Đêm trước ngày được bố đưa vào trường nhận công tác, bố đã nói với tôi thật nhiều điều, nào là: “Bắt đầu từ mai con sẽ có những đồng nghiệp sống và làm việc trong một môi trường giáo dục. Ở đó sẽ có nhiều khó khăn thử thách và quan trọng nhất là nơi con đến không đẹp như thiên đường. Nó sẽ chỉ trở thành thiên đường khi con thấy mình chính thức thuộc về nơi ấy và trao hạnh phúc của chính con cho những người xa lạ…”. Thật tình tôi không hiểu hết những gì bố nói nhưng tôi đã hứa rất nhanh với bố: “Con sẽ không thất bại”.
Ngôi trường “tọa lạc” trên một quả đồi lớn. Để đến trường tôi với bố phải vượt gần hai mươi cây số đường đất với một bên là vách núi và một bên là vực sâu, cây cối mọc um tùm. Càng vào tới gần trường, đường đi càng nhỏ. Trống ngực tôi đập liên hồi. Tôi sống ở miền núi nên cây rừng và núi đá là những hình ảnh quá quen thuộc. Thế nhưng phải vượt qua mấy chục cây số trên con đường ngày nắng bụi mù, ngày mưa trơn trượt, vắng vẻ với tôi mà nói nó vô cùng lạ lẫm.
Đầu giờ chiều tôi và bố cũng đến nơi. Thầy hiệu trưởng đón tiếp hai bố con thật niềm nỡ. Ngoài sân lũ trẻ người dân tộc quần áo cũ kĩ, lấm lem đang chơi đùa thật sảng khoái. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một vài cặp mắt dò xét nhìn trộm cô giáo mới Sau khi đưa tôi đến phòng tập thể nhà trường, căn dặn thêm nhiều điều, bố chào từ biệt mọi người ra về. Tôi bắt đầu sợ, tủi thân và khóc.
Ở trường tôi ai cũng thân thiện, cởi mở. Hầu hết đồng nghiệp đều còn rất trẻ, đều ở tập thể vì nhà cũng xa như tôi. Tôi được phân công dạy lớp 6 và một lớp bổ túc buổi chiều (học sinh bổ túc có đến 90% là những người trưởng thành). Lũ trẻ tôi dạy chính khóa 100% người dân tộc như Mông, Khơ Mú, Ba Na, Sinh Mun... Chúng đều có một điểm chung: “Nhà nghèo, đông anh em, bố mẹ dân trí thấp và quan trọng là chúng sẽ bỏ học bất cứ khi nào chúng muốn. Đó là “bài học vỡ lòng các anh chị đi trước chỉ bảo tôi”.
Sáng sớm, tôi được đánh thức bởi rộn ràng tiếng lốc cốc của những chú trâu, bò theo chủ đi nương sớm hay tiếng đồng thanh của lũ gà báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Vào lớp, lũ trẻ nhìn tôi với đôi mắt ngây ngô và có phần xa lạ. Thi thoảng quay xuống, tôi vẫn bắt gặp bọn trẻ đang thì thầm bàn tán điều gì đó về cô giáo mới với vẻ “bí mật”. Chiều chiều lại lên lớp cùng những “học sinh đặc biệt”. Tối về khi ông mặt trời vừa khuất núi, khi những làn sương sà kín mặt đất là lúc tôi cảm thấy tâm trạng mình thật tồi tệ. Nơi đây cái gì cũng hoang sơ, không giống như thị trấn tôi vẫn sống. Nếu ngày trước tiếng còi xe hay âm thanh ầm ì của tiếng ô tô làm tôi thấy khó chịu thì nay để được nghe thứ âm thanh quen thuộc đó là một ước mơ xa xỉ với tôi. Thay vào đó là tiếng dế kêu, tiếng côn trùng hòa tấu trong đêm.
Sự chán chường được tôi giấu kín trong lòng, tôi thu mình trong căn phòng nhỏ. Nhiều anh chị tinh ý nhận ra sự cô đơn và nỗi buồn trong tôi. Mọi người an ủi và vỗ về tôi: “Dần dần em sẽ quen, ai lên đây lúc đầu cũng đều có cảm giác giống em, nhưng rồi một thời gian nữa em sẽ thấy nơi này sẽ trở thành một phần không thể thiếu của em. Công việc và lũ trẻ sẽ mang lại cho em niềm vui,…”. Tôi gật đầu cho có lệ chứ trong đầu luôn có một suy nghĩ: “Làm sao quen được với mảnh đất chán ngắt này”.
Có lẽ tôi vẫn sẽ giữ mãi quan điểm tiêu cực của mình nếu không có một buổi tối tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện của bọn trẻ đang ở bán trú. Bọn trẻ lớp chủ nhiệm đang nói về tôi:
- Mình nghĩ cô giáo Yến cũng sẽ giống cô Cúc và cô Ngọc thôi, một thời gian nữa cô cũng sẽ bỏ về. Các cô đều nói về thăm gia đình rồi sau đó có ai trở lại đâu. Lớp mình thay cô chủ nhiệm đến 3 lần rồi còn gì.
- Ừ đúng rồi, các cô chẳng ai quay lại mặc dù nói là rất thích bọn mình. Nhưng sau đó mình đều nghe được các thầy cô nói với nhau là các cô không chịu được buồn, không thích sống ở nơi khổ cực như ở đây.
Tôi không dám nghe hết câu chuyện của bọn trẻ, tôi đi như chạy trốn, tôi sợ bọn trẻ phát hiện ra mình, chúng nói đúng, bởi trong đầu tôi đã từng có suy nghĩ bỏ cuộc và sẽ trở về với bố mẹ. Chí ít ra nếu bỏ việc tôi vẫn sẽ có cuộc sống tốt bởi nhà tôi có cửa hàng lớn bán vật liệu xây dựng ở trung tâm thị trấn. Nước mắt tôi rơi lã chã, tôi không biết mình khóc vì điều gì. Vì bọn trẻ nói đúng hay niềm đam mê trong tôi không đủ lớn…
Buổi chào cờ đầu tuần thứ 18 của tôi tính từ ngày đầu tôi nhận công tác. Sáng sớm lũ trẻ đã đùa nghịch ngoài sân trường từ khi nào. Lần đầu tiên tôi để ý bọn trẻ với một sự chú tâm nhất. Sương mù dày đặc bao trùm cả không gian. Nghe tiếng trống, bọn trẻ xếp hàng thật nhanh. Chúng hát Quốc ca với một niềm say mê vang vọng núi rừng. Cái lạnh thấu xương, cắt thịt không làm chúng sợ hãi hay quên lời bài hát. Ngồi trên ghế của các thầy cô nhìn xuống, lần đầu tôi để ý tới trang phục thiếu trước hở sau của bọn trẻ. Đôi chân chúng cáu bẩn bám chặt vào dép không tất, không giày… Tất cả điều đó khiến tôi lặng đi.
Bọn trẻ thiếu thốn đủ thứ vì cái nghèo luôn bám riết nhưng chúng vẫn đến trường, vẫn không bỏ cuộc, vẫn bám cái chữ với sự lạc quan đến ngô nghê. Còn tôi, tôi sống trong sự đủ đầy mà mới gặp chút khó khăn đã muốn bỏ cuộc. Nếu bọn trẻ biết tôi từng muốn bỏ cuộc chỉ vì nơi chôn rau cắt rốn của chúng quá nghèo thì chắc chắn chúng sẽ cười vào mặt tôi. Chính giây phút ấy tôi biết mình cần gì và phải làm gì. Tôi sẽ không bỏ cuộc, sẽ không phải là một cô gái thất bại…
Lâu dần, những giờ lên lớp, những ngày đi bản vận động học sinh ra lớp hay đơn giản là đến thăm nhà học sinh đã cho tôi thật nhiều trải nghiệm cũng như vốn sống. Tôi thấy yêu mảnh đất này, yêu lũ trẻ cùng sự hồn hậu chất phác của bà con nơi đây…
Và giờ đây sau gần 11 năm làm cô giáo vùng cao trải qua 3 lần thuyên chuyển công tác, tôi đã có thể ngẩng cao đầu mà nói với bố khi ông đang ở trên thiên đường rằng: “Con gái bố đã không bỏ cuộc, những bài giảng và bọn trẻ đã trở thành một phần không thể thiếu trong con, con yêu chúng và luôn muốn mình thuộc về nơi con đã đến”.