Sách – người thầy, người bạn [29]:

Chuyến tàu thanh xuân một chiều!

19 tuổi, trên tuyến xe buýt số 19 từ Quận 01 về Thủ Đức, mình nhen nhóm ý tưởng tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm gì để không phí hoài tuổi trẻ?” sau khi đọc những lời tâm sự của tác giả Rosie Nguyễn trong cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”.

Gen Z sinh ra trong kỷ nguyên số, trước vô vàn cơ hội, làm sao giải được bài toán “vượt sướng” để trưởng thành có lẽ là thách thức rất lớn của thế hệ này. Mình không ngoại lệ, tháng 8.2018, từ miền Trung vào TP.HCM nhập học, mang theo hoài bão và rất nhiều kế hoạch cho bản thân, nhưng… tất cả đều đang bỏ ngỏ.

Một lần đến nhà sách, chạm mặt cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, mình quyết định mua với lý do đơn giản vì sách có tem “The #1 bestseller” ở góc trái trang bìa. Trên chuyến xe đi về hôm đó, mình đọc sách và thực sự được khai sáng tư duy. Mỗi trang sách là một bài học đúc kết từ trải nghiệm thực tế của tác giả - người sắp bước qua tuổi trẻ.

hinh-01-1711331612.jpg
Chạm mặt cuốn "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?"

Bằng văn phong gần gũi, tác giả dẫn mình đi qua 05 phần: Tôi đã học như thế nào?, Học đi đôi với hành, Đi là một cách tự học, Lấp lánh trước khi tỏa sáng và Quà tặng kèm. Nội dung các phần không nặng giáo điều, đơn giản là những lời tâm sự bình dị của người đi trước truyền tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đối diện với khó khăn để tự tin bước vào đời cho thế hệ đi sau.

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, mình đọc ba lần vào ba thời điểm, ba tâm thế và đúc kết ba bài học khác nhau...

Lần đầu tiên, 19 tuổi, là sinh viên năm nhất, mình đặt mục tiêu chinh phục khóa học này, trải nghiệm công việc kia nhưng tất cả đang dừng lại trên giấy. Bản thân ì ạch, không đủ động lực để vượt “vùng lãnh thổ” an toàn. Mình thấy có lỗi với cái tôi của mình khi đọc đến một đoạn trong sách: “Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kỳ thực lại rất hữu hạn ngắn ngủi. Nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá”. Đúng vậy, dù là những việc đơn giản như chăm sóc sức khỏe, đọc sách, học trực tuyến, thiện nguyện, làm thêm… mình vẫn chưa bắt đầu. Dứt cuốn sách, mình sắp xếp lại lịch sinh hoạt cho lành mạnh, đăng ký tham gia câu lạc bộ chuyên ngành, tham gia dự án thiện nguyện và trở thành cộng tác viên báo chí. Vậy là mình dám nghĩ, dám bắt đầu rồi!

Lần thứ hai, 21 tuổi, là sinh viên năm cuối, mình đứng trước hành trình mới mang tên: Thực tập. Trái với sự háo hức trải nghiệm của mình, dịch Covid-19 lạnh lùng ập tới khiến mình bế tắc vì kỳ thực tập phải tạm hoãn. Lúc tuyệt vọng nhất, sách đã cứu cánh mình nhờ chia sẻ của tác giả: “Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì dông bão cuộc đời”. Phải rồi, chọn vươn lên hay đứng yên trước nghịch cảnh đều sẽ gặp những “con sóng”, vậy sao mình không thử, thử là đặc ân của tuổi trẻ mà, bởi vẫn có rất nhiều cơ hội khác phía trước. Thế rồi mình thử thực tập online, thử triển khai online dự án xây dựng thương hiệu cá nhân cùng một tổ chức phi lợi nhuận… Vậy là mình dám thử nghĩ ngược làm được rồi!

Lần thứ 3, 24 tuổi, đang trải nghiệm công việc trong lĩnh vực Truyền thông, hơn ba năm đi làm không dưới năm lần mình có ý định chuyển ngành khi đối diện với khó khăn trong công việc. Những lúc này, mình sẽ nghĩ về lý do ban đầu mình chọn ngành và cách bản thân đã nỗ lực vượt qua định kiến theo đuổi khối ngành xã hội. Vậy tại sao mới gặp thách thức tạm thời mình lại chùn bước? Mình tập tư duy như vậy, nghe có vẻ lý thuyết nhưng lại rất chân thật bởi mình từng chứng kiến sự tiếc nuối của tác giả khi không được sống với đam mê của mình, chị chia sẻ: “Tôi đã nghe theo lời gia đình, theo xu hướng xã hội, chọn thi đại học theo ngành nào dễ kiếm việc làm. Thế là nhảy qua học kinh tế. Để rồi sau mấy năm trời theo đuổi kinh tế, thấy bên trong mình rỗng toác. Để bây giờ lại quay trở về với nghiệp viết như xưa”. Vậy là mình dám đi cùng đam mê rồi!

hinh-02-1711331613.JPG
Tác giả Trần Thị Kim Anh

Mỗi lần đọc xong cuốn sách, mình lại có thêm động lực để vươn khỏi “vùng lãnh thổ” an toàn của bản thân để làm giàu chất liệu sống hơn. Dần dà, mình hiểu bản thân đang trở thành tác giả cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? phiên bản chính mình và trả lời được câu hỏi năm 19 tuổi “Làm gì để không phí hoài tuổi trẻ?”.

Nếu được thực hiện một phép so sánh, mình sẽ ví thanh xuân như chuyến tàu một chiều, mỗi toa tàu là một giai đoạn của thời thanh xuân ấy. Có toa là giai đoạn đi học, có toa là lúc đi làm. Để hành trình du ngoạn trên chuyến tàu rực rỡ nhất, các hành khách hãy chuẩn bị thật kỹ hành trang cá nhân và một tinh thần thật hứng khởi nhé!

Tác giả: Trần Thị Kim Anh

[tran.anh20012000@gmail.com]

Hoàng Kim Như

Hoàng Kim Như

08:57 19/04/2024

Sách hay và bài luận rất đáng đọc để thấy sự chuyển động của một đời người

Hoàng Kim Như

Hoàng Kim Như

11:23 17/04/2024

Cảm ơn tác giả nhen

Ngahoang

Ngahoang

11:22 17/04/2024

Hay quá ạ, cuộc thi ý nghĩa nữa

Mymy

Mymy

22:50 16/04/2024

Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả!

Mai Thương

Mai Thương

17:23 16/04/2024

Đọc sách không chỉ để hiểu nội dung cuốn sách mà còn là để tự tạo không gian nhằm đặt mình vào hoàn cảnh của tác giả để có cơ hội hiểu hơn về chính mình. Cảm ơn tác giả

quynh

quynh

12:18 16/04/2024

rất hay và ý nghĩa

Xe máy điện vinfast Tây Ninh

Xe máy điện vinfast Tây Ninh

10:08 03/04/2024

Sách hay tuyệt nên mn nha mn ơi

Ngọc Bích

Ngọc Bích

10:35 01/04/2024

Bài viết rất hay .chúc KA sẽ có thêm thật nhiều bài viết thú vị và ý nghĩa nhé

Thi Van Anh Tran

Thi Van Anh Tran

00:00 29/03/2024

Bài viết rất hay và chân thật . Chúc KA tiếp tục có những bài viết thật thú vị như thế này

Thanh

Thanh

16:12 28/03/2024

Chúc mừng tác giả rất hay đúng thực tế rất ý nghĩa