Cuộc thi viết “Sách – người thầy, người bạn” năm 2024 do mạng xã hội SongKhoePlus.vn và Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Saigon Books và Eden Farm phát động từ ngày 9/3 và kết thúc ngày 21/4/2024. Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc thi đã nhận được số lượng bài dự thi lớn, có chất lượng tương đối đồng đều: 529 tác phẩm của hơn 350 tác giả trong và ngoài nước gửi về.
Hầu hết các tác phẩm dự thi đều là những câu chuyện đẹp được kể lại bằng những rung cảm mộc mạc được viết bởi nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ với sự đa dạng trong nếm trải thăng trầm của cuộc sống nhưng có giá trị chữa lành tâm hồn, ấm nóng tình người.
Trong từng tác phẩm, qua mỗi cuốn sách được giới thiệu tại cuộc thi này là những gam màu ký ức đan xen của biết bao thế hệ, lứa tuổi. Khi đó, với họ, sách như một người thầy, người bạn dẫn lối, nâng đỡ, vỗ về, an ủi; giúp họ được sống, làm việc và học cách sẻ chia với bản thân và những người xung quanh; và để họ được thấy một phần cuộc đời mình: “Có buồn bã, khổ đau nhưng cũng có những vui vẻ, hạnh phúc; có sự tẻ nhạt nhưng cũng vô cùng thú vị không thể nào nguôi quên...”
ThS, Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa, Phó Ban giám khảo cuộc thi cho biết, số lượng các bài viết gửi về tham dự được không những đa dạng loại hình trình bày, mà còn về phong phú nội dung thể hiện, đến từ các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều bài viết gửi bài tham dự và không ít tác phẩm/cuốn sách được lựa chọn giới thiệu mới lạ, độc đáo.
“Điều đặc biệt, thông qua cuộc thi, các bài viết đã phản ánh phong phú thị trường sách và văn hóa đọc hiện này, khắc họa chân thực hình ảnh người đọc và tình yêu với văn hóa đọc cũng như những giá trị mà sách/văn hóa đọc mang đến, nhất là giới trẻ”, Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa nhận định.
Như đọc “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của Tô Hoài, Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong (Đà Nẵng) đã cho người đọc biết vì sao “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” có ảnh hưởng sâu đậm đến với bao thế hệ; để trong bài viết “Chú Dế Mèn của Tô Hoài và tôi” của mình: “Có lẽ máu xê dịch và phiêu lưu của tôi được bơm một nguồn cảm hứng lớn từ sau dạo đọc tác phẩm này... như một con dế vừa uống căng bụng một giọt sương mai”.
Hay “Thấu hiểu về trái tim” của sư cô Thích Nữ Tịnh Nghĩa lại mang đến những giá trị nghiệm của sự yêu thương của người con nhà Phật sau khi đọc cuốn sách “Hiểu Về Trái Tim” của Thiền sư Minh Niệm: “Nếu không có khổ đau/Biết đâu là hạnh phúc/Nhờ mộng mị hôm nào/Ta tìm về tỉnh thức”.
Còn ở “Quyển sách cho tôi tình yêu với con chữ” của Đặng Thị Hồng Nhung (Thụy Điển) là sự hướng nội đầy tích cực từ cuốn sách “Người đua diều” của nhà văn Khaled Hosseini: “là những câu văn có hồn, những con chữ giàu cảm xúc với các diễn biến tâm lý, tình tiết vô cùng kịch tích mà ngay ở đó tôi bắt gặp được nỗi buồn của chính mình.”
Đặc biệt, tác phẩm đạt giải Nhất, “Chết như thế nào” được Nguyễn Thị Thanh Thảo (Quảng Nam) chia sẻ trong bài viết “Phạm Nguyên Tường cùng minh triết của sự mất mát” là cuốn sách đem đến nguồn sống tích cực giữa bao bộn bề, áp lực. Trong ám ảnh bi thương, từng dòng từng trang viết vẫn ấm áp và lặng lẽ tỏa ra ánh sáng của tình thương, của niềm thấu cảm và chia sẻ “trực diện với vấn đề nhân sinh bí ẩn: cái chết - bằng tất cả những tính từ gõ mạnh vào cảm giác, vào tình yêu đồng loại của con người.”
Còn đó nhiều bài viết nhẹ nhàng, sâu lắng, thắm đẫm tình đời, tình người: “Chuyến tàu thanh xuân một chiều!”, tác giả thế hệ GenZ Trần Thị Kim Anh đến từ Quảng Bình lại đưa ta về chuyến tàu của đời người với câu hỏi “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”; “Vượt qua bão giông tuổi 36”, Lê Thị Nga gợi ra nhiều rung cảm khi chị đọc cuốn sách “Đời có thật nhạt nhẽo hay do ta vô vị” của Nhiếp Hướng Vinh; “Sẽ chẳng có ‘giá mà’ khi tự ta biết đủ” của Đỗ Thùy Linh (Hà Nội) như một thông điệp đối với tất cả chúng ta “Đời người không dài nhưng lắm chặng nhiều đày ải.”; “Xếp lại vitamin cho tâm hồn” - Hồ Xuân Đà (TP.HCM); “Muôn kiếp nhân sinh” để sống trọn vẹn và thiện lành hơn” - Nguyễn Thành Giang (Quảng Nam); Ký ức ngọt ngào đầy thương nhớ” - Lê Trọng Hoàng Huy (Phú Thọ); “Một câu chuyện tình đẫm đầy nước mắt, đậm chất nhân văn” - Nguyễn Hạnh An (Khánh Hòa); “Dám bị ghét”- đạo diễn Holy Thắng (TP.HCM),...
Thông qua chương trình, Tọa đàm giao lưu: “Sách – người thầy, người bạn” năm 2024 với chủ đề “Người trẻ với văn hóa đọc”. Tham gia Tọa đàm có: TS. Hồ Bá Thâm, nguyên Vụ trưởng – Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật khu vực ĐBSCL; ThS, Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa; Nhà báo Khổng Loan, Phó Thư ký toà soạn Forbes Vietnam; Nhà văn trẻ Yang Phan – Giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần thứ 7/2023; cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà quản lý, nhà phát hành sách và doanh nhân.
DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ/TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI:
Giải Nhất:
Phạm Nguyên Tường cùng minh triết của sự mất mát – tác giả Nguyễn Thị Thanh Thảo (Quảng Nam)
Giải Nhì:
1. Thấu hiểu trái tim – tác giả Thích Nữ Tịnh Nghĩa (TP.HCM)
2. Quyển sách cho tôi tình yêu với con chữ – tác giả Đặng Nhung (Thụy Điển)
Giải Ba:
1. Chú Dế Mèn của Tô Hoài và tôi – tác giả Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong (Đà Nẵng)
2. Chuyến tàu thanh xuân một chiều! - tác giả Trần Thị Kim Anh (Quảng Bình)
3. Xếp lại vitamin cho tâm hồn – tác giả Hồ Xuân Đà (TP.HCM)
Giải Tác phẩm được yêu thích nhất:
Ký ức ngọt ngào đầy thương nhớ! – tác giả Lê Trọng Huy Hoàng (Phú Thọ)
Đại sứ văn hóa đọc:
Tác giả Nguyễn Hạnh An (Khánh Hòa)