Chiều nhập nhoạng. Sài Gòn bất chợt đổ mưa. Những cơn mưa cứ đến đi vội vã. Để lại những thớ xộc xệch, hỗn độn, những tiếng xuýt xoa rất mùi.
Ngày ngày, trên lối nhỏ, trong bộ đồ mưa không mấy tươm tất, một túi xách đeo lỉnh kỉnh bên hông cùng xấp vé số dày cộm trên tay, gã lần mò men theo con đường bê-tông nhỏ lủi thủi trở về nhà.
Ở cái tuổi ngoài 70, gã vẫn còn mang trong mình vẻ đẹp kiêu sa cùng sự tinh anh, mặn mà không lẫn vào đâu được. Và nếu như không vì cái chất giọng đặc quánh, sắn chắn thì có lẽ cũng chẳng mấy nhận ra gã là đàn ông “dỏm”.
Gã bắt chuyện mình trong miền ký ức đứt quãng, không liền mạch. Đôi khi cũng chỉ biết cúi đầu rồi lặng mình. Gã trầm tính, ít nói, tâm sự lại càng không. Thế nên, chuyện đời cũng chẳng ai tường là mấy.
Cha mẹ sinh ra gã cũng là thằng đàn ông như bao thằng đàn ông khác. Bao chuyện lớn nhỏ, chuyện nặng nhọc gì hễ đàn ông khác làm được thì gã cũng làm được.
Thuở xíu xiu, gã luôn nghĩ mình là ca sỹ. Lớn lên một chút, lại ưa được sửa soạn son phấn lòe loẹt. Khi biết cái chữ, gã bắt đầu thích rồi thương con trai tự lúc nào không hay. Nay, khi đã biết qua bao chông chênh cuộc đời, lại thấy đau đáu cái thời đã qua khi không được thoải sức sống hết mình.
May thay, cũng nhờ trời thương phú cho giọng hát, lại thêm gương mặt thanh tú nên thời ấy gã thi thoảng được mời đi ca hát đám cưới. Lúc đầu, gã cũng sờ sợ nhưng rồi cùng dần quen. Nhưng càng về sau, gã càng hiển hiện và lộ liễu hẳn vẻ nữ tánh, khiến bao người gièm pha. Họ đâu dễ chấp nhận kiểu người kỳ dị như vậy.
Và rồi, dòng đời nổi nênh, khi đã quá nặng nề với những miệng lưỡi thiên hạ, gã giã từ quê nhà, cha mẹ đi nuôi ước mơ của mình. 13 tuổi, gã đã theo những gánh hát lô-tô lang bạt tứ xứ. Chỉ một năm, gã trở thành đào chánh gánh lô-tô số 1 xứ Nam Kỳ.
…Rồi chắt chiu từ chục năm đi hát, cuối cùng, gã đi chuyển giới, thực hiện được ước mơ làm phận con gái thực thụ.
Có lẽ, với gã, trăm nghìn cay đắng của phận bê-đê bóng gió đều đã bước qua. Có hôm vừa hát ván sân khấu gãy sụp. Có hôm trở trời, mưa gió sấm sét, mấy chị em mỗi người đội một miếng bạt phong phanh ngồi co ro dưới gầm sân khấu ướt nhèm. Hay có hôm ra đường, bị mấy đứa con nít ném đá, chỉ tay nhe răng cười hả hê gọi “bê-đê” này, “bê-đê” nọ. Thấy vậy cũng chỉ biết lẳng lặng bỏ đi, không dám nói một lời.
Đang kể, gã tự dưng rơi nước mắt. Những giọt nước mắt xót xa, luyến tiếc. Chỉ có gã mới hiểu. Dường như, trong cái đượm buồn ấy, cái màu nghề ở gã vẫn còn đó, chưa bao giờ tắt ngủm. Lắm lúc trong cuộc chuyện trò, gã lại ngân lên vài đoạn kêu cờ ngắn, đứt quãng nghe mà mủi lòng, mùi đến khó tả.
Đời đã bạt thì đến chuyện tình duyên cũng chả khá chi. Gã chỉ biết ngậm ngùi, khuôn mặt héo đi một chút khi nhắc đến chữ yêu. Bởi theo gã, cuộc sống của những cô đào hát lênh đênh nay đây mai đó nên chả bao giờ dám nghĩ cho mình về một bến đỗ có thể neo đậu. Có thương nhau cũng được một tháng, vài tháng, lâu lắm cũng được năm rồi dứt, không thì tình một đêm là xong. Đã trót mang phận này thì đành chịu. Có lẽ, đời bóng gió bạc phước cũng nên?.
Gã lại cười nhạt… Có những lúc những tưởng đời đẹp như mơ, khi đã ở ngưỡng danh lợi ai cũng thèm khát thì gã đột ngột ngã bệnh, rồi phế nửa người, đành phải giã từ nghiệp hát, mất hút trên những sân khấu lô tô, khiến bao người tiếc hùi hụi. Ít lâu sau đó, gã về hẳn Sài Gòn, sống đời lầm lũi, cô độc.
Nửa đời phiêu bạt là vậy. Gã đã “bán” tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất cho những đêm hội lập lòe lẫn tiếng nhạc xập xình sân khấu. Bởi hơn ai hết, gã hiểu rằng chỉ có gánh hát lô-tô thì những phận bóng gió như gã mới được sống với chính con người mình. Và cũng bởi lẽ, nhờ mớ ánh sáng chớp nhoáng cùng tiếng nhạc sặc sỡ ấy mới làm nên dáng vóc một đào chánh trứ danh như gã một thời.
Với gã, một đời thong dong từ Nam chí Bắc trên những sân khấu chắp vá đơn sơ và cả khi đã là nổi danh, gã vẫn đau đáu một nỗi chưa bao giờ nguôi về quê nhà, nơi có bóng hình cha mẹ. Thời đó miệng lưỡi thế gian cũng lắm khắc khe. Họ dị nghị cũng dễ hiểu thôi. Gã đành lỗi hẹn với cha mẹ về một nàng dâu thảo hiền.
Và cũng bởi lẽ, một thời hoàng kim đã qua, chẳng còn cơ hội nào đứng sân khấu, gã cũng tự ém nhẹm cái tên của một đào hát lừng lẫy một thời của mình. Vậy mà, lắm lúc nghe hai chữ lô tô, lòng gã lại cồn cào, xao xuyến.
Về Sài Gòn, duyên may, gã lại gặp lại một người bạn thuở ấu thơ hơn 60 năm trước từng thương thầm nhớ trộm mình. Đó là một người trạc tuổi, cũng có hoàn cảnh na ná. Cả đời đi ở thuê cho nhà người ta, cũng chẳng còn gì trong tay. Ấy vậy mà hai phận già lại rủ nhau dìu về ở chung. Ở chung, nhưng gã cũng chả rõ họ và tên người ấy là gì, chỉ biết là bà Hai.
Có bà Hai nay khi đã ở tuổi xế chiều, già nua, bệnh tật, lại chẳng tiền bạc, con cái, nhà cửa, lâu lâu gã chỉ biết chia ngọt sẻ bùi cùng người bạn già tên Hai kia.
Hay thay, họ sống với nhau là vậy, chẳng máu mủ ruột rà, chẳng nghĩa phu thê, chỉ là người dưng, nhưng đã đến với nhau, chỉ đơn giản là vì cái nghĩa, cái tình tuổi già quạnh quẽ. Như người đời thường nói “gặp nhau ở chữ duyên, bên nhau ở chữ nợ, khi đã phải lòng nhau thì đến với nhau vô điều kiện”. Có lẽ đó cũng là lý do mà họ đã thành tri kỷ.
Vậy là gã đã sống tận hai cuộc đời. Một đời người cho mình. Và một cuộc đời cho người khác. Cho gã trên sân khấu một thời, với diện mạo một đào chánh trong những đêm nhạc xập xình ở một miền đất lạ nào đó. Cho người khác, cho một gã, một lão già lộm khộm bán vé số vẫn ngày ngày đơn độc hoặc đã chết đâu đó cũng nên.
Đêm nay Sài Gòn tiếp tục mưa. Tiếng mưa nặng hạt mang theo những lời thỏ thẻ của đôi già tri kỉ. Ấy vậy mà, gã vẫn luôn tự nhủ lòng “mình hãy còn may mắn chán!”. Bởi, bên gã lúc này vẫn còn bà Hai nhỏ to đêm đêm…
“Nè ông, tui giăng mùng rồi tắt điện nghen!”
“Ừ, nè!”