Phong cách ngôn ngữ trong "Ngẩng mặt nhìn mặt”

“Ngẩng mặt nhìn mặt” là truyện dài đầu tay của tác giả Mị Dung xoay quanh cuộc sống của những con người sau 1975. Ở đó, ta thấy rất nhiều hình ảnh chân thực về đất và người xứ Nẫu (Bình Định) qua lối kể mộc mạc và gần gũi với cuộc sống của Mị Dung.
ngang-mat-nhin-mat-1-1716818441.jpeg
Bìa tập truyện dài "Ngẩng mặt nhìn mặt" (NXB Hội Nhà văn, 2023) của tác giả Mị Dung.

Ngôn ngữ mộc mạc và gần gũi

Nói về truyện dài đầu tay “Ngẩng mặt nhìn mặt” của Mị Dung, Đạo diễn Đào Nhân nhận định: Đọc ‘Ngẩng mặt nhìn mặt” của Mị Dung, ta thấy có rất nhiều hình ảnh điện ảnh trong đó, thể hiện lối kể mộc mạc và rất gần gũi với cuộc sống.

Điều này được thể hiện qua cách nhà văn mô tả giàu hình ảnh, thể hiện rõ nét như chúng ta đang xem phim, và nếu tái hiện thành phim thì sẽ có nhiều cảnh rất sinh động.

Đặc biệt, có nhiều đoạn đã tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn về cái nhìn thấu đáo của thời cuộc. Có đoạn, Mị Dung đã lột tả sinh động về sự thèm khát của người đàn ông của chế độ cũ lại vô tình gặp được một người phụ nữ nhà quê trong thời loạn lạc.

Như cách Mị Dung kể: "Lão đưa tay đặt trên vai má, má lùi mấy bước, lão lấn thêm tới, rồi choàng ôm luôn. Đá gánh cải của má sang một bên rồi đè má xuống đám mía ven đường, tay nọ lão xé áo, tay kia sờ soạng trên thân thể má. Chỗ mía gầy guộc, khô rang khô rốc bị đè rạp xuống. Má vùng dậy la lên, nhưng đồng mía rộng quá, gió thổi làm lá mía cạ vào nhau tạo nên âm thanh xào xạc, át đi tiếng la của má, và gió vô tình hay cố ý thổi tiếng má lạc trôi...”.

mi-dung-1716819792.jpeg
Mị Dung tên thật là Đỗ Thị Mỹ Dung (SN 1991, quê Bình Định), hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM

Tinh tế trong khắc họa tâm lý nhân vật

Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét rằng khi đọc “Ngẩng mặt nhìn mặt” bắt gặp một vài hình ảnh “nóng” khiến ta cảm thấy đỏ bừng mặt, bởi tác phẩm khắc họa tâm lý nhân vật một cách sinh động và chân thực, diễn biến nội tâm, những khao khát và mâu thuẫn trong họ.

“Ban đầu tôi tưởng đây là một câu chuyện có thật, hóa ra cũng có khúc tưởng tượng, mà tưởng tượng như vầy thì cũng giống thật đấy chứ ! Còn hay hay dở thì do người đọc cảm nhận thôi. Cô này là nhà báo chứ không phải nhà văn mà viết được từng này thì kể ra cũng là một lao động đáng nể. Nếu lọt vào tay đạo diễn phim truyền hình thì sẽ có bộ phim tên Ngẩng mặt nhìn mặt được ra mắt công chúng.”, Đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ.

“Chu cha quơi là bắt tại trận, đẹp mặt chưa. Chớ ông thèm khát gì, ở nhà tôi có cho ông đói đâu mà ông đi ăn mỡ thúi bên ngoài hử” (trang 148). 

ngang-mat-nhin-mat-5-1716819433.jpeg

  Tính chân thực qua biểu đạt cảm xúc 

Đạo diễn Đỗ Tài cho biết, thông thường, cảnh nóng có thể được sử dụng để tạo dựng bầu không khí cho tác phẩm, tăng cường tính chân thực và sinh động cho bối cảnh, đồng thời thu hút sự chú ý của người đọc. Đặc biệt, cảnh nóng có thể góp phần phát triển cốt truyện, thúc đẩy các sự kiện diễn ra và tạo ra những nút thắt, cao trào trong tác phẩm.

Qua đây, Đạo diễn Đỗ Tài cũng mong muốn nhà văn cần có sự tiết chế, miêu tả cảnh nóng một cách tinh tế, phù hợp với nội dung và bối cảnh của tác phẩm, đồng thời đảm bảo rằng nó phục vụ cho mục đích nghệ thuật chứ không phải để câu kéo sự chú ý một cách rẻ tiền.

ngang-mat-nhin-mat-3-1716818755.jpeg
Toàn bộ doanh thu phát hành trong ngày ra mắt sách (tháng 11/2023) được tác giả Mị Dung đóng góp vào Quỹ từ thiện Mái ấm Nhân Tâm của họa sĩ Lê Phương – người đã vẽ bìa sách ấn tượng bằng chất liệu sơn dầu cho tác phẩm.

Cùng quan điểm, Nhà biên kịch Kim Trường cũng cho biết, trong tác phẩm này của Mị Dung có những đoạn cứ nghĩ là cảnh nóng nhưng nó lại là những cảnh "trần tục" cần có để lột tả những ham muốn bình thường của con người nhưng đó lại là nguyên nhân của một số tội lỗi. Những cảnh nóng trong tác phẩm không mục đích kích thích sự tò mò của người đọc nên nó chính đáng, cần thiết.

Những trang viết đậm đặc ngôn ngữ xứ Nẫu

Nhà văn Lê Hoài Lương cho rằng đây là tiểu thuyết về đất và người bắc Bình Định. Dù khuôn lại thời điểm trước và sau 1975, những xáo động lớn thời khắc đất nước hòa bình thống nhất, nhưng cách viết in đậm nét phong vị đất và người Bình Định. Phải là người yêu quê hương lắm mới viết được thế này. Và nó thành riêng, khác biệt ít có.

Một cuốn sách đậm đặc đời sống xã hội một thời, đời  sống gia đình, những hệ lụy chiến tranh, hậu chiến, về hình thành giới tính... Có cao thượng, thấp hèn, có tệ nạn, nỗ lực vươn lên... Dù được kể bằng quan sát một cô bé mới lớn, nhưng đây không phải là tác phẩm dành riêng cho tuổi mới lớn, vì nó có tính xã hội rộng.

Cái nhan đề Ngẩng mặt nhìn mặt khá hay. Đó là cái nhìn trực diện vào mọi vấn đề kể trên, không khoan nhượng. Đôi chỗ quyết liệt đáng khen.