Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

“Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” - những trang nhật ký chiến trường của thầy giáo thương binh

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, có lẽ “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” là tập nhật ký thời chiến đầu tiên của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” mà tác giả là một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đó chính là nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm (còn có tên khác là Đinh Văn Sai). Ông sinh ngày 31-8-1945, tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân. Tiên Động là một vùng quê rất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Mồ côi cha từ khi còn chưa ra đời, cậu bé Lâm lớn lên cùng người anh trai là Đinh Đắc Khâm và chị gái là Đinh Thị Lai, do một vai người mẹ nghèo làm lụng và nuôi dưỡng. Lớn lên, cũng chỉ một mình cậu bé được ưu tiên đến lớp học hết cấp II. Hồi đó, học hết cấp II, tức là lớp 7, cũng là hiếm ở miền quê này. Đinh Đức Lâm được cử đi học trường trung cấp Sư phạm của Bộ đặt tại Kẻ Sặt, Hải Dương. Thời gian học hai năm, sau khi tốt nghiệp, anh được điều về dạy tại trường PTCS cấp II xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Đấy là những năm 1965 - 1968, đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân đổ bộ vào miền Nam và cho không quân ném bom đánh phá miền Bắc nước ta. Thầy giáo trẻ Đinh Đức Lâm vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 22 tuổi. Mặc dù trong nhà đã có người anh trai Đinh Đắc Khâm vào bộ đội 1965 và đi B năm 1966, nhưng là một đảng viên trẻ, thầy giáo Đinh Đức Lâm vẫn gương mẫu tham gia nhập ngũ ngày 22-6-1968 và lên đường vào chiến trường B đầu năm 1969.

nho dem cong ban lac rung nhung trang nhat ky chien truong cua thay giao thuong binh
Bìa cuốn nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng kể lại, sau 5 tháng đi bộ hành quân vượt Trường Sơn, vòng qua Lào, Campuchia… Đinh Đức Lâm đã cùng đồng đội vào tới B2, tức chiến trường miền Đông Nam Bộ. Họ được biên chế vào đơn vị C10, E59C, Sư đoàn 9, có mật danh hồi đó là “Công trường 9”, một trong những Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam.

Vừa đặt chân đến mặt trận B2 chưa được bao lâu, Đinh Đức Lâm đã cùng đơn vị liên tục tham gia 5 trận chiến đấu với địch và nhiều lần giáp mặt với cái chết.

Đêm ngày 21-7-1969, sau một trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, Lâm bị lạc rừng. Anh phát hiện ra chiến sĩ Lê Văn Thụ, quê Thái Bình cũng đang bị lạc như mình. Nhưng gay go nhất là Thụ bị đạn bắn gãy chân, không thể đi được. Với tình đồng đội, Lâm đã không nỡ bỏ Thụ lại trong rừng. Anh tình nguyện cõng Thụ và tìm cách vượt qua vòng vây của thám báo Mỹ trở về đơn vị. Nhưng họ đã bị lạc tới 3 đêm liền trong khu rừng đầy thám báo Mỹ và những ổ phục kích của địch. Rồi cuối cùng, nhờ dũng cảm và mưu trí, hai người đã tìm thấy đồng đội và trở về đơn vị an toàn. Đó cũng chính là cái tứ cảm xúc, để sau này chúng tôi đặt tên cho tác phẩm nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” (tên sách do nhà văn Đặng Vương Hưng đặt).

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, là chỉ hơn một năm sau, vào ngày 8-11-1970 chiến sĩ Lê Văn Thụ đã anh dũng “hi sinh tại Mặt trận phía Nam”. Nhưng đến nay, thân nhân gia đình của liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt.

Đêm ngày 29-3-1970, trong một trận chiến ác liệt với một đơn vị lính Mỹ tại trảng Bà Điếc, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, đến lượt Trung đội phó Đinh Đức Lâm bị thương nặng. Trận đánh đã kết thúc thắng lợi, Lâm cùng đơn vị rút vào rừng. Tổ của họ có 3 người: Đinh Đức Lâm, Đặng Đình Kiền và một chiến sĩ tên là Lý rút cùng nhau. Họ đã vào sâu trong rừng, nhưng bọn địch vẫn bắn súng cối theo. Không may, một quả đạn cối nổ chỉ cách tổ 3 người có vài mét. Chiến sĩ Lý bị mảnh xuyên trúng ngực, hi sinh ngay tại chỗ. Lâm bị mảnh đạn chém hở xương cánh tay trái, cụt một ngón bàn tay phải và 2 vết thương sau lưng…(sau này khi giám định, Đinh Đức Lâm được xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 45% và được công nhận là Thương binh chống Mỹ loại 3/4. Đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 3).

Qua những trang nhật ký của thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm, chúng ta có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng, sẽ được cứu chữa và chăm sóc chu đáo như thế nào, nếu không may bị thương.

Đặc biệt, nửa sau của nhật ký đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân bộ, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc phải đi qua những chặng đường nào, dòng sông nào, dừng chân nghỉ ở những Binh trạm đón tiếp nào… Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến mà nhà văn Đặng Vương Hưng và nhóm biên soạn đã biên soạn trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Nam. Thì đến nhật ký của thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc!

Nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” được tác giả Đinh Đức Lâm ghi chép từ ngày 21-7-1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3-3-1973. Đó chính là một ngày vui, khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm không hi sinh như Giấy báo tử của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ngày 3-2-1972 thông báo và chính quyền địa phương cũng đã trang trọng làm lễ truy điệu. Sự thật là ông Đinh Đắc Khâm đã bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, rồi bị địch bắt làm tù binh. Ông Khâm đã bị địch giam giữ 5 năm 7 tháng, tổng cộng là 2.049 ngày, mà phần lớn là ở Trại tù binh Phú Quốc. Đầu năm 1973, tù binh Đinh Đắc Khâm đã được phía chính quyền Sài Gòn trao trả theo Hiệp định Paris.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của ông Đinh Đắc Khâm, cựu tù binh Phú Quốc, anh trai của tác giả Đinh Đức Lâm; được sự thống nhất của gia đình, nhóm biên soạn đã đưa vào phần sau của nhật ký một tự truyện, có tựa đề là “Một liệt sĩ sống lại”.

Bạn đọc sẽ thật sự bất ngờ, khi biết rằng: tác giả của tự truyện này chưa hề đến trường một ngày nào. Mãi tới năm 12 tuổi, ông mới tự đi học mót vỡ lòng ở nhà một người hàng xóm tốt bụng. Khi vào bộ đội, ông khai văn hóa lớp 4, vì tự thấy mình đã biết đọc và biết viết. Mà lạ kỳ là chữ ông Khâm viết rất đẹp, lại rất chuẩn về ngữ pháp và chính tả. Nhất là khi đã là một tù binh trong Trại giam Phú Quốc, trong điều kiện lao tù, ông Khâm vẫn đều đặn dành mỗi ngày hai tiếng đồng hồ tự học văn hóa, hoặc đọc truyện Kiều. Ông tâm sự: Bây giờ nghĩ lại sao ngày ấy mình có nghị lực thế, giữa cái sống, cái chết cận kề mà lại cứ học hành được, học thuộc lòng cả “truyện Kiều” 3.254 câu, thuộc lòng “Chinh phụ ngâm” 476 câu… Rồi học lịch sử Việt Nam các triều đại, niên đại, bây giờ ông vẫn nhớ được thứ tự từ cổ đại, trung cổ và đến hiện đại…

Không riêng ông Khâm, mà nhiều anh em tù binh khác đã động viên nhau: Gắng học để quên thời gian, nhưng nếu sau này may còn sống thì cũng sẽ có ích cho bản thân!