Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Trở về từ cõi chết

Tôi bị tai nạn chín phần sống mười phần chết, mẹ bỏ nhà, bỏ mấy con bò, bỏ vườn rau mỗi ngày chăm chút, hấp tấp đón xe đò vào viện với con. Có mấy chỉ vàng chắt chiu tuổi già, mẹ dúi hết vào tay con rể để phụ lo viện phí.

Mẹ tôi là nông dân. Làm nông nhưng không có ngày nghỉ, hết đồng ngoài tới đồng trong, hết đồng nhà đến đồng người, mẹ đi làm từ lúc các con còn ngủ và về nhà khi các con đã lên giường. (Ảnh minh họa Internet)

Kể chuyện này ra, tôi còn hận bản thân vì từng có ý nghĩ ước được một gia đình giàu có nào đó nhận làm con nuôi. Ai biểu mẹ cứ căn cơ, tằn tiện từng chút một. Các con đều được mẹ cho đến trường nhưng phải tận dụng tối đa sách, vở, cặp, viết. Quần áo thì mặc đến kì rách mới thôi. Nếu lỡ phụng phịu bì bầu với bạn bè thì mẹ sẽ hét, lo học giỏi rồi mai mốt sướng thân, đua đòi có nước … mạt.

Hồi đó, tôi làm sao biết được mẹ đã vất vả nhường nào để gánh một đàn con, vừa lo ăn, vừa lo học, nên cứ trách nọ hờn kia. Nhưng phải sau này, khi đã làm mẹ, phải khi đã biết nhịn cho con miếng ngon, biết giành nằm chỗ ướt để chỗ ấm cho con tôi mới biết, mới hiểu vì sao ngày xưa mẹ bảo thích ăn cơm độn để các con ăn cơm trắng, thích ăn chuối chát non chấm nước mắm để các con ăn cá, thích gặm mót trái bắp còn hạt mà chị em tôi đã gặm sơ sài rồi vứt. Nhưng sự thật là phải đợi đến khi tôi đã là cô giáo, hết lòng thờ phụng nhà chồng rồi trong cơn hoạn nạn, đã bị người ta ruồng rẫy như cái cách vứt đi một miếng dẻ rách thì tôi mới thấu hiểu được tình mẹ.

Tôi bị tai nạn chín phần sống mười phần chết, mẹ bỏ nhà, bỏ mấy con bò, bỏ vườn rau mỗi ngày chăm chút, hấp tấp đón xe đò vào viện với con. Có mấy chỉ vàng chắt chiu tuổi già, mẹ dúi hết vào tay con rể để phụ lo viện phí. Còn ba, số tiền chuẩn bị mổ mộng mắt, ba cũng nhất định để con gái chữa bệnh, ba nói con còn trẻ, tương lai còn dài, còn ba, già cả rồi, sáng tối không quan trọng nữa.

Con gái hôn mê sâu hơn tháng, mẹ thấp thỏm đứng ngồi. Bác sĩ vào thăm khám là mẹ níu tay hỏi han, cầu xin cứu giúp. Con tỉnh dậy lơ láo, trí nhớ đứt quãng, mẹ hay lén khóc.

Mấy tháng đồng hành cùng con trong bệnh viện, hết Chợ Rẫy đến Phục hồi chức năng rồi sang Viện mắt nhưng mẹ không ăn cơm tiệm bao giờ. Tới bữa ăn, mẹ đi mua cơm cho con gái còn mẹ đi xin cơm từ thiện. Tôi không cho thì mẹ bảo phải dành tiền để chữa bệnh, cơm từ thiện cũng rất ngon. Bữa cơm nào mẹ cũng đút nhét nhưng con chỉ ăn được vài thìa. Mẹ ăn cơm thừa của con. Tôi gắt: Sao lại ăn cơm thừa ?. Mẹ xua tay: Có bà mẹ nào chẳng ăn cơm thừa của con.

Khi tôi tái nhập viện trong trạng thái khủng hoảng toàn diện vì chồng đi với người đàn bà khác. Mẹ lại khăn gói vào viện chăm con. Thấy con trằn trọc, mẹ tẩn mẩn nắn tay bóp chân cho con dễ ngủ. Chao ôi, khi những vết sần trên tay mẹ chạm vào lớp da mềm mịn, tôi nghe tim mình rát buốt. Mẹ thì rất thương nhưng thân bệnh, tâm bệnh dày vò, tôi luôn trong tình trạng của một người sợ … sống. Thấy con hoàn toàn tuyệt vọng, mẹ bảo, đã làm mẹ rồi thì phải nghĩ tới con mà sống. Câu nói của mẹ thức tỉnh, tôi đã thiện chí chữa bệnh, mong về với con.

Cảm ơn cuộc đời, tạ ơn những lần vấp ngã đã giúp tôi nhận ra … tình mẹ (Ảnh minh họa Internet)

Về nhà với con, căn nhà trống trải, mẹ con lầm lũi, tôi gần như lúc nào cũng khóc. Phải sống chung với những di chứng kinh hoàng của chấn thương sọ não ( mắt trái bị nhược thị, tay phải mất lực, rân rân ngứa và tê đau, hàm gãy sạch nhưng vì bị chấn thương nặng nên chưa trồng được răng cố định, chịu đau nhức triền miên. Khổ nhất là mắc thêm căn bệnh động kinh. Cứ nửa tháng tôi lại lên cơn một lần). Thân xác điêu tàn, số phận lại khuyến mãi thêm nỗi cô đơn, bẽ bàng với cái mác con đàn bà bị chồng bỏ, tôi khủng hoảng toàn diện, bèn tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Khi em gái phát hiện ý nghĩ điên rồ đó, em méc mẹ. Mẹ gọi điện khóc. Những giọt nước mắt sụt sùi của mẹ đã tái sinh tôi.

Bắt đầu một cuộc sống mới. Mẹ đồng ý để tôi bỏ ngôi nhà của quá khứ tồi tàn rồi giang tay đón mẹ con tôi về trong gian nhà chật chội, sớm tối có nhau. Sửa sang nhà cửa đôi chút, làm lại công trình phụ và một số thứ lặt vặt khác, tôi phụ nhưng mẹ nhất định không cho. Mẹ bảo để dành tiền lo tái khám, thuốc men bồi bổ và lo cho con.

Chuyển chỗ ở, tôi phải đi dạy xa, con nhỏ giao cho ông ngoại tám mươi tuổi. Còn bà ngoại thì chính thức gia nhập đội quân bán vé số. Mỗi chiều về, nếu phải thấy mẹ xác xơ hất chiếc xe vô rào và kéo lê đôi dép vô nhà thì tôi đau nỗi đau của đứa con bất hiếu. Cảm giác này cực kì khó chịu. Tôi không muốn, không cho nhưng mẹ bảo bán vé số cũng như đi tập thể dục. Từ ngày đi bán vé số mẹ thấy cái lưng bớt đau. Mẹ nói vậy để tôi bớt đi cảm giác tội lỗi chứ tôi sao không hiểu lòng mẹ.

Cảm ơn cuộc đời, tạ ơn những lần vấp ngã đã giúp tôi nhận ra … tình mẹ./.