Những loại gạo dược liệu phổ biến và công dụng của chúng đối với sức khỏe con người

Những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người ngày một tăng cao. Vì vậy các loại gạo dược liệu như gạo lứt đen, gạo huyết rồng, gạo nếp cẩm được săn đón rất nhiều trên thị trường. Không chỉ ở trong nước, những “siêu gạo” này còn được ưa chuộng trên cả thị trường quốc tế vì hàm lượng dinh dưỡng cao và có thể phòng tránh được nhiều bệnh.

1. Gạo lứt đen

Gạo lứt đen là loại gạo có màu tím đậm và thường được bán dưới dạng chưa xay xát. Đây là loại gạo rất giàu dinh dưỡng quý, hiếm. Sắc tố đen của gạo giúp cho việc lưu thông và tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn. Đồng thời, cung cấp các dưỡng chất B1, B6, sắt cho cơ thể và tăng cường trí não cho cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ được công bố vào tháng 8/ 2010, một thìa gạo lứt đen chứa nhiều chất chống oxy hóa cao hơn 1 thìa việt quất. Và đồng thời, nó còn cung cấp chất xơ, vitamin E rất dồi dào, bệnh nhân tiểu đường, người béo phì rất phù hợp để sử dụng thường xuyên loại gạo này.

2. Gạo huyết rồng

Gạo huyết rồng có vỏ ngoài màu đỏ, bên trong hạt gạo, nếu tách đôi cũng sẽ có màu tương tự. Gọi là gạo huyết rồng không chỉ bởi gạo có màu đỏ mà còn vì cách chăm bón rất kì công. Gạo huyết rồng chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe con người như tinh bột, chất đạm, chất xơ, chất béo, vitamin, các loại axit…

Gạo huyết rồng có thể ngăn ngừa ung thư, loãng xương, thoái hóa khớp và làm giảm mỡ máu. Một bát gạo huyết rồng có thể cung cấp đủ 21% lượng magie mà cơ thể cần mỗi ngày. Loại gạo này đặc biệt tốt với trẻ em và phụ nữ cho con bú vì giàu sắt, canxi, tinh chất bổ xương…

3. Gạo mầm vibigaba

Gạo mầm vibigaba còn được gọi là gạo lứt nảy mầm, có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, hoạt chất gaba có trong gạo mầm vibigaba giúp ổn định đường huyết. Ngoài ra, gạo dược liệu vibigaba còn rất giàu chất xơ không hòa tan, rất tốt cho hệ tiêu hóa, có thể ngăn ngừa hiện tượng táo bón cho cả người lớn và trẻ em.

Với những người có vấn đề về thần kinh như thường xuyên mất ngủ, hay stress, trầm cảm thì nên ăn gạo mầm vibigaba 2 lần mỗi tuần để ức chế những xung thần kinh căng thẳng tới não, giúp ngủ ngon mà không cần sử dụng đến thuốc an thần.

4. Gạo nếp cẩm

Nếp cẩm là một loại thực phẩm rất quen thuộc và đã có từ lâu đời tại Việt Nam. Theo Đông y, gạo nếp cẩm có vị ngọt, tính ấm dùng để chữa suy nhước cơ thể, viêm loét dạ dày và đặc biệt là rất tốt cho tim mạch. Trong 100g cơm nếp cẩm đã nấu chín có chứa 37 carbohydrate, 1,7 chất xơ; 9,7 cmg selenium,  0,33 gr chất béo, 169 calories và 3,5 gr protein…

Theo một nghiên cứu khoa học, hai chất chất lovastatine và ergosterol có trong gạo nếp cẩm có khả năng tái tạo mạch máu và phòng tránh các tai biến về tim mạch rất tốt. Đặc biệt, phụ nữ sau sinh có thể ăn cháo nấu từ gạo nếp cẩm với chân giò sẽ giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, có lợi cho tuyến sữa và tăng cường lưu thông khí huyết.

 GẠO DƯỢC LIỆU KHÔNG THỂ CHỮA KHỎI UNG THƯ

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Gạo lứt hay gạo dược liệu thực chất chỉ là loại gạo được xát lớp vỏ trấu bên ngoài và còn nguyên vỏ cám bên trong. Vì thế, vẫn giữ được hàm lượng chất xơ cũng như các vitamin, chất sắt, canxi, kẽm, đạm như ban đầu.

Việc đồn thổi gạo dược liệu có khả năng chữa khỏi ung thư là vô căn cứ. Có thể đây là cách để người bán hàng đẩy giá lên cao hơn mà thôi. Gạo dược liệu không phải là thuốc mà chỉ mang tính chất bổ sung nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể trong suốt quá trình chữa bệnh, Giáo sư Lâm nhấn mạnh.

Để có thể lựa chọn được những loại gạo dược liệu chất lượng tốt nhất, bạn cần phải mua ở những nơi uy tín, có thương hiệu, nếu chọn mua ở siêu thị hay các cửa hàng thì trên bao bì cần phải ghi rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng cũng như tên của từng loại gạo cụ thể.