VỀ QUÊ MÀ LẠI NHỚ QUÊ
Quê đang dần hóa thị thành
Tường bao thay lũy tre xanh hết rồi
Trưa hè bằn bặt ầu ơi
Nồm hây hẩy nhớ đưa nôi thuở nào
Đâu rồi loáng bóng mặt ao
Ngả chiều quái nắng xiên vào bê tông
Hoàng hôn buông nhớ bếp hồng
Vương vương khói rạ thơm nồng ngõ quê
Trăng tà nhớ níu ngọn tre
Vít cong một khoảng đêm hè còn đâu...
(Thơ Nguyên Hà)
Về quê mà lại nhớ quê là một bài thơ chất chứa nhiều nỗi niềm trắc ẩn của nhà thơ Nguyên Hà. Vừa đọc vào nhan đề cứ tưởng có gì đó mâu thuẫn, có gì đó nghịch lý nhưng đọc hết bài thơ người đọc nhận ra đó là điều rất thật của một người con nặng lòng với quê hương, xứ sở. Vì điều kiện cuộc sống, công việc, học tập, công tác… nên nhiều người phải xa quê. Điều dễ nhận thấy trong thực tế, khi cuộc sống càng hiện đại thì rất nhiều người lại phải rời quê “lên phố”. Và nỗi nhớ quê lúc ở xa quê thì đó là nỗi nhớ thường trực, là tâm trạng chung và phổ biến của rất nhiều người. Nhưng nỗi nhớ quê trong lúc trở về chính mảnh đất quê hương thì nỗi nhớ ấy của nhân vật trữ tình có điều đặc biệt. Nỗi nhớ lại càng da diết, cấu véo tâm can hơn gấp bội phần. Phải là người yêu da diết mảnh đất chôn nhau, cắt rốn, gắn bó mật thiết, am hiểu sâu sắc về nó thì mới có thể có nỗi nhớ như thế khi trở lại “cố hương”.
Công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã đem lại những hiệu quả nhất định. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, điều kiện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật… ngày càng được nâng cao. Một số vùng quê nghèo cũng đã được khởi sắc. Đó là điều đáng mừng trước sự đổi thay và phát triển. Tuy nhiên, đằng sau đó còn là nỗi niềm đau đáu bởi những mặt trái của việc làng hóa phố. Môi trường đô thị chứa đựng bao bất trắc và hiểm họa, Tình làng, nghĩa xóm đã dần mai một, mọi thứ được quy đổi và chạy theo đồng tiền…
Nguyên Hà vốn là người nặng lòng với quê hương, với cảnh vật nông thôn, làng quê. Vì thế, những hình ảnh của quê hương thuở nào đã ăn sâu trong tiềm thức của một người có tuổi như anh. Yêu quê hương tha thiết, gắn bó sâu nặng với quê cha đất tổ nên anh mới có thể viết những câu thơ da diết, chứa chan đến thế.
Trưa hè bằn bặt ầu ơi
Nồm hây hẩy nhớ đưa nôi thuở nào
Đâu rồi loáng bóng mặt ao
Ngả chiều quái nắng xiên vào bê tông
Cuộc sống càng hiện đại, càng tiện nghi, ở nơi phố thị đủ đầy nhưng đôi lúc con người ta lại cảm thấy trống trải, lạc lõng, bơ vơ. Nguyên Hà tìm về với quê nhà, tìm về với những hình ảnh thân thương đã ăn sâu trong huyết mạch: tiếng ầu ơ của bà, của mẹ, tiếng đưa nôi, mặt ao loáng bóng, bếp lửa hồng, khói đốt rạ rơm, lũy tre làng…
Hoàng hôn buông nhớ bếp hồng
Vương vương khói rạ thơm nồng ngõ quê
Trăng tà nhớ níu ngọn tre
Vít cong một khoảng đêm hè còn đâu…
Thế nhưng, làng quê nơi anh sinh ra, lớn lên thuở nào giờ đây không còn những hình ảnh quen thuộc ấy. Tất cả chỉ còn trong hoài niệm, trong nỗi nhớ xa xăm. Tìm đâu ra được những hình ảnh bình dị, thân thuộc, mộc mạc, ấm áp, thân thương như thế nữa. Lời tự sự thấm đẫm nỗi niềm, bàng bạc cả không gian và thời gian. 4 câu thơ cuối bài: cảnh vật, con người, không gian, thời gian đã hòa quyện vào nhau và tất cả đã nhuốm màu thương nhớ. Gieo vào lòng thi sĩ cả sự khao khát được sống lại, được gặp lại những hình ảnh rất đỗi thân quen đó. Vì thế, dù đang ở tại quê nhà nhưng nhà thơ lại nhớ quê, nỗi nhớ thêm dày, thêm sâu, thêm khắc khoải. Với Nguyên Hà, khi trở lại cố hương lòng lại thêm da diết nhớ thương, nỗi nhớ chất chồng lên nhau khi mọi thứ xung quanh đã thay đổi. Con đường làng, lũy tre xanh, khói lam chiều, tiếng võng, lời ru... và hình ảnh những đêm trăng hay những buổi trưa hè vui đùa với chúng bạn… Tất cả chỉ còn trong ký ức. Đường làng đã bê tông hóa, lũy tre, cay đa đã biến mất, bếp củi đã thay bằng bếp ga, bếp từ hiện đại, tiếng nhạc xập xình ở các hàng quán, tiệm karaoke, những lời bài hát hiện đại đã thay cho tiếng các bà, các mẹ hát ru con bằng những lời ru ngày trước? Trẻ em bây giờ tìm niềm vui qua các nền tảng mạng xã hội và dành thời gian để học. Học đủ kiểu, học sáng, học chiều, học thêm… không còn thời gian để các em vui chơi như trước. Hình bóng trẻ con vui chơi vào những buổi trưa hè, những đêm trăng sáng ở sân hợp tác hay trên đường làng nơi có những lũy tre xanh chỉ còn trong tiềm thức.
Về quê mà lại nhớ quê, những câu thơ nhẹ nhàng, bàng bạc cái tình của người thi sĩ: nhớ thương, yêu mến, gắn bó và cả những khắc khoải, nuối tiếc, thảng thốt, bâng khuâng… Nhà thơ tìm về với quê nhà, với bao nhiêu ký ức đẹp của thuở thiếu thời đó là hình thức tự nuôi dưỡng và tái sinh về tinh thần. Cái hay của bài thơ này là dù không một chữ nào nói về con người nhưng bạn đọc có thể hình dung ra được, cảm nhận được hình ảnh cuộc sống của con người quê hương xưa và nay của Nguyên Hà. Bởi quê hương đã ăn sâu trong huyết mạch, đất mẹ đã nuôi dưỡng anh cả phần xác lẫn phần hồn để có một Nguyên Hà như hôm nay. Hành trình cuộc đời mà anh đã đi qua gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử đất nước và bản thân. Anh xa quê nhiều năm, sống và làm việc ở phố thị nhưng tâm hồn lại hướng về quê hương bản quán với tấm lòng da diết nhớ thương. Với Nguyên Hà vì anh được sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tiếp thu trọn vẹn tinh hoa của nền văn minh thôn dã nên văn hóa làng xã đã ăn sâu trong máu thịt, tận trong sâu thẳm tâm can anh có sợi dây ràng buộc với thôn quê. Sau bao nhiêu năm cống hiến trí lực cho đất nước, sống nơi phồn hoa đô hội, giờ đây anh muốn tìm về chốn nghỉ, với tổ ấm ở ngay tại nơi ngày xưa mình đã sinh ra… Niềm mong ước ấy thật bình dị, đơn sơ nhưng hơn ai hết Nguyên Hà thấm thía giá trị của nó. Đó là ý thức của một con người dạn dày, từng trải, hiểu hết mọi lẽ được - mất, có - không, hạnh phúc - khổ đau trong cuộc đời này.
Với Về quê mà lại nhớ quê, Đại tá - thi sĩ Nguyên Hà đã đánh thức hồn quê trong tâm khảm của mỗi người, nhất là những người con xa xứ!