Vài thói quen tưởng chừng vô hại khi rửa chén nhưng lại là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc bệnh!

Rửa bát đĩa là việc làm mỗi ngày của chúng ta. Tưởng chừng công việc này rất đơn giản và ai cũng có thể làm tốt được, tuy nhiên không phải vậy. Nhiều cuộc nghiên cứu đã được thực hiện và cho thấy rằng có rất nhiều người rửa bát sai cách, điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của tất cả các thành viên trong gia đình.

1. Sử dụng quá nhiều xà bông

Để nhận biết điều này bạn cần quan sát trong các lần rửa chén bát. Nếu bồn rửa bát tràn ngập bong bóng thì chắc chắn là bạn đang dùng một lượng xà bông rất lớn. Điều này không chỉ khiến bạn vất vả hơn trong quá trình tráng lại chén bát, mà còn có thể tiềm ẩn các nguy cơ hình thành nhiều bệnh nguy hiểm vì lượng xà bông không được làm sạch.

(Ảnh: Internet)

Các nhà khoa học khuyến cáo rằng phần lớn các loại nước rửa chén đều có chất gây ung thư, làm rối loạn nội tiết tố. Do đó, để đảm bảo cho sức khỏe, bạn chỉ nên sử dụng một lượng nước rửa chén vừa đủ. Sau khi rửa bằng xà bông thì cần tráng lại nhiều lần bằng nước sạch.

2. Ngâm chén bát quá lâu

Ngâm chén bát một thời gian rồi mới đi rửa là thói quen của rất nhiều gia đình. Thậm chí có người còn để qua đêm, đến gần bữa ăn của ngày hôm sau mới bắt đầu xử lí. Thói quen không tốt này cần được sửa đổi, bởi lượng thức ăn dư thừa trong chén bát, nồi niêu sẽ bị lên men, bị hỏng.

(Ảnh: GD và TĐ)

Lúc này, vi khuẩn cũng sẽ hoạt động và nảy nở sinh sôi nhanh chóng. Chỉ cần bạn rửa bát không sạch thì chúng sẽ đi ngược trở lại vào dạ dày ở các bữa ăn sau. Bên cạnh đó, việc ngâm chén, bát thìa đũa qua đêm còn khiến tuổi thọ của những vật dụng này giảm đi đáng kể, nhất là các thìa, đũa được làm bằng tre, gỗ.

3. Không làm sạch bồn rửa

Có thể bạn không tin, tuy nhiên hàng loạt các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng bồn rửa bát thường chứa lượng vi khuẩn nhiều gấp 100 nghìn lần so với phòng tắm hoặc nhà vệ sinh. Chính vì vậy, nếu bạn chỉ rửa sạch chén bát thôi là chưa đủ, vì vi khuẩn có thể bám trụ tại bồn rửa và sau đó xâm nhập lại vào chén bát của gia đình.

(Ảnh: Tiêu dùng)

Không quá khó khăn để chấm dứt tình trạng này, bạn chỉ cần dùng giấm và bột baking soda hoặc kết hợp giấm với muối để lau chùi bồn rửa mỗi ngày. Nếu gia đình bạn dùng máy rửa bát thì cũng cần phải vệ sinh lồng rửa thường xuyên, bởi nhiệt và độ ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Bạn có thể khắc phục bằng cách cho một ít giấm và bột baking soda vào máy rửa bát rồi cho máy chạy mà không có bát đĩa.

4. Dùng giẻ rửa bát quá lâu

Giẻ rửa bát cũng có thể là nơi ẩn chứa rất nhiều các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, sau khi rửa bát, bạn cần giặt sạch miếng rửa, vắt sạch nước rồi phơi khô để tránh việc vi khuẩn tích tụ và phát triển.

(Ảnh: Trường Thắng)

Bên cạnh đó, khá nhiều người thường biến giẻ rửa bát thành “giẻ đa năng” khi dùng nó để lau luôn kệ bếp, tường bếp, bếp ga… Việc làm này là không nên chút nào, bạn nên phân loại rõ chức năng của từng loại giẻ trong nhà bếp. Ngoài ra, sau 4 – 6 tuần sử dụng thì bạn nên thay miếng rửa bát một lần để đảm bảo an toàn.

5. Để bát đĩa bị ẩm sau khi rửa

Sau khi rửa bát xong, rất nhiều người đã cất luôn vào trong tủ mà không đợi chén bát khô vì nghĩ rằng sẽ tránh được bụi bẩn. Tuy nhiên, thói quen này vô tình sẽ làm ô nhiễm thứ cấp cho bộ đồ ăn và thậm chí còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.

Một lời khuyên dành cho bạn đó là sau khi rửa chén bát, bạn nên dùng khăn sạch lau khô rồi hãy cất đi. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt bát đũa đã rửa vào nơi thoáng khí, khô ráo để đảm bảo bát sạch, khô cho lần sử dụng sau.