Banh Trung Thu Windsor

TẾT VIỆT

Người Việt khi xưa chơi gì dịp Tết

Tết Nguyên Đán là ngày lễ cổ truyền thiêng liêng, trọng đại, mang nhiều ý nghĩa, là dịp chúng ta cần thể hiện những tập quán cổ truyền quý báu của dân tộc mình. “Tết Việt” sẽ cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều về “Tết” từ Bắc vào Nam .

Dân ta có nhiều cuộc giải trí lành mạnh, những cuộc vui xuân đầy ý nghĩa để nâng cao tinh thần đạo đức, thượng võ...

Dân ta có nhiều cuộc giải trí lành mạnh, những cuộc vui xuân đầy ý nghĩa để nâng cao tinh thần đạo đức, thượng võ không thua gì các cuộc vui hay các trò chơi của nhiều dân tộc khác từ Đông qua Tây. [...]

tro choi dan gian anh 1

Hát ả đào trong tranh của Bùi Trọng Dư.

Những trò giải trí của bình dân trong ngày xuân không nhiều lắm, thực ra các trò như bơi trải, đánh vật, hát tuồng, hát chèo, hát ả đào, ca vũ, đánh phết cũng có thể bày ra vào những tháng khác để cả làng liên hoan (tháng tám dân quê cũng rảnh rỗi nên cũng hay bày trò vui để thưởng thức với nhau). Người dân quê vốn ít được giải trí đã cất công từ làng này qua làng khác, phủ này qua huyện khác, có khi cách nhau hàng mấy chục cây số cũng tìm đến, đủ hiểu sự thèm khát của bà con dân quê như thế nào.

Hầu hết đình đám hội hè ngày xuân không đâu thiếu món thi “Vật”, nhất là ở tỉnh Vĩnh Yên. Vật là môn chính cũng như ở Bắc Ninh có hội là phải có cây đu và ca hát cho trai thanh gái lịch. (Theo Phong lưu đồng ruộng của Toan Ánh).

tro choi dan gian anh 2

Đấu vật trong tranh dân gian Đông Hồ.

Vật là môn đứng đầu hàng. Võ sĩ ai nấy đều phải sở trường môn này, được tập luyện nhiều cho dẻo dai lại phải có sức khỏe. Tuy nhiên võ sĩ muốn thắng địch không phải khỏe, dẻo dai mà đủ, còn cần có những thế hiểm, miếng hay mới hạ được đối phương. Nguyên tắc của trò vật cũng như nghề võ là phải nhử địch thủ vào thế yếu thì làm ngã địch rất nhẹ nhàng, nghĩa là nhè địch có chỗ sơ hở thì khẽ gẩy địch cũng nhào. Do đó, ta thấy các đô vật hạng “ruồi” thắng những tay đô vật hạng nặng là thường.

Môn đấu roi (Trung bình tiên) xưa kia rất thịnh hành ở Bắc Việt nhưng gần đây môn này được phổ biến hơn từ Thanh Hóa trở vào. Chơi trung bình tiên gọi nôm na hơn là đánh gậy. Phải có hai người đấu với nhau. Gậy dài trên ba thước, đầu có quấn giẻ tẩm vôi trắng để đánh dấu vào mình đối phương. Ai bị nhiều dấu trắng tức là bị trúng đòn nhiều, là thua.

Môn “vật cù” giống môn bóng rổ ngày nay của Tây phương. Người chơi cũng chia ra hai toán không quản bùn lầy lấm láp, tranh nhau quả cầu bằng gốc tre sơn để ném lên rổ của phe đối lập, thường treo trên một ngọn tre cao vút.

Môn “đánh phết” là môn thể thao rất sở trường của dân làng Phù Đổng (tỉnh Bắc Ninh) và làng Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ), cũng tương tự khúc côn cầu (hockey) ngày nay. Người chơi cũng chia ra hai phe: mỗi phe cầm một cái gậy tre đầu uốn cong để đẩy trái cầu bằng gốc tre vào lỗ đối phương canh giữ.

Người ta còn tổ chức các cuộc kéo dây, chạy thi, bắn nỏ, bắn bia bằng súng kíp. Cuộc thi bắn bằng súng kíp chỉ có ở trên các bản Mường như làng Đồng Lạc, châu Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa). Các làng ở ven sông hay có cuộc thi bơi trải. Thuyền dùng vào việc bơi trải là những con thuyền ghép bằng ván gỗ hình thoi rất nhẹ nhàng và dài năm bảy thước là ít.

Tay chèo mỗi bên sườn thuyền cũng tới năm bảy người, đầu quấn khăn đỏ, khố đóng ngang lưng. Mỗi người cầm một tay chèo đẩy, chèo nhanh như máy mà tiến lên. Mỗi lần thi có tới một hai chục chiếc. Người đứng hai bờ sông vỗ tay reo khuyến khích. Trên mặt sông người dự thi cũng reo ầm ĩ trong những chiếc thuyền đua nhau lao trên mặt nước nhanh như tên đã gây nhiều sự hứng thú và vui vẻ như các cuộc đua xe máy, đua ngựa ở đô thành.

Giải thưởng cũng tùy theo khả năng của làng. Người ta thường chú ý đến phần danh dự hơn là thích ăn thua về tiền bạc. (Xưa kia giải thưởng thường là một vài quan tiền, vài vuông lụa hay nhiễu điều, có khi là một cây ô, v.v.) khán giả đứng ngoài đánh cá với nhau tiền trăm bạc chục như đánh cá ngựa ngày nay.

Lại có những trò chơi mà người ta bày đặt ra để thử tài thông minh hay sự mau trí khôn cũng được dân chúng rất hưởng ứng và hoan nghênh.

Xin kể cuộc thi thổi cơm hay thổi xôi.

Có hai lối thi: thi cá nhân và thi tập thể. Người dự thi phải chạy cho nhanh đến giếng nước để lấy nước hay cướp cho được một lọ nước đã múc sẵn. Việc tiếp là kéo lửa bằng nòng tre hay giang rồi thì giã thóc ra gạo. Cuối cùng mới là việc nấu cơm (Tục này ở làng Thị Cấm, tỉnh Hà Đông).

Ở nơi khác (làng Chuông, cũng thuộc Hà Đông), người ta còn bày ra nhiều sự oái oăm hơn là nấu cơm trên mặt nước, ăn mía lấy bã làm củi. Người dự thi ngồi trên chiếc thuyền thúng có mấy chiếc que diêm nhất định và một bó rơm bơi ra chỗ có đóng chiếc cọc tre ngoài ao. Các cọc này nhô đầu lên khỏi mặt nước chừng nửa gang làm đòn rau. Người thi thổi cơm phải vừa làm sao cho thuyền khỏi trôi, lại vừa phải vo gạo, nhóm lửa. Đấy là cuộc thi dành cho đàn ông.

Còn cuộc thi dành cho đàn bà gồm mấy việc sau đây: ăn mía để lấy bã làm củi, phải ẵm hay dỗ một đứa nhỏ chưa biết đi, phải chăn một con cóc buộc ở sát bếp sao cho nó không nhảy ra ngoài vạch vôi đã vẽ theo hình tròn trên mặt đất, gần chỗ thổi nấu...