Những kỹ năng chăm sóc răng miệng hiệu quả cho con

Hà Kiều
Tạo cho con một thói quen chăm sóc răng miệng thường xuyên và đúng cách không phải là việc đơn giản nhất là trong giai đoạn con còn nhỏ. Vì vậy, cha mẹ nên kiên nhẫn giúp trẻ yêu thích và duy trì việc làm cần thiết này.

Theo báo cáo tác động tiềm ẩn của sức khỏe răng miệng đối với cuộc sống trẻ em năm 2019 cho biết, 8 trong 10 trẻ em bị đau răng trong 12 tháng vừa qua, trong đó cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ bị đau răng ở mức độ vừa và nặng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em có sức khỏe răng miệng kém không chỉ bị hôi miệng, sâu và đau răng mà còn làm trẻ thiếu tự tin và có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tổng thể trong quá trình giáo dục trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau để hướng dẫn con chăm sóc răng miệng đúng cách nhằm phòng ngừa các vấn đề về răng miệng.

Khuyến khích trẻ tự đánh răng

Dù đánh răng là một thói quen tốt cần được duy trì, tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng thích thú với điều này. Để khuyến khích trẻ tự giác đánh răng, cha mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn con chải răng đúng cách cũng như chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp với trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) cho biết: “Độ tuổi tốt nhất để dạy trẻ thói quen đánh răng là từ 2,5 tuổi. Ban đầu nên cho các cháu sử dụng nước đã đun sôi, khoan dùng kem để cháu tập trung vào động tác đánh răng. Khi thuần thục rồi mới sử dụng kem để tăng khả năng sát khuẩn, làm sạch. Bố mẹ cần phải tinh tế để lựa chọn bàn chải phù hợp và mùi vị của kem đánh răng đúng sở thích để tạo cho bé sự hứng thú hơn, đồng thời phải kiên nhẫn để hướng dẫn đúng phương pháp. Nên tập cho trẻ đánh răng dọc theo chiều của răng hoặc xoay tròn để làm sạch cổ răng và lấy hết được những chất bám vào kẽ răng. Các cháu sẽ vui vẻ làm tốt nếu được hiểu đúng sở thích và được hướng dẫn đúng”.

Trẻ em thường thích bắt chước hành động của người khác, vì vậy, một trong những phương pháp giúp trẻ cảm thấy thích thú hơn trong việc vệ sinh răng miệng là cha mẹ hãy cùng trẻ thực hiện điều đó. Có thể trong giai đoạn đầu trẻ còn không tập trung, làm chậm hoặc sai cách, cha mẹ hãy kiên trì hướng dẫn con để con dễ dàng thích nghi với một thói quen mới.

Về tần suất đánh răng trong ngày, Richard H. Price – Bác sĩ nha khoa của Hiệp hội Nha khoa Mỹ có lời khuyên dành cho cha mẹ như sau: “Mỗi người, kể cả trẻ em nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần đánh răng ít nhất là 2 - 3 phút. Mẹ đừng để con ưu tiên đánh mỗi răng cửa, hãy dạy bé chia miệng thành 4 phần, mỗi phần đánh 30 giây”.

chăm sóc răng miệng

Chọn kem đánh răng phù hợp

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu khuyên cha mẹ nên chuẩn bị cho con một loại kem đánh răng riêng, không nên dùng chung với người lớn: “Hệ răng của trẻ em khác người lớn nên trẻ không nên dùng kem đánh răng chung với người lớn, vì hàm lượng fluoride không phù hợp. Hơn nữa, kem đánh răng của người lớn quá cay khiến trẻ ngại đánh răng, việc đánh răng vì thế bị phản tác dụng, răng không được làm sạch.”

Vì vậy, khi chọn kem đánh răng cho trẻ, bên cạnh việc kiểm tra hạn sử dụng, cha mẹ cũng đừng quên kiểm tra thành phần hóa chất có trong kem đánh răng, đặc biệt là hàm lượng fluor phải phù hợp với độ tuổi của con. Theo bác sĩ Richard H. Price, trẻ em từ 3 đến 6 tuổi nên chọn kem có chứa hàm lượng fluor từ 200 – 500ppm, từ 6 đến 11 tuổi là 1.000ppm, từ 12 tuổi trở lên là 1.000 – 1.500ppm. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kem đánh răng đa dạng về mùi vị và có hàm lượng fluor tương ứng với độ tuổi của trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của nha sĩ để lựa chọn cho con sản phẩm tốt nhất.

Chọn bàn chải phù hợp với con

Nên chọn bàn chải phù hợp với trẻ để việc đánh răng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Bác sĩ nha khoa Richard H. Price cho biết: “Nếu bạn thấy vòm miệng của con phải mở quá to mỗi khi cho bàn chải vào, đó là do bàn chải quá lớn. Hãy chọn bàn chải vừa vặn với tay và miệng của bé để tạo điều kiện cho việc đánh răng đúng cách”. Trên bàn chải đánh răng dành cho trẻ em thường có ghi rõ độ tuổi thích hợp. Vì vậy cha mẹ có thể dựa vào thông tin này để lựa chọn bàn chải cho con. Ngoài ra, nếu có thời gian, có thể đưa trẻ đi chọn bàn chải yêu thích, điều đó có thể làm con cảm thấy vui vẻ, thích thú hơn trong việc chăm sóc răng miệng của mình.

Dinh dưỡng tốt cho răng miệng

Theo thạc sĩ, bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối rất cần thiết để đảm bảo cho răng bé phát triển với cấu trúc vững chắc. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho quá trình cấu tạo nướu và răng của con. Vì vậy, cha mẹ nên tăng cường bổ sung cho con các nhóm thực phẩm sau:

- Thực phẩm giàu Canxi: Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng. Các thực phẩm giàu canxi như: Sữa, phô mai, tôm, tép, cua, ốc....

- Thực phẩm giàu photpho: Đây là chất khoáng có nhiều thứ 2 trong cơ thể chỉ sau canxi giúp hình thành và phát triển hệ xương răng. Nên cho trẻ ăn thêm các món ăn giàu photpho như: Thịt gia súc và gia cầm, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, các loại đậu…

- Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và photpho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Cha mẹ nên bổ sung trứng, nấm, cá, dầu gan cá... vào bữa ăn hàng ngày của con.

- Thực phẩm giàu Magie: Góp phần trong quá trình khoáng hóa tạo xương, răng. Magie có nhiều trong các loại hải sản biển, cá nước ngọt, các loại đậu đỗ...

- Thực phẩm giàu Vitamin C: Thiếu vitamin C sẽ dẫn đến bệnh scorbut, tế bào ontoplast bị thoái hóa, tủy răng, nướu răng trở nên xốp dẫn đến nướu răng dễ bị viêm loét, dễ chảy máu chân răng và rụng răng. Các thực phẩm giàu vitamin C như: Rau xanh, bưởi, cam, ổi, nước ép cà chua…

- Thực phẩm giàu vitamin A: Đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng. Cha mẹ nên tăng cường cho trẻ ăn các loại thực phẩm như: Gan bò, dầu gan cá, khoai lang, cà rốt, rau bina, bông cải xanh, ớt chuông…

chăm sóc răng

Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung, bác sĩ Dương Công Minh cũng khuyên cha mẹ nên hạn chế cho con ăn các loại bánh, kẹo ngọt, nước ngọt có gas… để ngăn ngừa tình trạng sâu răng.

Bằng cách duy trì các thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách, đều đặn, sẽ giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe và nụ cười tự tin trong tương lai. Đừng quên cho trẻ khám răng 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý liên quan đến răng miệng.

Bình An (t/h)