“Nỗi buồn chiến tranh” là hành trình đi tìm sự sống trong ký ức ám ảnh

Nhuận Phẩm
Đây là tác phẩm được thế giới đánh giá là đại diện cho tiểu thuyết chiến tranh Châu Á, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã từng bị hạn chế xuất bản, và giờ nó trở thành hiện tượng cho một giai đoạn văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

Nếu trước đây, yếu tố sử thi - cách mạng là chủ đạo trong sáng tác, con người trong văn học hội tựu những phẩm chất cao quý, tốt đẹp, đại diện cho cộng đồng. Thì đến giai đoạn này, văn học hướng tới sự thật và thân phận con người nhiều hơn, những góc khuất trong quá khứ được đem ra ánh sáng theo những trật tự thời gian, không gian giữa quá khứ và hiện tại đảo chiều liên tục, không liền mạch...

noi-buon-chien-thang-songkhoeplus-1636279005.jpg
Bìa cuốn tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh". Ảnh: T.L

"Nỗi buồn chiến tranh" xô đổ hình tượng người lính, trả họ về những gì “trơ trụi” nhất của cuộc chiến. Ở đó họ có đam mê thực tế, những lạc thú nơi núi rừng Tây Nguyên và về giờ phút sinh tử như một trò đùa. Những cơn mưa rừng nơi Cánh Bắc, những địa danh Sa Thầy, Ngọc Bơ Rẫy, Truông Gọi Hồn... tất cả gợi lên sự u ám, lẫn khuất trong hơi sương đậm mùi xác thịt chưa kịp phân hủy, xác đồng đội trốn ngũ, những lần Kiên tự tay kết liễu đối phương bằng những loạt đạn, cách người ta đối xử với một cái xác nữ tại phi trường Tân Sơn Nhất, đập phá và điên loạn...

"Nỗi buồn chiến tranh" là hình ảnh những người phụ nữ xoay quanh cuộc đời nhân vật Kiên đều mang một ẩn ý, một nỗi niềm. Ở đó ta thấy được tình người và sự thương xót cho số phận những con người bị chiến tranh cuốn vào. Ở đó, họ - những người lính – chả biết hòa bình là gì, là thứ mọc lên từ xương máu của đồng đội và những người lính trận đã nằm lại nơi núi rừng này chăng?

"Nỗi buồn chiến tranh" còn hiển hiện những khoảnh khắc đau thương. Đó là hậu quả của cuộc chiến chỉ hiện rõ khi tiếng súng đã ngưng, những ám ảnh về cái chết, tiếng bom rơi đạn réo, tiếng trực thăng vù vù trên đầu nó ám ảnh người ta mãi tận về sau. Người lính trở về không phải khúc khải hoàn ca, với họ là một thực tại mới mà chính họ cảm thấy không còn thuộc về mình. Phải chi họ nằm lại nơi chiến trường thì tốt biết mấy. Tất cả những điều đó có sức tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của người đọc rất nhiều.

Có lẽ đó là 3 góc nhìn tư tưởng mà tác giả Bảo Ninh muốn nhắn gửi: Bởi tác phẩm ra đời trong giai đoạn văn chương được khai phóng, người sáng tác không bị gò ép trong khuôn mẫu và nó rất "đời" rất "thực"; Bởi với người trẻ, đây là cách cảm nhận về sự tàn khốc của chiến tranh một cách trực diện nhất, bạn cũng biết thêm một số mặt trận chiến đấu khu vực Sa Thầy, Kon Tum...; Và cùng bởi đọc để thêm trân quý giá trị của hòa bình, biết tôn trọng những người nằm xuống để đất nước được đứng lên.

Nguyễn Hữu Khánh