Những nguyên nhân gây ra hiện tượng sụp mi mắt?

Sụp mi mắt là hiện tượng thường xảy ra đối với những người tiếp xúc nhiều với màn hình điện thoại và máy tính. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng này.

Hỏi: Tôi nay 45 tuổi, có sức khoẻ bình thường. Nhưng gần đây thấy mi mắt hai bên bị sụp, ảnh hưởng đến việc quan sát. Vậy nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này là gì? (Lan Nhi, Vũng Tàu).

Đáp: Sụp mi mắt là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế mắt nhìn thẳng. Mi có thể bị sụp với các mức độ khác nhau và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Sụp mi làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực của người bệnh.

oip-2-1620032162.jfif
Hiện tượng sụp mi mắt ở người già

Nguyên nhân gây sụp mi mắt: Do tổn thương cơ nâng mi (teo cơ mi); Do bất thường chỗ bám của cơ nâng mi, tổn thương một phần thần kinh chi phối cơ nâng mi; Do liệt dây thần kinh số 3, thường kết hợp với lác ngoài và giãn đồng tử; Do nhược cơ; Sụp mi cơ học xảy ra khi mi trở nên nặng hơn bình thường như u, phù, viêm hoặc khi có sẹo kết mạc co kéo làm hạn chế vận động của mi; Do thừa da mi ở người già.

Điều trị sụp mi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra sụp mi. Thông thường có 3 cách điều trị phổ biến: 

Điều trị nội khoa: trong sụp mi do bệnh nhược cơ người ta dùng các thuốc ức chế men cholinesterase, corticosteroide liều cao… để làm tăng hoạt tính co của cơ nâng mi trên. 

Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật cắt hay xạ trị tuyến ức được coi là phương pháp hữu hiệu để điều trị bệnh nhược cơ, một nguyên nhân đã được biết đến từ lâu gây ra sụp mi. 

Phẫu thuật mắt: nhằm điều trị sụp mi khi các nguyên nhân gây sụp mi do bệnh lý toàn thân không thể khắc phục được. Người ta sẽ dùng một số phẫu thuật nhằm tăng hoạt lực của cơ nâng mi trên để giải quyết tình trạng sụp mi: cắt ngắn cơ, gấp cơ…