Trên thực tế, Cơ quan Quản lý Chính phủ mới của Nhật Bản đã dành một khoản ngân sách trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp Nhật Bản từ Trung Quốc đến Việt Nam. EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu Việt Nam) mới được ký kết vào tháng 8 năm 2020, sau gần 10 năm đàm phán, sẽ tạo điều kiện cho Liên minh Châu Âu có khả năng đầu tư và thương mại với Việt Nam với ít quan liêu và thuế quan hơn. IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,5% đến 8,5% vào năm 2021. IMF tiếp tục khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 4 ở Đông Nam Á vào năm 2020, so với Singapore và Malaysia với GDP 340 tỷ USD.
Dưới đây là 7 dự án có vốn đầu tư “khủng” tại Việt Nam từ những nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2020:
1. Dự án điện khí từ khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu - Nhà đầu tư Delta Offshore Energy (Singapore), đối tác chiến lược Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott (Mỹ)
Dự án với tổng mức đầu tư lên đến 50 tỉ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm. Đây là dự án sử dụng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đó, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200 MW là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự án sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm, thu được hàng chục tỉ tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng. Đặc biệt sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm tực tiếp và gián tiếp, thu hàng tỉ tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành.
2. Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Tập đoàn SCG (Thái Lan)
Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn (liên doanh giữa Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 464ha và 194ha mặt nước cho cảng biển và có tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỉ USD.
Đây là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin lên tới 1,6 triệu tấn/năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu. Theo báo Bà Rịa – Vũng Tàu đưa tin khi kế hoạch khi đưa vào vận hành thương mại 2023, dự án sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động bao gồm 1.000 lao động có kỹ thuật và đóng góp ngân sách khoảng 60 triệu USD/năm.
3.Dự án tại KCN Deep C tại Hải Phòng của Pegatron (Đài Loan)
Kế hoạch đầu tư bao gồm 3 dự án giá trị tới 1 tỷ USD của Pegatron tại Việt Nam đã chính thức được xác nhận. Hiện nay, Pegatron đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại KCN Deep C (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) để sản xuất thiết bị điện tử cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.
Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến tạo việc làm cho 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Đáng nói hơn, Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn từ Trung Quốc về Việt Nam dự kiến là cùng thời điểm triển khai Pegatron 3 - với quy mô 500 triệu USD.
4. Dự án Lotte Mall Hanoi - Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc)
Giữa năm 2017, Tập đoàn Lotte đã mua lại dự án Ciputra Mall của Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long. Mới đây nhất, một nguồn tin từ Tập đoàn Lotte tiết lộ trên truyền thông rằng để triển khai dự án này Lotte sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư so với dự tính ban đầu lên 600 triệu USD với mục đích mở rộng các hạng mục.
Sau khi hoàn thành Lotte Mall Hanoi cùng với hàng loạt siêu dự án lớn đang được rục rịch triển khai như siêu đô thị thành phố thông minh của BRG, Công viên Kim Quy - 'Disneyland' Hà Nội do Sungroup làm chủ đầu tư, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia lớn thứ 5 thế giới của Vingroup… sẽ biến Nhật Tân - Nội Bài trở thành trục phát triển vàng của Hà Nội trong thời gian tới.
5. Khu bất động sản LOGOS Logistics Estate tại Bắc Ninh - Logos Vietnam Logistics Venture (Úc)
Đại diện LOGOS cho biết, phía công ty đã đề xuất phát triển khu đất vừa mua lại thành cơ sở hậu cần và kho bãi LOGOS Logistics Bắc Ninh có qui mô 80.000 m2. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự kiến khu bất động sản LOGOS Bắc Ninh Logistics Estate sẽ có vốn đầu tư vào khoảng 70 triệu đô la Mỹ, trong danh mục đầu tư ban đầu của liên doanh là khoảng 350 triệu đô la.
Hướng đi của nhà đầu tư này sẽ là tập trung mua lại và phát triển các thương hiệu có thể hỗ trợ mảng logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử, thực phẩm và kho lạnh. Đồng thời, thương vụ này có thể mở ra một làn sóng chuyển nhượng mới, tạo động lực thúc đẩy các khu công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
6. Dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc – Foxconn (Đài Loan)
Ba dự án giá trị 350 triệu USD mà Foxconn đề xuất gồm Dự án Nhà ở xã hội Golden Park ở Quế Võ (Bắc Ninh), vốn đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang), vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), vốn đầu tư 1.060 tỷ đồng. Đồng thời, Foxconn còn đề xuất đầu tư thêm một KCN quy mô 600 ha tại Bắc Giang, đồng thời tiếp tục mở rộng KCN Bình Xuyên 2 giai đoạn II tại tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 70 ha
Foxconn đang sử dụng khoảng 50.000 lao động Việt Nam, với mức lương chi trả người lao động bình quân 10 - 12 triệu đồng/tháng. Dự kiến khi các dự án trên hoàn thành sẽ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm và nguồn thuế cao cho Nhà nước.
7. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) Samsung tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội ( Hàn Quốc)
Trung tâm R&D đầu tiên ở nước ngoài của Samsung có qui mô đầu tư khoảng 220 triệu USD với tổng diện tích xây dựng là 11.603m2, diện tích sàn là 79.511m2. Tòa nhà được thiết kế với 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, tăng qui mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người.
Thông qua việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hiện đại, Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường vốn và dịch vụ đầu tư Colliers International nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hoạt động tương đối tốt vào năm 2020 với mức tăng trưởng GDP dương từ 2% đến 2,5% vào cuối năm 2020. Đây là một con số rất ấn tượng trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do Đại dịch Covid 19 và ảnh hưởng của nó đến các nền kinh tế trong năm 2020. Việc kiểm soát một cách thận trọng và thực tế để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này và cách tiếp cận của Việt Nam đối với đại dịch đã đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng và không rơi vào tăng trưởng âm như nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực ASEAN trong năm 2020. Thành công này đã tạo dấu ấn tích cực ở Việt Nam với tư cách là quốc gia an toàn để sống và làm việc; và là nền kinh tế đáng đầu tư để thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2021 và những năm tới.”