dốc Miếu lưng cha/ Một bàn chân bám vào Cửa Việt/  Bàn chân kia níu chặt Khe Sanh/ Giọt mồ hôi rơi xanh màu Cồn Cỏ/ Đêm bão về... thức trắng nguyện La Vang/ Hoa đăng trôi... nước mắt thiêng Thạch Hãn/ Tân Sở ngút trời, khí tiết Chiếu Cần Vương... / Cầu Hiền Lương oằn mình đòn gánh mẹ/ Gánh hai đầu Thành Cổ, Vĩnh Linh/ Phía bờ Bắc quằn mình làm Lũy thép/ Phía bờ Nam máu đổ nhuốm Thành đồng/ Đòn gánh mẹ quặn đau không gãy nhịp/ Nối hai bờ không một tiếng thở than/ Chỉ xót thương người nằm lại dọc Trường Sơn/ Mẹ đón các con về dang vòng tay rộng mở/ Không tính thiệt hơn.../ Mẹ sống trọn nghĩa tình./ Quảng Trị bây giờ sắc màu lung linh/ Thành phố hòa bình có hình dáng mẹ/ Bà mẹ Quảng Trị - hồn thiêng xứ sở/ Bà mẹ anh hùng, bà mẹ Việt Nam.

Nguyễn Đình Hiền đã bất tử hóa, vĩnh hằng hóa hình tượng bà mẹ Quảng Trị, bà mẹ anh hùng Việt Nam bằng một tượng đài nghệ thuật hoành tráng. Nguyễn Đình Hiền hoài vọng về cố hương là tìm về với những căn cốt quê nhà, tìm về với gia đình, tiên tổ, bạn bè, thầy cô, tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống... Đó chính là chỗ dựa tinh thần cho anh, một người xa quê nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ về cố hương và vẫn là người con hiếu thảo với quê nhà. Trên tất cả, những bài thơ ấy, cảnh ngộ ấy, hoàn cảnh ấy... để chúng ta thấy được sự chân thành, tấm lòng nặng nợ với đất và người quê hương. Những câu thơ nhẹ nhàng ngân lên, gợi được tình cảm tốt đẹp trong lòng người đọc. Để từ đó bản thân mỗi người họ có dịp chiêm nghiệm lại chính mình; nhìn nhận một cách thấu đáo và sâu sắc hơn. Đá nằm tĩnh lặng đón mưa/ Rửa đi bụi bặm cho vừa thế gian.// Đá ngồi khoác vội nắng vàng/ Lặng im như Bụt lần tràng hạt duyên.// Đá đứng ôm gió trước thềm/ Mây buông như tóc chảy mềm dáng xuân (Phiến đá).

Bên cạnh những cảm xúc bất chợt, Nguyễn Đình Hiền còn có những bài thơ mang chất chiêm nghiệm, trăn trở, suy tư. Trắng trong, tinh khiết nét dịu dàng/ Hương quỳnh thơm mãi giữa không gian/ Hoa nở hết mình trong đêm vắng/ Sáng ra, còn lại chút hương tàn... (Hoa quỳnh). Gió vẫn miên man điệp khúc hành trình/ Những mảnh vỡ đau lòng thân biển mặn/ Như cuộc đời có bao giờ phẳng lặng?/ Bao giờ biển thôi hát những chờ mong (Tự tình với biển).

Điều dễ nhận thấy và làm nên nét riêng ở thơ Nguyễn Đình Hiền là tất cả mọi thứ đều diễn ra êm đềm không phải kiểu khổ đau, buồn bã đến quằn quại hay tuyệt vọng đến kiệt cùng. Mà đó chỉ là những khoảnh khắc vụt hiện hoặc sự phơi trải theo dòng cảm xúc tự nhiên, hồn hậu. Do vậy, giọng thơ hiền lành, trầm lắng, da diết, mang nhiều nỗi suy tư, trăn trở. Giọng thơ dung dị ấy cất lên, bạn đọc không thể không chú ý lắng nghe và đón nhận. Như cỏ dại ven đường/ Em lẫn vào hương hoa đồng nội/ Tôi nhận ra em muộn màng bối rối/ Ơi bông dủ dẻ đồng quê// Những buổi hoàng hôn chân lạc lối về/ Giữa mùi hương phảng phất/ Tôi bàng hoàng nhận ra sự thật/ Bông dủ dẻ ven đường không dễ ban trao// Rồi từng đêm tôi nằm chiêm bao/ Hương dủ dẻ cứ gửi về theo gió/ Tôi nhận ra... nhận ra một điều rất rõ/ Bông dủ dẻ tự yêu mình.../ nên chỉ nở về đêm (Bông dủ dẻ).

 Bên cạnh những bài thơ viết về quê hương, bạn bè, nghề giáo, những nơi anh đã đặt mình đến đó thì Nguyễn Đình Hiền có rất nhiều bài thơ viết về “em” bằng tình cảm rất chân thành, trong sáng. Ở đó, có cả những rung động của tuổi mới lớn, lúc trưởng thành và cả khi đã là người từng trải. Những bài thơ viết về “em”, viết cho “em” như một bản giao hưởng đa cung điệu nhưng bao giờ nhân vật trữ tình “anh” cũng bao dung, cảm thông và thể hiện bản lĩnh, cốt cách của chính mình.

Để có cơn mưa dịu mát đất trời/ Cây phải quặn mình bao lần đau trước gió/ Nhưng thiếu mưa, lấy gì cho hoa nở/ Để anh mang tặng em cái đẹp nhất trên đời! (Tặng em).

z6609921649944-0a5551c48de9016edb4c0fcf2bccae39-1747452383.jpg

Nguyễn Đình Hiền đã đi qua tuổi thanh xuân sôi nổi, nhiều mộng mơ. Giờ đây tình yêu ngày càng nồng nàn và thực tế hơn. Với anh, trong kiếp nhân sinh tình cảm gia đình, vợ con trở nên vô giá. Anh sâu sắc nhận ra, hạnh phúc gia đình là điều thiêng liêng nhất, là nguồn sức mạnh xua đi bao nỗi lo âu, nhọc nhằn, bất trắc để đi đến thành công. Anh cảm thấy mình may mắn vì có vợ con hiểu mình, cùng chia ngọt sẻ bùi, là hậu phương để anh yên tâm làm việc, cống hiến cho đời. Con suối tình vẫn dạt dào tuôn chảy đến tận cùng yêu thương của tình chồng vợ, cha con. Vì thế, anh dành những vần thơ viết về gia đình, vợ con rất đượm tình, thấm thía, giản dị mà xúc động chứa đựng tình yêu tha thiết với quê hương, cuộc đời như được chạm vào sự yêu thương và hạnh phúc. Về quê ta về thăm quê/ Đưa con cùng vợ ta về chốn xưa/ Vợ con không quản nắng mưa/ Chỉ nghe rất rõ tiếng thưa, dạ hiền/ Yêu thương đã xóa muộn phiền/ Cười vui, gặp gỡ... ngọt miền ca dao/ Về quê hạnh phúc biết bao/ Đượm tình chồng vợ, ngọt ngào cha con (Đưa vợ con về quê).

Nhà giáo Ưu tú, PGS-TS. Nguyễn Đình Hiền cho biết, anh vốn yêu văn chương từ thời còn học phổ thông và giữ mãi tình yêu ấy theo thời gian. Người nhạy cảm, tinh tế có chiều sâu nên điều gì xảy ra cũng đều làm cho anh xúc động, trăn trở và có ngay những câu thơ, bài thơ để biểu đạt một cách sâu lắng, nhiều cung bậc và đa nghĩa. Vì thế những câu thơ bật ra và kết nối lại với nhau bằng thứ nhịp điệu tự do, bất chợt với ngôn ngữ bổng trầm theo cách riêng của anh. Do vậy, đôi khi vô tình đi quá xa trong sự xâu chuỗi liên hoàn toàn bài. Cái quan trọng, người đọc vẫn nắm bắt được cái hồn, cái sắc diện tinh thần, ý tưởng và tính đa nghĩa trong thơ anh.

Nguyễn Đình Hiền đã chọn cho mình cách dùng ngôn ngữ riêng để bộc bạch và trải lòng bằng giọng tâm tình, thủ thỉ, sâu lắng với sự nhạy cảm của trái tim yêu thương. Tôi tìm tôi trong sự viết là một cách để khám phá và đào sâu bản thể. Nghĩ và nhìn về cuộc sống của con người: tình yêu, khát vọng, lý tưởng, ước mơ... Tất cả xây dựng trên cơ sở cảm nghiệm của chủ thể trữ tình. Dù xuất phát từ quan niệm, góc nhìn nào cũng đều hướng về cái đẹp, cái cao cả nhân văn. Sáng nay chớm thu về/ Lá vàng buông theo gió/ Con nai vàng tỉnh giấc/ Hôn lên sương đầu mùa// Thu đi rồi trở lại/ Em đi rồi... xa xăm.../ Làn hương xưa gửi lại/ Thành thu vàng không tên// Thu về mang theo gió/ Thu về mang theo mây/ Trời xanh cao lồng lộng/ Tình người thêm đắm say... (Mùa thu trở lại).

Có thể nói mỗi cảm xúc của Nguyễn Đình Hiền đều là cái cớ để anh bộc lộ tâm hồn mình qua thơ và nếu lắp ghép lại một cách liên tục thì sẽ tạo ra một tiểu sử bằng thơ. Tóc em nghiêng xuống bên còn/ Để anh bên mất mỏi mòn đợi mong/ Tóc em nghiêng xuống bên không/ Để anh bên có cho lòng nôn nao/ Tóc em nghiêng xuống bên nào/ Hồn thơ anh đã lạc vào tóc em... (Tóc em).

Hương thời gian, Nhà giáo Ưu tú, PGS TS. Nguyễn Đình Hiền đã ký gửi tất cả những cảm xúc, nỗi niềm của đời mình, lòng mình vào đó. Tất cả đều dung dị, sáng trong, chân thành, đằm sâu và da diết. Với những thành công trên con đường sự nghiệp và cả những đóng góp trí lực cho nước nhà của Nguyễn Đình Hiền thì đó cũng chính là hương thơm, là những giọt thời gian mang nhiều ý nghĩa. Vì thế, Hương thời gian còn ẩn chứa thông điệp triết lý nhân sinh về giá trị cuộc đời của mỗi con người - nhất là thế hệ trẻ, đó là tâm nguyện lớn lao của người thầy giáo có tâm hồn thơ ca Nguyễn Đình Hiền. Đêm lặng thầm chở những vì sao/ Gió lặng thầm chở hương thơm ngát/ Đất lặng thầm cho cây bao vị ngọt/ Thầy lặng thầm nâng bước em bay cao//... // Các em của tôi khôn lớn đã nhiều/ Bài giảng ngày nào chắt chiu từng đêm trắng/ Dù tóc thầy ngã dần sang màu phấn/ Vẫn theo em đi suốt cuộc hành trình... (Lặng thầm).

Hy vọng những câu thơ và tấm lòng Lặng thầm theo Hương thời gian của người thầy sẽ cùng với bao thế hệ học trò tỏa sáng./.