Tiếng lòng nặng nợ với quê hương của người thầy giáo

Nhuận Phẩm
Hồn quê của Đỗ Lợi đã gửi trọn vào đó “những điều muốn nói”, những điều mà trái tim anh mách bảo, những cảm xúc thôi thúc buộc phải nói bằng lời.

Hồn quê là tập thơ đầu tay của nhà giáo Đỗ Lợi. Tập sách được viết bằng tất cả tình cảm, sự nhiệt huyết của một con người giàu lòng trắc ẩn, nhiều nỗi niềm trăn trở, suy tư về con người, cuộc đời và thời cuộc. 72 bài thơ trong tập sách là những giãi bày gan ruột về những gì mà anh đã nghiền ngẫm, nghĩ suy và cả những xao động bất chợt của tâm hồn trước cõi nhân sinh rộng lớn này.

Hình ảnh quê hương gần gũi, giản dị, mộc mạc qua ngòi bút của tác giả (Ảnh minh họa)

Hình ảnh quê hương gần gũi, giản dị, mộc mạc qua ngòi bút của tác giả (Ảnh minh họa)

Mở đầu tập thơ là Trường ca Đất và Người, với những hiểu biết về văn hóa lịch sử, địa lý Đỗ Lợi đã đưa người đọc đến với nhiều vùng đất, những địa danh nổi tiếng với bao chiến tích và vẻ đẹp riêng. Qua đó, người đọc có cái nhìn bao quát về đất nước và con người Việt Nam. Đất nước - con người gắn bó hữu cơ với nhau tạo nên hình tượng cao đẹp là Tổ quốc. Tổ quốc là niềm tự hào, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc mà không một thế lực nào có thể xóa bỏ được. Đỗ Lợi khẳng định:

Việt Nam rất đẹp lại rất giàu,

Cha ông để lại cho đời sau.

Nếu ai tư lợi đem nước bán,

Tội đồ muôn thuở - lũ chó trâu!

Kẻ nào xâm phạm non sông Việt,

Chúng bay sẽ bị chặt bay đầu!

Là người con sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo, nên mọi sự gian khó, nhọc nhằn của tuổi thơ và cả những gì Đỗ Lợi đã nếm trải, chứng kiến càng làm cho anh biết trân quý và yêu mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà anh đã dành khá nhiều bài thơ viết về chính quê hương của mình với những tình cảm đặc biệt nhất. Nhắc đến quê hương là nhắc đến truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm. Tấm gương người anh hùng trên quê hương được Đỗ Lợi nhắc đến với sự trân trọng, ngưỡng mộ và tự hào. Nguyễn Hào Sự - Người anh hùng ấy, giờ đã có một ngôi trường mang tên ông ngay tại quê nhà. Anh xem đó là niềm tự hào của quê hương Xuân Phước: Nhỏ thêm giọt lệ ân tình/ Tràn ly chiến tích anh hùng quê ta./ Vì non sông đất nước nhà,/ Người con áo vải xông pha dưới cờ. / Ra đi nặng một lời thề,/ Cần Vương diệt Pháp cứu quê hương mình...// Bước vào trang sử hùng anh/ Xã góp sức làm rạng danh huyện nhà./ Tự hào Xuân Phước quê ta,/ Trường tên Hào Sự thật là vẻ vang! (Tự hào Xuân Phước quê ta).

Đỗ Lợi thể hiện cái tình quê của mình bằng tất cả tình yêu thương và tự hào về quê hương, xứ sở. Nơi ấy, có những người thân yêu ruột thịt, nơi ấy có những bà mẹ, người cha tảo tần hôm sớm, tất cả vì sự khôn lớn và trưởng thành của con. Những hình ảnh thân thương sẽ theo anh trên mọi nẻo đường đời, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chải và niềm tin yêu vô bờ: Xuân Phước quê tôi đẹp lạ thường,/ Khi đi xa chín nhớ mười thương./ Nhớ từng gương mặt dầm sương/ Thương từng chiếc áo còn vương bụi nhà ...// Trong tim hình bóng quê nhà/ Trường xưa bạn cũ cây đa bãi bồi./ Mẹ cho sữa ngọt từ trong nôi/ Cha cho cơm dẻo tạo hình tôi!” (Quê hương).

Cái đáng quý ở con người nhà giáo, nhà thơ Đỗ Lợi là anh không chỉ nói lên tình cảm của mình với quê hương mà anh còn dành cả sự nhiệt tình, tự giác với tinh thần cống hiến cho sự phát triển đi lên của quê nhà. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo, thời tiết khắc nghiệt, lũ bão thường xuyên. Hoàn cảnh gia đình, quê hương với bao gian khó, thiệt thòi nhưng không làm cho anh chùn bước mà đã hun đúc và rèn giũa, tạo cho anh có một bản lĩnh vững vàng. Ở cương vị nào Đỗ Lợi cũng là người chỉn chu đúng mực: Là một thầy giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người; là một người con hiếu nghĩa với bố mẹ; một người chồng có trách nhiệm, quyết đoán mọi công việc gia đình; một người cha gương mẫu bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc với các con.

Hình ảnh quê hương hiện lên qua thơ Đỗ Lợi mang vẻ đẹp bình dị, sáng trong, vừa ấm áp và gần gũi, lại vừa mang những nét đẹp đặc trưng của vùng miền Trung nắng lắm mưa nhiều. Khúc ruột miền Trung phải oằn mình gánh chịu bao thiên tai. Nhưng ở đó có nhiều điều thú vị mà hiếm có nơi nào ở vùng miền khác có được. Vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, trở thành những điểm đến hấp dẫn, ấn tượng, hút hồn biết bao lữ khách phương xa.

Bìa tập sách Hồn quê

Bên cạnh những bài thơ viết về quê hương, Đỗ Lợi còn có nhiều bài thơ viết về tình bạn, tình yêu bằng tình cảm chân thành, hồn hậu. Ở đó có sự tiếc nuối, hoài niệm, nhớ mong và cả những nghẹn ngào. Đôi lúc có pha chút hài hước, dí dỏm. Đỗ Lợi thể hiện cảm xúc nồng nàn, mạnh mẽ trong thơ thông qua điệp ngữ, so sánh, ẩn dụ và nhân hóa:

“Tôi gặp em vào một chiều thu trút lá/ Bờ vai nghiêng tóc xõa nét mi gầy./ Ngực căng tròn đôi mắt lại thơ ngây/ Biển thì thầm cùng chúng tôi trò chuyện” (Tình thơ).

“Đất trời nghiêng ngã say cùng/ Quyết tâm anh bứng lộc vừng nhà em!” (Tình cờ).

Trước hiện thực cuộc sống thời mở cửa, đa diện, đa chiều: vui - buồn, được - mất, có - không, hạnh phúc - khổ đau, tiêu cực - tích cực, thiện - ác... Tất cả những điều đó được nhà giáo Đỗ Lợi gửi vào trang thơ với nhiều nỗi niềm day dứt. Đó không chỉ là nỗi niềm riêng mà thấm đẫm tâm sự chung.

Bài thơ Nợ và Đời như là một câu chuyện kể. Đằng sau lời tự sự ấy lại gợi ra trường liên tưởng khác vừa kín đáo, ý vị. Bởi vì hiện thực xã hội đã và đang tồn tại những điều nhức nhối: Không sợ ít chỉ sợ không công bằng/ Từ xưa đến giờ đó là chân lý.

Sắc sảo và nhạy bén trong cách nhìn nhận về nhân tình thế thái, Đỗ Lợi càng cay đắng xót xa: Khỉ trên sân khấu diễn trò/ Áo quần bảnh chảnh cười bò, vui thay!/ Ỷ mình bên cạnh quan thầy/ Đu dây nhào lộn tung quay hét bừa/ Rồi làm những chuyện khó ưa,/ Giơ tay bốc bậy ăn thừa đồ dơ (Khỉ diễn trò).

Những nhận thức về cuộc đời của chủ thể trữ tình được gửi gắm vào các sự việc, hình ảnh gần gũi trong đời sống thông qua phương thức ẩn dụ. Vì thế lời thơ càng giàu sức gợi và gây được sự cảm tình nơi độc giả.

Điều đặc biệt, trong thơ của nhà giáo Đỗ Lợi đó là anh sử dụng những câu hỏi tu từ và dấu chấm cảm với tần số dày đặc.

Thơ Đỗ Lợi là thơ của tâm trạng, thể hiện kết cấu theo dòng cảm xúc, tứ thơ được xây dựng dựa trên cơ sở những phạm trù đối lập. Những thái cực ấy luôn tồn tại trong thơ anh và đó cũng là sự biểu hiện những giằng xé, chiêm nghiệm trong tâm hồn một con người nhiều khát vọng này.

Cũng là sắc đẹp là bài thơ khá ấn tượng của nhà giáo Đỗ Lợi. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tôi và em trong bữa tiệc cưới. Nhưng nếu ở lúc khai tiệc em là con người đẹp hoàn hảo thì sau khi tiệc vừa tàn em lại là con người khác. Đỗ Lợi rất sắc sảo khi biểu hiện những dòng tình cảm chứa đầy tâm trạng của mình qua những liên tưởng tinh tế, từ đó tạo nên ấn tượng thẩm mỹ phong phú và sâu sắc. Nhà giáo Đỗ Lợi không dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài mà hướng vào bên trong để khám phá, phát hiện ra bản chất của vấn đề. Giờ đây con người được nhìn từ nhiều phía , đặt trong nhiều mối quan hệ và được nhìn nhận ở những góc độ khác nhau. Câu hỏi lớn đặt ra và cũng là nỗi đau đáu trong anh đó chính là bản chất và tính hai mặt trong một con người. Phải chăng đó là lời cảnh tỉnh, sự thức ngộ với tất cả mọi người. Bởi cuộc sống là một dòng xoáy khôn lường và lòng người cũng lắm quanh co phức tạp, có nhiều ẩn khuất khó nỗi tỏ tường: Tạo hóa có bất công/ Khi trao em sức mạnh/ Để giết người không dao?/ Em làm tôi xao động/ Nhưng rùng mình/ Bởi vẻ đẹp chào mời, kiêu sa, ma mị.

Trong cái nhìn về thời gian, Đỗ Lợi bộc lộ nhiều trăn trở, suy tư, tiếc nuối, hoài niệm nhớ thương. Để rồi anh phải khao khát: Giá như níu được thời gian/ Quay về quá khứ đời tràn xuân xanh (Giá như...).

Đi qua những thăng trầm của cuộc đời, anh đã ý thức sâu sắc về lẽ sinh tử, về nỗi đau và cả về sự phù du của kiếp người: Tầm tã mưa rơi/ Suốt đêm dài không tạnh!/ Giun kêu, dế khóc,/ Suốt đêm dài nhức óc/ Lòng cô quạnh,/ Suốt đêm dài vẫn lạnh/ Nước chảy, mây trôi,/ Còn và mất.../ Mầm xanh - cổ thụ, / Trẻ và già.../ Trong cái chớp! (Vô đề).

Bài thơ Đời người là một bài thơ giàu ý nghĩa. Khi tác giả có cái nhìn biện chứng về thời gian, kiếp người. Ý thức về thời gian là ý thức về sự tồn tại của con người. Nhưng thời gian là vô hạn còn đời sống con người là hữu hạn. Thời gian không chỉ đơn giản là dòng chảy một chiều mà nó trở thành mối lo âu, trăn trở đối với biết bao nhiêu người. Thời gian được hiện hữu, được cụ thể hóa thành những cung bậc gắn với những bước thăng trầm của cuộc đời. Mà từng cá nhân cụ thể có quỹ thời gian sống không nhiều nên phải sống, phải yêu, phải làm việc sao cho đúng, cho phải đạo, mang giá trị người. Bởi tranh đua, giành giật thiệt hơn, sống ác để làm gì? Rồi một ngày kia cũng chỉ là một nấm mồ xanh cỏ, rồi cũng sẽ trở về với cát bụi mà thôi. Tất cả chúng ta khi sinh hoặc tử đều nằm trong nôi thổ mộ. Ý muốn nói rằng cuộc đời một con người có dự báo đầu cuối tương ứng: Hai bàn tay trắng, bát canh, cành hoa, nôi thổ mộ…

Mở mắt khóc chào đời/ Một kiếp người hiện hữu/ Chỉ hai bàn tay trắng/ Nằm trong nôi thổ mộ/ Người thân đến chúc mừng/ Những cành hoa tươi thắm!

Nhờ ơn cha nghĩa mẹ/ Những giọt sữa mát lành/ Những điệu hò êm ả…/ Có con cò bay lả/ Giữa cánh đồng quê hương/ Bát canh mẹ gợi nhớ/ Cuộc đời quá thân thương!

Lớn lên đi kiếm sống/ Sinh giàu nghèo hèn sang/ Tranh đấu với đua chen/ Hiền lương và độc ác/ Tiếng thơm để lại đời/ Tiếng dơ lưu muôn thuở!/ Cũng một kiếp người thôi/Như gió cuốn mây trôi/ Ác tham để người cười/ Cuộc đời là ảnh ảo!

Khi nhắm mắt xuôi tay/ Giàu nghèo lẫn hèn sang/ Trở về cùng cát bụi/ Còn lại nắm xương tàn/ Và hai bàn tay trắng!/ Nằm trong nôi thổ mộ/ Tiếng kệ thầy đưa linh/ Và điệu kèn đưa đám/ Những cành hoa tươi thắm/ Có ý nghĩa gì đây?/ Ba vạn sáu ngàn ngày/ Như tia chớp đêm đông!/ Phù du một kiếp người/ Có chi đâu bận rộn?/ Mạnh Bà đợi canh quên/ Đâu còn ta hiện hữu ?!...

Là một thầy giáo giàu nhiệt huyết, hơn ba mươi năm trên bục giảng, bao thế hệ học trò đã được học từ anh: Trồng cây trên bục giảng/ Phấn bảng dính đầy tay./ Bụi bay dần mái tóc,/ Gần kết thúc cuộc đời/ Đầu xanh đà hóa trắng.

Ấy vậy mà, trong số những đứa học trò anh đã dạy, sau khi ra trường hình như nó đã không còn biết, không còn nhớ đến người thầy giáo năm nào. Phải chăng đó cũng là biểu hiện của sự vong ơn? Nhà giáo Đỗ Lợi cảm thấy hẫng hụt trước sự thật chua chát ấy.

Khác hay giống tình đời/ Nghề cũng bạc như vôi?/ Chống chèo đò ngang lái,/ Khách qua chẳng quay lại.

Nhưng vẫn còn đó niềm tin và sự tự thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Dạy học nghề đò ngang?/ Cây không trồng trên đất/ Vẫn nhú mầm nở rộ/ Thành những đóa hoa tươi/ Tỏa hương thơm cho đời/ Công mình đấy, em ơi!// Trồng người nghề trong sạch/ Cao quý lắm ai ơi!/ Chúng ta cứ thầm lặng/ Cống hiến cả đời mình/ Cho dân tộc ta yêu/ Sá gì chút công nhỏ.

Bài thơ Trồng cây trên bục giảng là câu chuyện về nghề dạy học, nỗi suy tư, sự trăn trở của một người thầy mà trên hết đó là một con người có tâm, có cái nhìn đầy nhân văn và sâu sắc. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng âm thầm lặng lẽ, miệt mài đèn sách, tận tụy hy sinh mà không một chút đắn đo, toan tính. Tất cả vì sự tiến bộ của học trò và tất cả vì tương lai đất nước.

Hồn quê là tâp thơ đầu tay của nhà giáo Đỗ Lợi nên cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tuy vậy, tôi cho rằng đây sẽ là món quà tinh thần quý giá mà anh muốn dành tặng cho chính anh, cho quê hương anh và cả những bạn bè, người thân của anh. Bởi ở Hồn quê Đỗ Lợi đã gửi trọn vào đó “những điều muốn nói”, những điều mà trái tim anh mách bảo, những cảm xúc thôi thúc buộc phải nói bằng lời.

Ths. Nguyễn Văn Hòa