Công việc chính là bác sĩ, nhưng Phạm Nguyên Tường được biết đến như một nhà thơ, một người viết văn và luôn đồng hành với nhiều thế hệ trẻ yêu văn chương xứ Huế. Anh làm thơ lúc còn ở trường đại học Y Huế, khi trở thành một bác sĩ, tiến sĩ y khoa, anh vẫn không ngừng ghi chép và sáng tác. Trong những tác phẩm của Phạm Nguyên Tường: Hoa cúc mùa thu (thơ); Lá tháng chạp (thơ); Quang gánh và những bài thơ khác (thơ); Sông nói cuộc vô thường (bút ký); nhưng tôi thường nhớ hơn cả đến khoa “Chăm sóc làm dịu” trong cuốn sách không dày lắm và ít người biết đến: Chết như thế nào.
Chết như thế nào? Có lẽ một bác sĩ làm việc lâu năm ở khoa Ung bướu bệnh viện Trung ương Huế như anh có hàng trăm câu chuyện về cái Chết.
Tập văn xuôi của anh chỉ là một cuốn sách mỏng với hơn trăm trang in chứa những mẩu ghi chép về công việc chữa trị chăm sóc bệnh nhân nan y khi anh vừa làm việc vừa đi học ở nước ngoài. Chết như thế nào là cuốn sách thể hiện trung thực, sống động, day dứt, đầy cảm thông chia sẻ trước những bất hạnh đớn đau của con người (Nguyễn Hữu Quý). Cuốn sách mỏng mà trĩu nặng tâm tư, tình cảm của một nhà khoa học, một lương y bày tỏ trong trái tim ấm của một nhà thơ.
Trong một lần ghé thăm anh trong căn phòng áp mái cầu thang nhỏ xíu khi bệnh viện Trung ương Huế chưa được sửa chữa, tôi ngỡ ngàng không tin được. Nó đúng là một căn phòng áp mái cầu thang có trong bất kỳ ngôi nhà nào thường được tận dụng làm nhà kho hay hầm chứa rượu. Phạm Nguyên Tường với dáng người cao to như muốn át luôn căn phòng quá tương phản với anh. Tôi chưa kịp ái ngại thì anh cười trìu mến nói phòng anh còn rộng gấp mấy lần phòng bệnh nhân! “Bệnh nhân của tôi nằm ở một khu gọi là khu hành lang. Bệnh nhân phải nằm ghép đôi, chật chội, nặng mùi và mệt mỏi ê chề. Nhìn những tấm thân tàn tạ vì bệnh tật và vì phải điều trị dài ngày, không ai có thể cầm lòng” (Chết như thế nào). Đọc sách anh viết mấy chục năm sau, tôi hình dung mồn một cảnh miêu tả ấy, mũi cay xộc như thể đang tận mắt chứng kiến giữa lớp lớp lớp ngôn từ! Chỉ có những bác sĩ như anh mới hiểu bệnh nhân ung thư Việt Nam tận cùng của sự oan nghiệt và đày đọa như thế nào! Trong những ghi chép của Tường, những cái chết của người bệnh thật thương tâm, ám ảnh: một đứa bé lên ba, một nữ sinh trung học, một người nghèo đến không thể nghèo hơn... Số phận nhân vật trong tác phẩm của anh cũng chính là số phận của bệnh nhân anh, những người anh hằng ngày gặp gỡ họ, điều trị cho họ, đồng hành cùng họ trong nỗi đau đớn tột cùng về thể xác và tinh thần. Chính vì vậy, khi được tiếp cận với khoa chăm sóc làm dịu, tôi cảm giác như anh đem đến cho người đọc một liều thuốc tinh thần làm ấm áp từng trang viết. Với từ ngữ giản dị, Phạm Nguyên Tường giúp người đọc hình dung, trực diện với vấn đề nhân sinh bí ẩn: cái chết - bằng tất cả những tính từ gõ mạnh vào cảm giác, vào tình yêu đồng loại của con người.
Và thật kỳ lạ, Chết như thế nào lại là cuốn sách đem cho tôi một cảm giác tích cực. Trong ám ảnh bi thương, từng dòng từng trang viết vẫn ấm áp và lặng lẽ tỏa ra ánh sáng của tình thương, của niềm thấu cảm và chia sẻ. Có lẽ, đó chính là “minh triết của mất mát” mà Phạm Nguyên Tường đã biên chép trong một bài viết khác sau này của anh. Có lẽ, nghề nghiệp và một môi trường làm việc quá đặc trưng khiến Phạm Nguyên Tường luôn trăn trở về phận người. Những năm tháng học tập ở nước ngoài là lúc anh giàu có nhất về thời gian, có dịp quan sát về những người Việt xa xứ, ngồi xuống cùng họ dưới bầu trời xanh thẳm và biên chép lại những câu chuyện, những cảm xúc rất đời thực. Đó là một giọng não nề blero chợ Nọ giữa Bruxelles ngựa xe như nước áo quần như nêm, đó là thiên đường Singapore trong dòng người và tiền bất tận. Tôi đọc ở đây, và thấy anh giữ thiên chức của một nhà văn từ tâm hơn là một bác sĩ cao to “hộ pháp” như Đấng Cứu Thế giữa hành lang ngập những bệnh nhân khổ đau khoa ung bướu của bệnh viện.
Và đó là Huế nơi anh lớn lên. Nơi anh uống cà phê vỉa hè với những người bạn. Nơi anh vì quen biết một người Mỹ bị giày vò mà quyết phải tới được Đồi thịt băm vùng A Lưới.
Tôi những muốn thật nhiều người biết đến những câu chuyện được ghi chép trong Chết như thế nào. Bởi vì tôi tin một phần trong quyển sách này Phạm Nguyên Tường viết ra để trị liệu tinh thần an ủi bệnh nhân của mình bên cạnh những phác đồ hóa chất lạnh lùng, khắc nghiệt.“Tôi nhớ đến bệnh nhân nữ 23 tuổi Alice ở Bỉ. Khi vào điều trị trong bệnh viện, em viết vào cuốn sổ tay:“Tôi không thể chịu đựng nổi nữa, nếu còn ba ngày, xin cho tôi được ba ngày sống tử tế”. Tôi mãi không quên dáng em gầy yếu xanh xao, tay cầm cuốn truyện mỏng. Em đọc chăm chú, khuôn mặt thanh thản lạ lùng. Điều ấy trong tôi kỳ diệu đến nỗi vào buổi giao ban sáng hôm sau, tôi không tin được khi nghe em đã chết. Cái gì đã làm em có cuộc ra đi nhẹ nhàng như vậy?”.
Một bác sĩ có trái tim ấm áp như anh có thể nào khiến chúng ta không thôi giảm bớt đắng cay làm kiếp nhân sinh: “Cuộc đời hành nghề của tôi đã gắn với những giọt nước mắt của biết bao phận đời, phận người. Như những giọt nước mắt bằng sứ trong tác phẩm sắp đặt của Jason Lim ngày nào, đo từ giếng trời xuống, mỗi một lần lại găm buốt tâm can. Tôi thuộc về nơi ấy”.
Có lẽ, loài người chưa kịp thiết lập toàn cầu những khoa “chăm sóc làm dịu” cho những bệnh nhân không may mắn, nhưng những hy vọng làm giảm tối thiểu tổn thất nhân mạng vẫn là hy vọng lớn nhất đang có của cả loài người.
Riêng tôi, thường vẫn suy tư mãi căn phòng áp mái cầu thang của người trưởng khoa cao to hộ pháp có nụ cười thật hiền! Từ nơi nhỏ xíu chật chội căng thẳng mệt mỏi ấy, anh vẫn thơ:
Em là con linh miêu lông trắng như tuyết
Trắng như bây giờ ta chẳng còn nhau
Miêu đã hóa chồn hoang giữa bụi mù dĩ vãng
Để tiếng hú dài rười rượi đêm sâu...
(Linh miêu, Phạm Nguyên Tường)
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thảo
[steppe.as@gmail.com]