Út quyết định theo ngành sư phạm tiếng Anh vì hoàn cảnh gia đình nghèo sẽ không tốn tiền đóng học phí, bù lại cơ hội ngành ngoại ngữ đang ngày càng rộng mở hơn. Ngoài ra, có một lí do rất đáng yêu là Út muốn nối tiếp ước mơ dang dở làm nghề “gõ đầu trẻ” của mẹ. Ước mơ ngày đó của mẹ đã được Út hiện thực hóa.
Đây là câu chuyện của gia đình tôi với những kỉ niệm của một thời nghèo đói, cùng chia nhau từng chút ngọt bùi nhưng thật đáng nhớ. Trong đó em gái Út là điểm nhấn, là đóa hoa hướng dương thơm tho và mạnh mẽ nhất.
Kiếp sống tha hương và những thăng trầm...
Nhà tôi quê ở Thanh Hóa, cũng giống như nhiều gia đình khác ở Bắc Trung Bộ khác, chúng tôi có điểm chung là cuộc sống thuần nông, nhà đông miệng ăn và sợ mùa đói giáp hạt. Những bữa cơm độn sắn, độn khoai trong mùa giáp hạt đó là chuyện thường xuyên. Mấy anh em tôi luôn được ba mẹ nhường phần cơm, đấng sinh thành ăn phần sắn và khoai lang, để các con no lòng nhất có thể.
Những năm 1980 – 1990 kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, đôi mảnh ruộng trồng khoai, trồng lúa nên không đủ ăn giáp hạt. Sau những đêm dài trăn trở, ba mẹ tôi đã bàn bạc với hai bên nội – ngoại xin được rời quê đi làm kinh tế mới ở phía Nam theo thông tin từ báo đài hướng dẫn và lời kêu gọi của bạn bè đi trước đó.
Tôi vẫn nhớ như in ngày ra đi ông bà khóc cạn nước mắt vì thương con, thương cháu. Trên chuyến tàu hàng rời xa nơi chôn rau cắt rốn ba mẹ đều mất ngủ, mắt lúc nào cũng đỏ hoe, còn mấy đứa trẻ cứ luôn miệng: “Ba mẹ ơi, mình đi đâu thế?”, “Ba mẹ ơi, mình đang ở đâu vậy ạ?”!
Nơi ở mới của gia đình là xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Cả nhà xin tá túc ở một mảnh rẫy của người đồng hương đang trồng hoa màu. Ba má dựng nhà cấp bốn với tre nứa, cây tràm bông vàng làm trụ cột, hỗn hợp đất bùn với rơm rạ làm tường và lợp mái nhà bằng cỏ tranh. Mái tranh nghèo ngày đó là nơi trú ngự mới của năm con người và một giọt máu đang thành hình trong bụng mẹ.
Nới đất khách để có đủ miếng cơm manh áo, có tiền mua sách vở, dụng cụ học tập và cho các con được đến trường như chúng bạn cùng trang lứa thì ba mẹ tôi cật lực bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó là những ngày nắng cháy da ba mẹ chui rúc trong rẫy mía làm cỏ, chặt cây, xịt thuốc, dọn lô làm đồng mà mồ hôi chảy ra ướt như tắm. Rồi những ngày mưa thối đất thối cát cả hai cần mẫn cấy lúa, trồng rau, đơm cá ở triền sông Đồng Nai để tăng thêm thu nhập, bữa cơm con trẻ có thêm miếng thịt tươi. Ấy vậy mà niềm vui, tiếng cười vẫn rộn rã vang lên vì dù sao không phải ăn cơm độn khoai, độn sắn nữa.
Người em Út sanh non, cứ ngỡ tật nguyền một đời…
Vậy mà ông trời khéo thử lòng người, trong một lần khai hoang đất mới, mẹ tôi cuốc trúng một thùng hóa chất của thời chiến tranh sót lại, hệ quả em Út tôi sanh non khi chỉ mới 32 tuần tuổi. Cuộc sống đã khó khăn nay nhân lên gấp bội, bé Út nằm lồng kính gần năm trời, kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau, thực sự cùng cực.
Ngày đón em về với mái tranh nghèo là nước mắt lăn dài của tất cả các thành viên. Ai cũng vui sướng vì cứu được em là một kì tích, một phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực không biết mệt mỏi của đấng sinh thành.
Trong hoàn cảnh “không còn gì để mất” đó mấy anh em tôi đều cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ. Những tấm giấy khen, bằng khen, những chồng tập vở cao vút, những bộ đồ thơm phức, những chiếc xe đạp và những phần học bổng bảo trợ cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi là minh chứng rõ ràng nhất, đẹp lòng nhất các con sống hiếu lễ với ba mẹ.
Ngày đó, trong tận đáy lòng, điều mà nhà tôi mong muốn nhất khi bé Út lên năm tuổi là em có thể đi lại. Ước muốn đó đau đáu mỗi ngày nhìn thấy em lê la đi lại với đầu gối đầy đất cát và hai chiếc ghế gỗ kẹp tay làm chân giả. Út được cứu sống vì sinh non nhưng thể chất của em yếu quá. Lên ba tuổi em mới biết bò, bốn tuổi em mới tập nói, đôi mắt em thị lực cũng không tốt. Thương con gái thiệt thòi nên ba mẹ chạy vạy khắp nơi xin bài thuốc chữa bại liệt, bữa cơm ngày nào cũng có thịt cóc, thịt ếch nấu cho em ăn cứng xương khớp với hi vọng còn nước còn tát.
Mùa mưa năm 1999, gia đình tôi có 2 sự kiện không bao giờ quên được. Một là những cơn bão gây lũ lụt, mưa to gió lớn khắp dải đất miền Trung, trong đó có quê nghèo Thanh Hóa nước ngập tận mái nhà. Và hai là niềm vui như trúng số đặc biệt vào buổi trưa một ngày tháng 9, Út tự vịn tay vào bờ tường và có những bước đi đầu đời. Trong giây phút kì diệu đó, mọi thử thách, nỗi buồn tủi, cảm xúc tiêu cực đều bị xóa nhòa hết... cả nhà ôm nhau khóc nức nở vì hạnh phúc.
… Giờ em đang sống như đóa hướng dương ngát hương và mạnh mẽ!
Giờ đây, Út của ngày xưa gầy còm đã là một thiếu nữ xinh xắn, một cô giáo tiếng Anh với cuộc đời mới tự lập và đầy tự tin. Út quyết định theo ngành sư phạm tiếng Anh vì hoàn cảnh gia đình nghèo sẽ không tốn tiền đóng học phí, bù lại cơ hội ngành ngoại ngữ đang ngày càng rộng mở hơn. Ngoài ra, có một lí do rất đáng yêu là Út muốn nối tiếp ước mơ dang dở làm nghề “gõ đầu trẻ” của mẹ. Ước mơ ngày đó của mẹ đã được Út hiện thực hóa.
Những năm là sinh viên Út miệt mài với chiếc xe đạp lóc cóc thân gầy đạp xe đi dạy thêm khắp hang cùng, ngõ hẻm. Với gia đình chúng tôi và với Út thì lao động chính là cách ngắn nhất tạo nên giá trị của con người. Những chuyến về nhà ăn bữa cơm cùng anh em, ba mẹ lúc nào cũng rộn rã tiếng cười khi thấy Út khỏe mạnh và đã ra dáng người lớn. Những khoản tiền tiết kiệm của anh chị gửi động viên Út tập trung học tập là gam màu đẹp nhất của sức mạnh gia đình. Ngày tốt nghiệp, nụ cười của Út đầy hạnh phúc, nụ cười ấy chưa bao giờ phai trong tâm tưởng của các thành viên trong nhà.
Út của hiện tại là Leader của một hệ thống Anh ngữ 20 chi nhánh có thâm niên hai mươi năm ở Bình Dương. Cũng như bao ngành nghề khác dịch Covid-19 trở thành thách thức lớn nhất, bé Út lại ở một mình khiến cả nhà ít nhiều lo lắng. Đáp lại tất cả Út vẫn mỗi ngày cập nhật qua mạng xã hội, qua điện thoại, qua email tình hình của mình đầy lạc quan với niềm vui tuy nhỏ mà lớn lắm là: “Miss Mai Nhung đã có thẻ xanh sau khi được tiêm hai mũi vắc xin quý giá của nhà nước”.
Mỗi ngày, Út vẫn cùng với team của mình dạy học trực tuyến, tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, lan tỏa những điều tích cực đến với học viên, gia đình và mọi người xung quanh theo cách riêng. Sáng nay thấy Út chụp hình gửi trong nhóm zalo gia đình với niềm vui nơi mình sống sắp chuyển màu thành vùng xanh. Út cũng vừa gom được mấy phần gạo, rau củ, thịt cá chia sẻ với mọi người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mà thấy tự hào về Út quá.
Rõ ràng cuộc đời mỗi con người không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng sống như thế nào là lựa chọn của mỗi cá nhân. Tôi muốn viết về em gái mình để chia sẻ tình yêu thương, chia sẻ những khoảnh khắc quý giá, không bao giờ quên bên mái ấm gia đình. Và để lan tỏa quan niệm sống của em: “Hãy là đóa hướng dương ngát thơm, hướng mình về phía mặt trời và luôn luôn vươn sống đầy mạnh mẽ”.
Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.
Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.
Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY
Trần văn tiến
00:01 10/12/2021
Em gái Mai Đức Dũng chứ đâu
Liên Dương
17:14 07/12/2021
Câu chuyện rất ý nghĩa về tình thần vươn lên và lạc quan