Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Châu Ly - Thơ được viết ra bằng chính những trải nghiệm của trái tim người đàn bà đa cảm

Đọc thơ Châu Ly, người đọc sẽ nhận ra tiếng thơ của một người đàn bà sống và yêu đến tận cùng bằng trái tim nhân ái, bao dung. Chị luôn trăn trở, thao thức suy tư về người, về đời của một người đàn bà từng trải. Do vậy, thơ chị dễ gây sự đồng cảm với bạn đọc và nhất là bạn đọc đứng tuổi.

 
Châu Ly làm thơ từ lúc còn trẻ, nhưng chưa bao giờ chị nhận mình là nhà thơ. Chị làm thơ là để giải bày những nỗi niềm trắc ẩn của mình trước bao biến động, đổi thay của nhân quần và xã hội. Thơ Châu Ly được viết ra bằng chính những trải nghiệm của bản thân và sự tự thức sâu sắc của trái tim người đàn bà đa cảm. Chị nói nhiều về nỗi buồn nhân sinh, về những cảm nhận của cái tôi mang đậm yếu tố giới tính với khát vọng thành thật, rất đời và rất người!

Thời đại thay đổi, cảm hứng thơ cũng thay đổi. Quan niệm thẩm mỹ và góc nhìn cũng khác đi. Nhà thơ không phải làm thơ theo kiểu tụng ca mà nhìn vào trực diện những sự thật trần trụi của đời sống với một cái nhìn nhân văn và trách nhiệm.

Giữa thế giới bao la, đầy biến động, con người đôi lúc thấy mình nhỏ bé, khi đó họ lại đi tìm lại chính mình, tìm về chính mình. Những khốn khó, vất vả sau ngày giải phóng được chị nói đến trong bài Lao động gợi cho thế hệ những người trải qua những tháng năm đó không khỏi ngậm ngùi:

Tối đi cuốc, sáng đi cày/ Ngày ba bữa độn khoai mì thay cơm./ Trong chăn con rận no tròn/ Mới hay thân thể chỉ còn… nắm xương!

Thơ chị luôn là những câu hỏi khắc khoải, trĩu nặng ưu tư và rất chân thành. Bao giờ, lúc nào và ở đâu thơ chị cũng là tiếng nói xuất phát từ tâm cảm.
Khi buồn quá một mình ta lên núi/ Ngắm mây trôi, tâm sự với lá rừng/ Dăm câu chuyện vốn mịt mờ tên gọi/ Lại dập dồn như suối chảy vào sông.
Suối thì nhỏ mà sông thì quá lớn/ Nước vô tư trăm ngả rẽ chập chùng/ Khi chân bước giữa bời bời gai nhọn/ Mới thấy đời òa vỡ những bao dung.

Rừng vẫn biết một đời ta hữu hạn/ Tháng và năm, thân phận với hình hài./ Cây và lá cứ âm thầm che chắn/ Ta ôm lòng nuôi giấc mộng tàn phai
(Quê hương với mặt trời hồng)

anh-chan-dung-nha-tho-chau-ly-1626886097.jpg
Nhà thơ Châu Ly (Ảnh NVCC)


Chị thường dùng những hình ảnh đối lập có tác dụng làm nổi bật ý chị muốn nhấn mạnh. Thể hiện tấm chân tình của mình trong sự phức tạp, đa diện, đa chiều của đời sống.
Con người gần nhau, gắn bó với nhau hơn nhờ có nhu cầu được chia sẻ và cảm thông. Bởi khi chia sẻ và cảm thông thì niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn sẽ vơi đi rất nhiều. Đồng cảm, sẻ chia là những điều rất có ý nghĩa. Viết về mình, về người, về những gì xảy ra trong đời sống bao giờ Châu Ly cũng thể hiện cái tình của một con người đã thấu hiểu lẽ đời.
Thương con chim nhỏ trên đồi vắng
Khản giọng vì chiu chít gọi bầy
Một hôm cánh mỏng sa chiều lạnh
Chim đã tuyệt mù không đến đây.

Chị thương tiếng suối bên triền dốc
Lặng thầm đưa nước chảy về xuôi
Róc rách theo sông về với biển
Chẳng sá trăm năm chuyện lở bồi.
(Bóng núi)


Thời gian hiện tại trong thơ Châu Ly được đặt trong quan hệ hai chiều: hướng về tương lai và đối chứng với quá khứ để thấy những đổi thay. Dù ở hai chiều khác nhau nhưng đều chung một mục đích là tô đậm hiện tại…
Những ấm lạnh của cuộc đời đã ngấm vào xương tủy chị. Nhưng Châu Ly nhận ra rằng cái “lạnh nhạt” thấm sâu trong tâm hồn mới là điều đáng sợ hơn gấp bội phần so với những điều khác. Do vậy chị dễ cảm thông với những hoàn cảnh, số phận kém may mắn (ở một khía cạnh nào đó) quanh mình. Đặc biệt chị dành tình cảm và sựu ưu ái đối với số phận những người phụ nữ, những người đang sống ly hương.

Bài thơ Ngày chị hai mươi tuổi, được chị viết vào năm 1975 đọc lên cảm thấy nghẹn ngào về số phận, cuộc đời của một người chị có số phận không may, sau đó đành phải rời quê hương, bỏ dải đất mấy ngàn năm văn hiến đến với xứ người. Nhà thơ xót thương cho kiếp người lận đận.


Chị bước xuống thuyền, chị bỏ quê hương
Chị bỏ quê hương một ngày bão nổi
Định mệnh trớ trêu nắm quyền sinh tử
Đời lênh đênh trôi dạt giữa muôn trùng.

Chị đi thật rồi, chị bỏ sau lưng
Bỏ dải đất “mấy ngàn năm văn hiến”
Con tim nhỏ thóp thoi ngoài mặt biển
Mắt cuồng dâng huyết lệ khóc quê nhà.

Chị khóc cuộc tình hun hút mờ xa
Hai mươi tuổi bỗng dưng tình goá bụa
Anh nằm xuống giữa mùa hè đỏ lửa
Phút phân ly đâu dám hẹn ngày về.

Đâu đó như nghe tiếng uất nghẹn, không bao giờ hóa giải được. Cái còn lại đó là tình người, tình đất, tình thương nhớ không nguôi của kẻ ở người đi, của trùng phùng và ly biệt.
Em cúi xuống nghe mùi thơm của đất
Để vo tròn nỗi nhớ buổi ly hương
Tôi đứng lại tóc pha màu mây bạc
Bên con sông trăm nhánh chảy vô thường.

Thương và nhớ. Trùng phùng và ly biệt
Từng mùa trăng lần lựa thoáng qua đời
Ôm quá khứ, ngày môi ngoan mắt biếc
Làm tự tình đến rã cuộc đùa vui.

Em nhớ núi, tôi mơ về phố biển
Hồn chập chờn mộng mị đuổi theo nhau
Rừng khép lá cơn mưa vào hư huyễn
Sóng trăm năm nghiêng ngã đến bạc đầu
(Tình của đất)


Châu Ly có nhiều bài thơ hay viết về nỗi nhớ và sự chia ly. Trong cái hữu hạn ngắn ngủi của đời người chị luôn có tâm trạng khắc khoải, xót xa. Nỗi nhớ, sự cách ngăn luôn ám vào thơ chị. Con đường là bài thơ đầy sự ám ảnh khi chị giãi bày những nỗi đau, nỗi đau đớn đến khôn cùng khi bao ước vọng đều vỡ tan.


Ngày mới lớn mang hoa đi dạo phố/ Nghe mênh mang giọt máu thắm tim người/ Lòng những tưởng hành trang vào thế hệ/ Là con đường ngan ngát bóng trăng soi
Thế nhưng: Mang hoài bão chen chân vào thế sự/ Ta đâu hay trái ngọt vỡ trên cành/ Mùa vội vã trên tay người du thủ/ Vứt xuống đời chiếc lá hãy còn xanh. 
Để rồi : Mang thương tích loài chim trời gãy cánh/ Ta đơn côi khâu vá trái tim mình
Ôm nuối tiếc đi giữa lòng nhân loại/ Hồn bơ vơ theo máu đỏ da vàng…

Niềm tin bị dập tắt, nỗi đau chồng chất nỗi đau…
Viết cho đứa em gái đang sống bên trời Tây nhân ngày sinh nhật, lòng chị không khỏi ngậm ngùi:
Đưa em qua bến sông này
Chiều đông lạnh, có nỗi đầy – nỗi vơi.
Hỏi người về cuối chân mây
Mưa bên ấy, có giọt vơi – giọt đầy?
(Em về cuối chân mây)

Cái tôi buồn, cô đơn được thể hiện rõ trên từng trang viết. Hầu như bài thơ nào của chị cũng mang âm hưởng buồn thương, day dứt, u hoài. Chị rất tinh ý và khéo léo trong việc sử dụng câu chữ và các biện pháp tu từ trong thơ. Đây chính là thế mạnh của Châu Ly.
Nói với sân ga là một bài thơ hay, chỉ gói gọn trong 28 chữ mà gợi mở ra bao điều. Châu Ly nhận ra ranh giới mong manh, sự tiếp diễn liên tục của thời gian cùng với đó là những trăn trở, nỗi buồn chất chứa…


Nắng vừa/ chảy ngọn ban mai/ Màu sương khói đã phủ đầy chiều hôm
Mai về/ Nhớ/ bóng trăng suông/ Nhớ/ sân ga/ với nỗi buồn ngàn năm…
Gặm nhấm với nỗi cô đơn, Châu Ly tự trấn an rằng:
Lạ gì/ một/ sắc xuân tan/ Một/ vuông hạ trắng,/ một/ làn thu không.
Lạ gì/ gió lạnh chiều đông/ Mà ta/ ôm/ nỗi buồn/ không hết buồn…

Nhà thơ giãi bày cái tôi bản thể trong dòng cảm xúc phức hợp đa chiều. Bởi trong chị bao giờ cũng khao khát hướng về những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng, cuộc sống với bao cái được – mất, trớ trêu. Đôi lúc chị nhìn thế sự trong sự ngậm ngùi, lòng đắng chát.


Về đâu, ta biết về đâu nữa?
Một mảnh trời chiều, một dửng dưng
Người gửi tình quê nơi đất khách
Ta chôn chân giữa cố hương buồn.

Xe bỏ trời đêm, tàn cuộc lữ
Ta gói niềm riêng mà đắng lòng
Đêm nghe tiếng NƯỚC mơ hồ chảy
Đời chợt buồn như những nhánh sông…
(Một chuyến xe đêm)

Nhà thơ đành phải “Gửi mộng bên trời”: Sông núi lắm khi buồn hết biết/ Phận người còn nhẹ hơn cỏ cây/ Thiên hạ trong tay không tất sắt/ Ta mơ chi một bóng thuyền đầy.

Thơ Châu Ly mang âm hưởng chính là buồn, chị buồn bởi lúc nào cũng nghĩ đến những điều tốt đẹp mà thực tại luôn có nhiều những điều không hay, không tốt hiện hữu.

Biết người/ còn đó hay không/ Ta đang hắt bóng bên sông/ đợi chờ./ Thời gian/ không bến không bờ/ Không mau, chậm…/ giữa cuộc cờ/ mù tăm (Đứng trước tờ lịch cũ).


Do vậy, tiềm ẩn trong thơ chị là sự ẩn ức, muỗn quẫy đạp, muốn tự khẳng định, muốn lên tiếng trước những tẻ nhạt, đơn điệu, thói xấu, cái ác… để hướng về cái nhân văn và nhân ái, hướng về thân phận những người bé mọn trong cuộc đời này.


Đọc thơ Châu Ly, người ta nhận ra một người đàn bà từng trải. Sự trải đời được thể hiện rõ nét trên từng trang viết. Ở đó người đọc nhận ra sự chân thành, chị nói thật những gì mình thấy, mình biết, mình nghĩ. Sự cương trực ấy, bản lĩnh ấy của một người phụ nữ như chị thật đáng trân trọng biết bao. Nhưng vốn là người từng đứng trên bục giảng, Châu Ly có nét mô phạm và sự điềm tĩnh của một nhà giáo. Trong cơn lốc biến, chị không thể bám trụ với nghề. Vì đồng lương ít ỏi không thể nuôi sống bản thân và gia đình nên chị đành rời bục giảng và bước sang ngã rẽ khác. Và chị xem đó như là sự sắp đặt của số phận.

Có lẽ cuộc đời chị đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhiều buồn đau, trăn trở nên thơ chị cũng chan chứa những hoài vọng, những khao khát chấp chới giữa cõi nhân sinh rộng lớn này.


Hãy thức dậy cùng em nghe biển hát
Sóng muôn đời vỗ mãi những âm đau
Vầng trăng lạnh – nỗi sầu loang – đã tắt
Đời mong manh, con sóng mãi bạc đầu..!

Hãy cầm chắc trong tay người bổi hổi
Bàn tay em năm ngón lạnh ưu phiền
Sương khói cũ mà tình giăng quá đỗi
Chuyện một ngày. Buồn đến nửa trăm năm..!
(Niệm khúc cho một ngày)


Thế hệ những người phụ nữ như chị, sinh ra và lớn lên trong cơn bão tố của chiến tranh rồi trải qua những năm tháng khó khăn thời bao cấp và cả những nghịch lý của thời bình nên mọi cay đắng của thời cuộc chị đều nếm trải. Nhà thơ đã nhận ra những mất mát đau thương của một thời đã qua với nhiều câu hỏi không có lời đáp: Tôi rất sợ chạm tay vào quá khứ/ Chạm vết buồn rỉ máu mấy mươi năm/ Ngàn nhức buốt cuộc tồn vong, sinh tử/ Làm chứng nhân cho thế hệ sai lầm
Ai chiến thắng, và ai người chiến bại?/ Ai bên này, ai ở phía bên kia?/ Khi ngã xuống là muôn trùng tê tái/ Là đau thương bao phủ phút chia lìa!
Đôi nạng gỗ theo anh thành máu thịt/ Chảy về tim bao uất nghẹn can trường/ Ai thắp nến vọng hồn linh Tổ quốc?/ Anh thân tàn gõ nhịp khóc quê hương (Ngày của phố mù sương).


Châu Ly đặc biệt kính trọng những người trí thức chân chính, những người nghệ sĩ sống hết mình vì tình yêu nghệ thuật. Do vậy, khi nghe tin những điều không hay về họ, trái tim chị lại nhói đau. Ngày nghe tin Tô Thùy Yên về với tiên tổ (22/5/2019), Châu Ly đau đớn nghẹn lòng.


Sáng hay tin dữ từ phương ấy
Người đã đi rồi, đi rất xa
Tôi đứng bên hiên nghe gió dậy
Mà lòng không thốt được lời ra.

Vẫn biết trăm năm là hư ảo
Đời người như nước giữa dòng trôi
Chỉ tiếc trang thơ đang viết dở
Người đã xuôi tay, vĩnh biệt rồi.

Gió sáng đưa thơ đi khắp chốn
Mà hồn nghe rụng một màu hoa
Người đi “ như lạc trong trời đất”
Kẻ ở mênh mang lạc nỗi nhà.

Mười năm, đâu hẳn mười năm nhỉ?
Ước vọng không chừng như rất lâu
Chiếc áo quê hương còn chùm đụp
Ai người hôm sớm vá khâu đâu?

Mười năm, Người “đau mềm phế phủ”
Một cõi “Ta về” có ấm tay?
Sắp hết cơn mơ, tàn cuộc lữ
Hắt hiu bao nỗi bể dâu này!

 Người đi “khai giải bùa thiêng yểm”
Quê Mẹ vẫn hoài sương trắng rơi
Bếp lửa nhân quần chưa kịp ấm
Oan khiên mờ mịt bốn phương trời.

Người đi, há lẽ người đi thật
Về” cõi hoang đường trắng lãng quên”?
Tôi gọi, nghe cay tràn khoé mắt
Tên Người rời rộng – TÔ THUỲ YÊN…!
(Buổi sáng nghe tin Tô Thuỳ Yên…)


Thi sĩ Huyền Chi tác giả bài thơ Thuyền viễn xứ (được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với ca khúc cùng tên, trở thành bài hát nổi tiếng) là người mà Châu Ly rất mến mộ. Vì thế chị dành những tình cảm và cả sự mến mộ đặc biệt đối với người thi sĩ này. Đọc bức thư và bài thơ Châu Ly viết cho Huyền Chi, người đọc sẽ thấy rõ điều đó.


“THAY LỜI TẠ LỖI
Có lẽ trong giới văn nghệ sĩ trước và sau 75 – không ai còn lạ gì với ca khúc “Thuyền viễn xứ” do Phạm Duy phổ nhạc qua bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ Huyền Chi. Huyền Chi, tôi quen chị thật tình cờ qua một lời comment của chị trên trang chị Lê Thị Ái Niệm. Trên facebook chị còn mang tên Khánh Ngọc.
Tôi biết chị không nhiều, thi thoảng tương tác một vài bài thơ trên face, nhưng có lẽ do một cơ duyên nào đó của sự “ đồng thanh tương ứng…” mà tôi đã lặn lội từ một cao nguyên đèo heo hút gió để tìm gặp chị giữa đất Sài Gòn đầy nhộn nhịp.
Chúng tôi gặp nhau vào một sáng đầy nắng. Chị đưa tôi ra quán cà phê gần nhà, ngồi, nắm tay nhau, nhìn nhau. Tình cảm trong hai tâm hồn xa lạ bỗng gần gũi, chân tình và tôi nghe nhịp đập trong hai trái tim bỗng xoắn xít, vỡ oà…
Từ sau đó, chúng tôi chưa gặp lại nhau một lần nào.
Cách đây mấy hôm, chị nhắn tin cho tôi và muốn gặp tôi trong ngày ra mắt tập thơ và ký “Thuyền viễn xứ” của chị ngày 14/4/2019.
Tôi vui mừng và hứa hẹn sẽ có mặt, xem đó như một vinh hạnh để mình được tận mắt chứng kiến giây phút thăng hoa của một nhà thơ ở vào tuổi bát thập Huyền Chi trong tôi là cả một thần tượng về tư tưởng và con người. Chị đã rất kiên định và sáng giá qua các bài thơ của một thiếu nữ ở tuổi 17,18 mà đã dày dạn kinh nghiệm, tư tưởng sáng suốt, mãnh liệt trước thời cuộc của đất nước đang có sự phân tranh. Trong ký, chị thể hiện phong cách sống của một con người đôn hậu, tinh tế… qua lối hành văn vừa dí dỏm vừa sâu sắc. Để mỗi lần đọc xong, tôi lại cứ xuýt xoa, tiếc nuối mãi: Một nữ sĩ như chị sao lại bị thời đại suýt nữa bỏ quên!
Chị Huyền Chi yêu dấu,
Trong bài thơ em viết tặng chị ngày mình gặp nhau, em vẫn hằng mong sẽ có ngày gặp lại chị giữa Sài Gòn, có lẽ ngày ấy là ngày chị đã ngỏ ý cùng em.
Nhưng đời sống đôi khi không như mình mơ ước. Có quá nhiều những vướng vít, bề bộn quanh em (điều mà ở tuổi này có lẽ không nên có, thì em lại phải chấp nhận nó), để em không đến được với chị.
Em rất buồn. Cơ hội “GẶP CHỊ GIỮA SÀI GÒN” đã bị bỏ lỡ. Em mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chị trong ngày ra mắt “THUYỀN VIỄN XỨ”, tập thơ mà chị hằng ấp ủ bấy nay.
Em xin post lại bài thơ mình đã viết, xin chị xem đây như một tình cảm chân thành em dành cho chị . Mong chị thông cảm và thay lời em tạ lỗi.


GẶP CHỊ GIỮA SÀI GÒN
Sân ga nhỏ đưa em về với phố
Hồn bâng khuâng bước vội giữa Sài Gòn
Có chút nắng vàng vừa quen vừa lạ
Vừa đủ mềm cho một dấu tay ôm.

Em nhìn chị. Tóc pha màu sương bạc
Chị nhìn em. Mưa bụi phủ ngang đầu
Đôi kính trắng gửi chút tình lên mắt

Soi đáy hồn lạ lẫm mến thương nhau.

Chị rót cho em giọt can trường thế hệ
Đã đi qua trong muôn vạn nỗi sầu
Em mời chị ly rượu mừng cuộc thế

Có vị nồng ngày biển cạn , sông sâu

Trong CỞI MỞ còn bao điều chưa nói
Là bài thơ chị viết mãi cho đời
Em cũng có chút tình xa muốn gửi

Lại nhạt nhoà theo con nước nổi trôi!

Bàn chân bước chênh nhau hơn thế hệ
Dặm ngàn khơi chung dấu lặng se buồn
Ngàn sau nữa mịt mờ cơn dâu bể

Chút nắng nào vàng để giữ dấu tay ôm?!

Thôi nhé chị , mai em về với núi
Về ru đời trong từng giọt mù sương
Ngày hợp phố dẫu còn xa vời vợi
Gắng chờ nhau, ta gặp giữa Sài Gòn!”.

CHÂU LY/ 13/4/2019”


Hoàn cảnh lịch sử, gia đình đã tác động không nhỏ đến hành trình sống của bản thân và gia đình. Nhưng chị đã sống và vượt lên mọi khó khăn để làm tròn bổn phận và thiên chức của một người mẹ, người vợ.
Giờ đây, khi nhà thơ Châu Ly đã ở vào tuổi xế chiều của đời mình nhưng chị không bao giờ nguôi quên những năm tháng đã qua. Cuộc sống hiện tại đã ổn định, con cái trưởng thành, chị bớt đi gánh lo so với trước. Nhưng không phải vì thế mà Châu Ly ngồi nhà “hưởng thụ”, chị phải tất bật kiếm tiền nuôi sống bản thân và người chồng đã lớn tuổi. Dường như sự khổ ải đã “thừa” nên chị không hề kêu ca, than vãn mà xem đó như là động lực để chị sống nốt quãng đời còn lại của đời mình. Chị có ước muốn là sẽ được đi những nơi cần đi trên dải đất cong cong như hình chữ S này, trước khi chị rời xa cõi tạm. Bởi đó không chỉ là để được khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của “quê hương” mà còn là dịp để nhà thơ trở về với những giá trị văn hóa đích thực đã ăn sâu trong tiềm thức.


Muốn đến khắp trời phương Nam, phương Bắc
Lòng mang mang xanh giấc mộng cây rừng
Muốn đặt môi, hôn lên từng nắm đất
Để biết mình còn có một quê hương…
 (Còn một quê hương)

Bài thơ trĩu nặng những tâm tư của một người đã đến tuổi xế chiều. Ở đó có rất nhiều điều “muốn”. Tất cả cũng chỉ vì một lòng một dạ với tiên tổ, với đất nước, với quê hương.


Hành trình đi tìm mình là một hành trình dài, không đích đến. Vì thế nhà thơ Châu Ly tìm mọi cách để có tiếng nói riêng bật ra từ tâm cảm chính mình. Nhà thơ vận dụng linh hoạt các phép tu từ để chuyển tải một cách khéo léo những thông điệp mà chị muốn gửi gắm, muốn tỏ bày. Bài thơ Gọi nắng là một bài thơ được viết kiểu như thế.

Về đây ủ bóng non ngàn
Nghe sông trăng rụng ngút ngàn triền xa.
Quên ngày phố thị phù hoa
Quên đêm sương gội buồn da diết buồn.


Những ngày đầu năm 2020, dịch cúm corona đang xảy ra mỗi lúc một nghiêm trọng , lây lan nhanh trên toàn thế giới, gây hoang mang lớn cho toàn nhân loại. Việt Nam cũng không nằm ngoài đại dịch nguy hiểm này. Giữa những ngày dịch cúm bùng phát mạnh, các cuộc họp khẩn từ Trung ương, các Thông cáo Quốc tế, các số liệu về số ca bị nhiễm, bị cách ly, số người chết… được cập nhật liên tục hàng phút, hàng giờ. Tâm dịch ở Vũ Hán bùng phát, gây ra không biết bao nhiêu cái chết thương tâm, Châu Ly có ngay bài thơ Đêm Vũ Hán. Bài thơ là tiếng lòng của một người đàn bà nhân hậu, tiếng nấc nghẹn trước một sự thật đau thương!

Ai đã khắc niềm đau vào thế kỉ/ Cho bi ai, cho máu lệ điêu tàn/ Cho lũ quạ quắt quay bờ sinh tử/ cho muôn trùng hy vọng vỡ tan hoang
………

Tôi thức dậy. Bàng hoàng cơn dâu bể/ hạc vàng xưa theo dấu lạnh về trời?/ Đêm Vũ Hán, buồn như lòng Thôi Hiệu/ Tiếng kinh cầu rệu rã khắp nơi nơi.


Bằng những trải nghiệm cùng với sự nhạy cảm và tinh tế trong cách nhìn đời, nhìn người, nhìn những xoay vần của xã hội; Châu Ly đã tạo dựng trong thơ của mình một thế giới hình ảnh đa dạng, phong phú, gần gũi mà ấn tượng, giản dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thơ chị được gạn lọc, tinh chiết qua nhiều nỗi đau. Do vậy, tôi tin tiếng thơ Châu Ly sẽ còn đọng lại trong tâm hồn người đọc. Vì họ nhận ra ở đó có sự đồng điệu, cảm thông sâu sắc trước bao thăng trầm, biến cố của cuộc đời và thời cuộc  nhưng họ không nói được bằng thơ như chị.