‘Thơ hưu’ – Lời tâm sự chân thành, hồn hậu của nhà thơ Trần Ngọc Phượng

Ấn tượng ở Thơ hưu của Trần Ngọc Phượng đó là nhà thơ đối thoại với chính mình, lấy bản thân mình làm đối tượng để nhìn ra nhân thế. Đó là tiếng nói của những thao thức, tình cảm rất mực chân thành và hồn hậu của nhà thơ.

Trần Ngọc Phượng được biết đến là một nhà thơ, cựu binh từng trực tiếp tham gia ở chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chốn Mỹ cứu nước. Anh cũng là tác giả của 2 bài thơ Ngã ba Cây Cầy (1973), Dốc Năm Cua (1974) để ca ngợi các chiến sĩ vận tải. Ngã ba Cây Cầy, Dốc Năm Cua là những điểm mốc quan trọng mà bất cứ người chiến sĩ nào đi qua cũng đều ấn tượng và không thể nào quên. Hai bài thơ này đã trở thành dấu mốc quan trọng và có nhiều điều đặc biệt hơn so với những bài thơ khác sáng tác trong thời điểm này. Người chiến sĩ Trần Ngọc Phượng đã trực tiếp ghi lại những cảm xúc của mình với những người đồng đội, chiến sĩ đã đi qua trên những những cung đường đầy hiểm nguy ấy.

Sau ngày đất nước hòa bình, Trần Ngọc Phượng chuyển ngành về công tác tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện ông đã về hưu, Hội viên Cựu Chiến Binh, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

nha-tho-tran-ngoc-phuong-1-1730546037.jpeg
Đến thời điểm này, Trần Ngọc Phượng đã in 5 tập thơ và 1 tập Ký- Tản văn.

Thơ Trần Ngọc Phượng được xem như bản nhật ký về hành trình sống, hành trình cuộc đời ông đã và đang đi qua. Vốn là người tinh tế, nhạy cảm nên Trần Ngọc Phượng ý thức sâu sắc về đời, về người, về bản thân. Vì thế trong thơ ông là những suy ngẫm, trăn trở mang tính nhân văn nhân ái.

Trở về sau cuộc chiến, Trần Ngọc Phượng kinh qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Vì điều kiện công việc và hoàn cảnh gia đình nên ông không có thời gian để viết. Mãi đến khi nghỉ hưu, khi việc công đã xong, việc nhà đã ổn Trần Ngọc Phượng viết đều tay hơn và dường như mỗi lúc có cảm xúc thì anh có ngay bài thơ... Giờ đây, thơ Trần Ngọc Phượng đằm sâu, chắt lắng. Cái đằm sâu của một con người đã nếm trải bao thăng trầm của lịch sử đất nước, lịch sử bản thân. Do vậy, những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trăn trở.

Hiện thực cuộc sống của thời đại hôm nay với bao bộn bề giá trị. Ở cái tuổi nghỉ hưu, nhà thơ Trần Ngọc Phượng phải tái cấu trúc ký ức. Nhà thơ tự làm một cuộc hành trình để đi tìm bản thân mình, trở về với chính mình để suy nghĩ, chiêm nghiệm, chất vấn, đối thoại, để sống thật với bản thân mình với những khao khát riêng tư. Bởi không ai có thể hiểu và thông cảm được mình bằng chính bản thân. Thơ hưu là một trong số những bài thơ thể hiện rõ nét nỗi niềm tâm sự rất chân thành của Trần Ngọc Phượng. Đó là những điều mà một người về hưu như ông tự cảm nhận và thấu rõ nhất.

Về hưu trôi xuống dốc chiều

Ráng đi thẳng đứng vẫn xiêu bóng hình

Thôi mình an ủi lấy mình

Thác ghềnh đã trải bại vinh đã từng

Trần Ngọc Phượng hiểu rõ quy luật của tạo hóa, của đời người nên càng tự an ủi mình. Sự an ủi ấy cũng chính là nguồn năng lượng, là sức mạnh tinh thần để ông sống những tháng ngày còn lại trên cõi trần gian này. Ở vào tuổi xưa nay hiếm, trải qua bao thăng trầm thế cuộc, bao thành - bại, được - mất, nhục - vinh... đều nếm trải. Một người đã đi qua cuộc chiến, đã từng vào sinh ra tử, may mắn sống sót trở về sau ngày đất nước hòa bình. May mắn hơn được đóng góp công sức vào công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước nên Trần Ngọc Phượng rất quý trọng sự sống. Đến tuổi hoàng hôn của đời người, sức khỏe yếu dần đi, hơn ai hết, ông tự biết điều đó và tự an ủi chính mình bằng niềm tin để cố gắng vượt qua mọi “trở ngại”, “bất trắc”.

Giữ cho ngọn lửa bập bùng

Câu thơ le lói vẫy vùng chiều hôm

Cần chi tranh cãi giận hờn

An nhiên mà sống giản đơn lẽ đời

Trần Ngọc Phượng đã lấy sức chịu đựng của chính mình và sức bền của thơ để chống lại sự già nua, chai lì của tâm hồn dưới sự bào mòn của thời gian.

nha-tho-tran-ngoc-phuong-1730546132.jpeg
Nhà thơ Trần Ngọc Phượng

Khi con người ta đã trải qua bao đắng chát, vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau... thì họ càng trở nên bình tâm hơn, điềm tĩnh hơn bao giờ hết. Với Trần Ngọc Phượng, làm thơ đó là niềm vui, ngọn lửa sưởi ấm, ánh sáng chiếu rọi tâm hồn. Vui với thơ, một niềm vui đơn sơ, bình dị, vui với bản thân mình, vui với những câu thơ mình viết bằng tất cả sự tâm huyết, trở trăn, suy tư đau đáu. Tự biết mình, hiểu mình, biết được sức khỏe, năng lực của bản thân để mà sống mà vui... hài lòng với những gì mình có, đó là cách chọn lối sống an yên, tự do, tự tại của Trần Ngọc Phượng. Không ganh đua, a dua, xu nịnh. Không tranh cãi, giận hờn. Không màng lợi danh, tiếng tăm, thanh thế... Dù cuộc sống xoay vần, thời thế chao đảo nhưng cứ lấy tình người làm gốc, sống tình nghĩa trước sau bằng cái tâm chân thành thì hồn thơ mới có thể thanh cao, câu thơ mới có thể bay bổng. Thiên chức của nhà thơ là phải biết tìm kiếm và đưa cái đẹp của đời sống vào trong tác phẩm của mình. Nhất là thơ phải phản ánh đúng và sinh động cuộc sống của thời mình đã và đang sống!

Mặc cho thời thế đảo chao

Hồn thơ giữ lấy thanh cao tình người

Câu thơ bay đến cuối trời

Cứ theo chìm nổi sóng đời mà phiêu

Trần Ngọc Phượng lại đặt ra câu hỏi:

Tiếc chi? Tiếc đã nhiều rồi

Câu thơ níu kéo một thời thanh xuân

Một thời mải miết hành quân

Mấy ai tìm được dấu chân thủa nào

Những âm vang của cuộc đời đã khúc xạ qua lăng kính của nhà thơ trong sự trải nghiệm của một con người từng trải. Sự nuối tiếc của một thời tuổi trẻ, những hụt hẫng, mất mát của một thời đạn lửa đã giúp Trần Ngọc Phượng có cái nhìn thấu đáo hơn. Có độ lùi về thời gian, người cựu binh Trần Ngọc Phượng càng nghiền ngẫm sâu sắc hơn về những được - mất của thời thanh xuân và tự tìm ra câu trả lời thỏa đáng nhất. Trước hết là tự trả lời cho chính bản thân mình. Thời gian trôi chảy không ngừng, nên từ thời khắc hiện tại nhìn về quá khứ và nghĩ về tương lai nhà thơ bộc lộ nhiều nỗi trăn trở, day dứt của lòng người.

Cuộc sống thời mở cửa bên cạnh những điều tốt đẹp còn tiềm ẩn bao hệ lụy và bất trắc. Với một người có tuổi như Trần Ngọc Phượng yêu thơ, lấy thơ làm lẽ sống, niềm vui ở tuổi xế chiều của đời người. Thi nhân tìm đến thơ như một hình thức tự nuôi dưỡng, tái sinh về tinh thần. Ý thức sâu sắc được điều ấy nên Trần Ngọc Phượng tự dặn lòng:

Thơ hưu đừng để hắt hiu

Vẫn mềm câu chữ, vẫn yêu say nồng

Quý thời gian bao nhiêu, nhà thơ càng yêu đời, yêu thơ tha thiết. Vì thế, hiện lên trong thơ là những nuối tiếc, lo âu và cả sự hoài nghi về thời gian, sự sống, những cảm xúc mang ý vị triết lý sâu xa.

Mai về sắc sắc không không

Thơ nào sống được trong lòng bạn ơi!

Tất cả trong chúng ta, ai rồi cũng phải trở về với cát bụi. Vì thế, khi còn sống, còn hiện hữu trên cõi đời này phải sống sao cho thật ý nghĩa.

Ấn tượng ở Thơ hưu của Trần Ngọc Phượng đó là nhà thơ đối thoại với chính mình, lấy bản thân mình làm đối tượng để nhìn ra nhân thế. Đó là tiếng nói của những thao thức, tình cảm rất mực chân thành và hồn hậu của nhà thơ./.