Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Những việc cha mẹ không nên làm khi thấy con sốt

Các bậc phụ huynh khi gặp tình trạng con nhỏ đang trong trạng thái sốt thường có thói quen áp dụng các biện pháp dân gian hoặc truyền tai để giảm đi nhiệt độ cho trẻ. Nhưng vô tình những phương pháp ấy lại khiến trẻ em lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Lau cơ thể cho trẻ bằng rượu, cồn chanh

Các bà mẹ thường truyền tai nhau rằng, khi con bị sốt nên lau cơ thể trẻ bằng rượu, cồn, chanh. Trên thực tế, phương pháp này có thể hiệu quả tốt với một số bé, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, vì chúng chưa được xác minh bởi bất cứ nghiên cứu nào. Rượu và cồn dù làm mát nhanh nhưng rất nguy hiểm. Bởi trong rượu và cồn có chứa một số hóa chất, khi thẩm thấu qua da dễ khiến trẻ bị ngộ độc, đặc biệt là với những trẻ có sức đề kháng yếu và mẫn cảm. Chanh cũng là thành phần có thể giúp trẻ hạ sốt, nhưng chất axit có trong chanh sẽ dễ làm bỏng đi làn da non nớt của trẻ. Cách tốt nhất là mẹ chỉ nên dùng nước ấm để lau người cho trẻ. Trong trường hợp mẹ dùng chanh thì nên pha loãng để tránh gây kích ứng da cho con.

tre-em-sot-lau-nguoi-bang-chanh-1638351413.jpg
Nên pha loãng chanh trước khi lau người trẻ. Ảnh: T.L

Lạm dụng thuốc hạ sốt

Đây là thói quen của nhiều người vì nghĩ khi vừa sốt cho uống thuốc hạ sốt sẽ cắt sốt ngay. Hoặc nhiều trường hợp khi cho trẻ đi tiêm chủng về lo con sốt liền cho uống thuốc để “phòng” trẻ sốt cao. Thực ra, không phải lúc nào sốt cũng là do trẻ bị nhiễm trùng và cần uống thuốc. Khi sốt nhẹ, 37,5 - 38 độ C, chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt cho trẻ. Trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5-38,5 độ chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn. Đặt nhiệt kế ở nách là chính xác nhất, không đo ở miệng, trán hay hậu môn, cũng không cộng trừ thêm 0,5 độ như ngày trước. Tốt nhất khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em cần chú ý những nguyên tắt sau:

- Không được tự ý sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ dưới 3 tuổi

- Tính liều thuốc hạ sốt theo cân nặng và cho trẻ dùng đúng liều

- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng

- Dùng thuốc đang còn hạn sử dụng.

Lạm dụng thuốc đặt hậu môn để hạ sốt

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, đối với trẻ nhỏ không muốn uống thuốc hạ sốt vì sợ đắng hoặc những bé sơ sinh dễ trớ khi dùng thuốc hạ sốt đường uống thì thuốc hạ sốt đặt hậu môn là giải pháp lý tưởng. Nhưng, các bậc phụ huynh cũng đừng nên quá lạm dùng nhiều vào thuốc đặt hậu môn, vì chúng sẽ sinh ra rất nhiều các tác dụng phụ như gây sưng tấy, đau rát hậu môn của trẻ. Nếu dùng lâu dần sẽ có thể dẫn đến viêm trực tràng.

Dùng đá lạnh giảm sốt

Biện pháp đặt đá vào túi ni lông hoặc bằng vải rồi chườm vào hai bên người bé gần nách để giảm đi nhiệt độ cơ thể ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm đến trẻ. Vì cách này chỉ có thể làm mát tại vị trí chườm nhưng lại dễ làm trẻ bị bỏng lạnh. Ngoài ra, chúng còn làm co mạch, khiến lỗ chân lông không “mở” để thân nhiệt thoát ra ngoài. Sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại, còn thực tế trẻ vẫn sốt cao.

Dùng chăn mền ủ ấm

Rất nhiều bà mẹ có tâm lý cần phải ủ ấm cho con, nhất là trẻ sơ sinh, dù đang trong mùa hè. Khi con sốt, mẹ vẫn lo con lạnh nên ủ con bằng nhiều lớp chăn, quần áo. Đây là một cách sai lầm mà các bà mẹ vẫn thường hay áp dụng. Vì khi thân nhiệt của trẻ ngày càng tăng cao, lượng nhiệt không thể thoát ra ngoài sẽ dẫn đến trẻ lên cơn co giật.

lam-dung-thuoc-ha-sot-dat-hau-mon-tre-1638351413.jpg
Không làm dụng quá nhiều thuốc đặt hậu môn để hạ sốt. Ảnh: T.L

Cạo gió cho trẻ

Có thể nói đây là một phương pháp dân gian rất phổ biến tại các làng quê Việt Nam mỗi khi cơ thể có dấu hiệu sốt và mệt mỏi. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận lại một điều rằng, làn da của trẻ rất non nớt và không thể nào chịu nổi những tác động mạnh từ việc cạo gió. Bên cạnh đó, nếu trẻ bị rối loạn đông máu, việc cạo gió sẽ gây nguy hiểm bởi rất khó để cầm máu.

Kiêng nước hoàn toàn

Đây cũng là quan niệm của rất nhiều bà mẹ. Khi con bị sốt, mẹ thường kiêng tắm, kiêng luôn cả việc lau rửa cho con. Nhưng điều này là không cần thiết, thậm chí còn gây hại cho trẻ. Bởi khi bị sốt, cơ thể con khó chịu, dễ ra mồ hôi. Do đó, mẹ cần vệ sinh cho con bằng nước ấm, để con được sạch sẽ và dễ chịu hơn. Việc này còn giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ. Mẹ chỉ cần lưu ý, không để con ngâm mình trong nước lâu, chỉ nên tắm nhanh hoặc lau người bằng nước ấm là được.

Cách hạ sốt đúng cách cho trẻ

Để tránh những sai lầm đáng tiếc khi chăm sóc trẻ sốt cao, các mẹ cần bình tĩnh chủ động tìm hiểu nguyên nhân cũng như tiến hành các bước hạ sốt phù hợp cho trẻ sau đây:

- Để trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm, không cởi hết đồ của trẻ.

- Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng, tránh gió.

- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn.

- Cho trẻ uống nhiều nước và các dung dịch khác như sữa, nước trái cây, dung dịch nước biển khô.

- Cần theo dõi nhiệt độ trẻ bằng nhiệt kế sau mỗi 4 giờ.