Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Mẹ hai

“Con gọi cô ấy là mẹ được không?”. “Không, bố ạ!”. “Tại sao?”. “Vì cô ấy không sinh ra con”. Bố tôi đứng thẫn thờ, đôi mắt long lanh sâu thẳm không nói lấy một lời, còn tôi ngúng nguẩy quay lưng bỏ đi.

Với tôi, người duy nhất tôi gọi là mẹ chính là người sinh ra tôi, không phải là cô ấy - vợ sau của bố. Ngày bố mẹ tôi ly dị, tôi còn bé lắm. Bố cất một căn nhà gỗ phía sau vườn, chị em tôi hằng ngày vẫn ở với bố, vẫn được bố dẫn đi chơi và mua quà bánh. Rồi một ngày cô ấy xuất hiện, bố và cô ấy rời đi, để lại hai chị em tôi trong căn nhà nhỏ bên khu vườn trống huơ trống hoác. Cô ấy đến mang theo bố của chúng tôi ra đi. Vậy nên, tôi ghét cô ấy lắm.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi gặp cô ấy, cô đặt lên tay tôi vài trái táo, ngồi hỏi han việc học của chị em tôi, rồi sửa cho chị tôi chiếc cặp bị đứt quai. Tôi lẳng lặng, chẳng buồn nói chuyện. Tôi ghét cô ấy bởi vì cô ấy đẹp hơn mẹ tôi, và được bố tôi hết mực yêu chiều. Còn tôi, khi ấy chỉ là đứa trẻ lên bảy, chẳng hiểu gì về chuyện người lớn, nhưng trong suy nghĩ của tôi ngày đó, cô ấy là người ngăn cách tình cảm của gia đình tôi, khiến bố con tôi dần dần xa cách.

Bố và cô ấy sống cách nhà tôi chừng ba cây số, trong một khu chợ tối tăm, hôi hám. Nhà bố cũng tối tăm, nhỏ bé, rêu phong và ẩm mốc. Thỉnh thoảng bố về đón tôi qua chơi, rồi bảo ở lại dăm hôm cho bố và cô ấy bớt buồn. Ngày đó, khu xóm chợ có mấy đám trẻ con ngỗ ngược, thấy tôi lạ mặt, bọn chúng thường ném đá vào tôi, giành đồ ăn mà cô ấy mua cho tôi, có hôm còn lao vào đánh tôi nữa. Những lúc đó, cô ấy xuất hiện, la lối đám trẻ rồi mách với bố mẹ chúng. Từ đó, chẳng đứa nào dám đụng tới tôi. Nhưng tôi vẫn ghét cô ấy.

Rồi một thời gian sau, cô ấy có em bé. Ai cũng bảo em bé giống tôi, mà thật ra nó giống tôi thật, có lẽ tôi và nó đều giống bố. Tôi hay qua thăm bố hơn, không phải vì cô ấy mà vì tôi thích ngắm một đứa bé giống tôi. Có đôi người xóm chợ hỏi tôi:

Sao không gọi cô ấy là mẹ?

Tôi im lặng, giả vờ không nghe thấy. Cô ấy đỡ lời:

- Thôi, quan trọng gì đâu, miễn sao cháu nó thương mình là được.

Tôi không nói lại, nhưng tôi đâu có thương cô ấy, tôi chỉ thương bố tôi và em bé có chút máu mủ ruột rà với tôi mà thôi.

Những tháng ngày sau đó, tôi và bố dần xa cách, một phần vì bố tôi vất vả lo cho gia đình riêng của bố, một phần tôi dành thời gian cho việc học nhiều hơn. Ngày qua tháng lại, tôi đã là một cô sinh viên trường Sư phạm. Lúc này, bố và cô ấy đã bớt cơ cực hơn, cuộc sống khá giả và căn nhà đã không còn tạm bợ, nhưng tôi thì ít về thăm bố.

Một lần tôi đến thăm, thấy cô ấy khác đi nhiều, khuôn mặt xanh xao, có phần tiều tụy và cách cư xử cũng khác đi. Khi tôi đứng chờ người ra mở cổng, cô ấy thấy tôi, mỉm cười gượng gạo, rồi bỏ đi vào phòng trong. Tôi ghét vì cô ấy không còn nồng nhiệt như những lần tôi đến thăm trước đây. Tôi bực bội, chẳng cần chờ bố xuất hiện, tôi bỏ về.

Sau đó ít lâu, tôi nghe tin cô ấy nằm viện. Tôi cũng chẳng quan tâm, cứ ngỡ cô ấy bệnh nhẹ, chữa trị vài ba hôm khỏi rồi về. Chỉ đến khi bố tôi kể rõ hết mọi việc, tôi mới bàng hoàng. Thì ra, cuộc sống cô ấy chỉ còn đếm trên đầu ngón tay vì căn bệnh tiểu đường đã chuyển biến xấu. Cô ấy bệnh đã lâu mà không đi khám, cứ giấu mọi người, chịu đau đớn một mình, cho đến khi phát hiện thì đã quá muộn. Ngày cuối cùng tôi đến thăm, các bác sĩ không cho tôi vào vì cô ấy nằm ở khu cách ly. Tôi đã không thể gặp cô ấy lần cuối.

Ngày cô ấy mất, chị em tôi cũng đeo khăn tang trắng. Đêm hôm đó, tôi thức đến gần sáng, nhớ lại những câu chuyện đã qua cùng cô ấy. Nhớ về lần đầu gặp mặt, về những kỷ niệm vui buồn, những hiểu lầm trách móc. Tất cả như một cuốn phim trình chiếu ngay trước mắt khiến tôi không thể cầm lòng. Tôi bật khóc.

Tôi chợt nhận ra sự vô thường của một kiếp người, nhân sinh hữu hạn và chật hẹp, đến rồi đi chẳng thể nào đoán định. Chúng ta chỉ như chiếc lá trên nhánh cây cuộc đời, đâu biết ngày mai thế nào, ngày sau ra sao, chẳng biết cơn gió nào vô tình đưa ta về cội.

Đứng trước vong linh người đã khuất, lần đầu tiên tôi thì thầm gọi cô ấy là MẸ. Tiếng gọi cất lên thật thiêng liêng nhưng đã quá muộn màng. Liệu rằng, ở nơi xa xôi ấy, Mẹ có hiểu thấu tấm lòng của một người con đã từng trải qua quãng thời gian dài cùng Mẹ? Con đã từng vô tâm, đã từng ích kỷ, hẹp hòi trong khi đã từng được Mẹ yêu thương. Con mong nơi đó Mẹ mỉm cười thanh thản. Con hứa sẽ thay Mẹ quan tâm, chăm sóc bố và em. Cảm ơn Mẹ đã là một phần của cuộc đời con, Mẹ là tuổi thơ của con, thanh xuân của con. Con sẽ mãi khắc ghi những tháng ngày tươi đẹp nhất ấy.