Ngay lập tức, bom tấn Hàn Quốc này tạo ra một cơn sốt thảo luận không ngừng trên các nền tảng mạng xã hội, trở thành chủ đề nóng hổi tại 93 quốc gia chỉ trong vòng 24 giờ đầu phát sóng. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng về một cái kết bùng nổ, "Squid Game 3" lại nhận về nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ khán giả Việt. Họ khen ngợi thông điệp nhân văn và diễn xuất ấn tượng, nhưng lại thất vọng vì thiếu đi sự căng thẳng, kịch tính và sáng tạo trong các trò chơi vốn là thương hiệu của bộ phim.

Từ đấu trường sinh tồn đến "luận văn xã hội"
Trọng tâm của "Squid Game 3" được đạo diễn Hwang Dong Hyuk đặt vào thông điệp tình người và trách nhiệm với thế hệ sau. Phim mở đầu trong bối cảnh hoang tàn sau cuộc nổi dậy thất bại của Seong Gi Hun (Lee Jung Jae). Anh phải đối mặt với những trò chơi chết chóc mới trong sự bất lực dần dà, khi nhận ra mình không thể ngăn chặn hệ thống tàn ác này. Phần 3 tập trung sâu vào cuộc đối đầu tư tưởng giữa Seong Gi Hun và Front Man, người ẩn danh dưới cái tên Oh Young Il (người chơi 001) để thao túng cuộc chơi.

Khoảnh khắc ấn tượng và được đánh giá là điểm nhấn nhân văn của phần 3 chính là sự xuất hiện của đứa trẻ sơ sinh của người chơi số 222 Kim Jun Hee (Jo Yoo Ri). Hình ảnh sinh linh bé bỏng này đã thức tỉnh ý chí chiến đấu trong Seong Gi Hun, và phân đoạn anh nhường cơ hội sống cho đứa trẻ đã thực sự chạm đến cảm xúc người xem. Từ đó, "Squid Game 3" không còn là những màn rượt đuổi sinh tử đơn thuần mà chuyển mình thành một bức tranh khắc họa sự đấu tranh nội tâm, lòng trắc ẩn và khát vọng bảo vệ sự sống mới.

Tuy nhiên, chính sự chuyển hướng này lại khiến nhiều khán giả hụt hẫng. Thay vì những trò chơi sinh tồn nghẹt thở như phần trước, phần 3 lại bị nhận xét giống như một "bản luận văn xã hội" hơn là một trò chơi tử thần đúng nghĩa.

Nhịp phim chậm, thiếu cao trào và cảm giác hồi hộp, nghẹt thở đã khiến người xem mất đi cảm giác sinh tồn đặc trưng của "Squid Game". Các chi tiết mang tính biểu tượng như búp bê Young Hee, Cheol Su hay trò chơi nhảy dây và chia đội trốn tìm đều không tạo được dấu ấn mạnh mẽ như những trò bi lăn, kéo co hay tách kẹo ở các phần trước.
Tranh cãi về cốt truyện và phát triển nhân vật
"Squid Game 3" đã gây tranh cãi lớn về cốt truyện và cách phát triển nhân vật. Nhiều ý kiến cho rằng kịch bản lan man, rời rạc và có quá nhiều tuyến truyện phụ không cần thiết. Nhân vật cảnh sát Hwang Jun Ho (Wi Ha Joon), sau thời gian mất tích, trở lại nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Việc thêm các nhân vật khách mời quan sát trò chơi cũng bị xem là thừa thãi, không đóng góp đáng kể cho diễn tiến câu chuyện.

Nhân vật em bé (con của người chơi 222) trong trò chơi nhận được nhiều bình luận. Mặc dù ý tưởng về một đứa trẻ sinh ra trong hệ thống chết chóc nhằm khơi gợi vấn đề nhân tính và tương lai thế hệ sau là khá táo bạo, nhưng cách triển khai lại rời rạc và không tạo được cảm xúc rõ rệt. Tình tiết lính canh chăm sóc trẻ sơ sinh trong bối cảnh một trò chơi tử thần bị xem là gượng ép, thiếu logic và làm giảm tính căng thẳng vốn có của chuỗi phim.
Khán giả nhận thấy khoảng cách giữa thông điệp được lồng ghép và hành động thực tế của các nhân vật, khiến những thông điệp nhân văn trở nên hời hợt, thiếu chiều sâu. Nhưng một số khác, họ cũng cho rằng, chúng đảm bảo yếu tố công bằng vốn có của những mọi người với tư cách người chơi, em bé xuất hiện khiến người xem nhận ra con người vẫn có những dã tâm đáng sợ.

Đặc biệt, hình ảnh nhân vật chính Seong Gi Hun, từng được yêu mến nhờ sự phản kháng hệ thống và hành trình chuyển hóa nội tâm đầy kịch tính, trong phần ba lại trở nên mờ nhạt. Anh bị cuốn vào cơn giận dữ và động cơ giành phần thưởng, thay vì dẫn dắt một cuộc nổi dậy, Gi Hun lại trở thành một phần của trò chơi, đánh mất bản sắc vốn được xây dựng từ phần đầu. Nhiều người hâm mộ cảm thấy khó chịu với những mâu thuẫn tâm lý của Gi Hun, cũng như việc các nhân vật tiềm năng như Cho Hyun Ju (Park Sung Hoon) có kết cục khá "lãng xẹt" và các kẻ tổ chức trò chơi, đặc biệt là Front Man (Lee Byung Hun), không được khai thác sâu sắc.
Ám ảnh từ những trò chơi tàn khốc mới
Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, "Squid Game 3" vẫn không thể phủ nhận chất lượng hình ảnh và kỹ xảo hành động. Phần lớn khán giả đều đồng tình rằng các trò chơi sinh tồn trong mùa này đã được "nâng cấp" và trở nên bạo lực, đen tối hơn, dù thiếu đi sự sáng tạo so với các mùa trước. Bầu không khí của mùa này cũng căng thẳng và kịch tính hơn rất nhiều, với những pha hành động không ngừng khiến người xem phải nín thở.

Đáng chú ý, trò chơi "trốn tìm" trong phần 3 đã gây ám ảnh mạnh mẽ cho khán giả. Đây là trò chơi đầu tiên công khai khuyến khích người chơi giết hại lẫn nhau, dẫn đến những cái chết gây sốc. Với những luật lệ tàn khốc như việc người chơi trong đội đi tìm được phát dao và yêu cầu phải giết ít nhất một người đi trốn trong vòng 30 phút, trò chơi đã đẩy con người đến giới hạn của sự tuyệt vọng và mất nhân tính. Sự ra đi bi kịch của các nhân vật Hyun Ju, Geum Ja, Yong Sik, Jun Hee và sự mất nhân tính của Myung Gi là những tình tiết gây tranh cãi nhưng cũng đầy ám ảnh trong "Squid Game 3".
Kết thúc một hành trình 3 mùa, nhưng liệu có còn dư âm?
"Squid Game 3" đã phá vỡ mọi kỷ lục về lượt xem trên Netflix ngay từ ngày đầu tiên, chứng tỏ sức hút "khủng khiếp" của thương hiệu này. Tuy nhiên, sự đầu tư 100 tỷ won (khoảng 74 triệu USD) dường như không thể cứu vãn được một kịch bản thiếu điểm nhấn và các nhân vật không được phát triển đầy đủ. Phim khép lại mà không để lại dư âm hay tạo động lực để khán giả chờ đợi phần tiếp theo, mặc dù đã chính thức đặt dấu chấm hết cho series.

Sau thành công vang dội của "Squid Game" phần đầu vào năm 2021, loạt phim từng được xem là biểu tượng của truyền hình Hàn Quốc trên nền tảng toàn cầu. Tuy nhiên, với phần ba, khán giả bắt đầu đặt dấu hỏi về khả năng duy trì chất lượng và thông điệp nhân văn của loạt phim này. Nếu không có những đổi mới thực sự về nội dung và cách tiếp cận, "Squid Game" có thể đánh mất vị trí vốn có trong lòng người hâm mộ.