Tri ân Nhà giáo

Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!

Nổi tiếng là ông chủ của thương hiệu xe đạp Martin 107 hàng chục năm qua, nhưng ít ai thấy nhà thơ Lâm Xuân Thi lên tiếng về câu chuyện kinh doanh.

Với nhiều người yêu thơ, Lâm Xuân Thi được biết đến với nhiều bài thơ hay, và đặc biệt là người tạo nên Quỹ tình thơ ấm áp. Ngoài việc kinh doanh, niềm đam mê lớn của anh chính là thơ và nhạc.

“Dưới góc độ nhà thơ, Lâm Xuân Thi là một tác giả “lạ”, vì anh làm thơ đã trên 30 năm và từng được trao “Tặng thưởng thơ hay” của tuần báo Văn nghệ TP.HCM năm 1990. Vậy mà đến nay anh vẫn chưa in tập thơ cá nhân nào. Anh hay vin vào rất nhiều những “lý do” như: Thơ chưa hay, thơ hiền quá, thơ ngắn quá… để “né” cho bằng được chuyện in tập thơ riêng.

Đọc những tác phẩm của anh, tôi thấy thơ Lâm Xuân Thi cũng lành như chính con người chừng mực của anh. Anh thường làm thơ tình, những bài nhỏ và trong sáng từ ngôn ngữ đến cấu tứ. Nhưng thỉnh thoảng Lâm Xuân Thi cũng “xung trận” xông xáo vào những đề tài thế thái nhân tình, khi ấy thơ anh nhiều ẩn ngữ, ẩn ý hơn, nhưng vẫn là một Lâm Xuân Thi giản dị, chân thành…” (Nhà thơ Hồ Thi Ca).

Thơ Lâm Xuân Thi thể hiện đầy đủ các cung bậc của cảm xúc, tình cảm. Những xao động trong tâm hồn trước cuộc sống đã được nhà thơ ghi lại một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, thoải mái. Vì thế, đôi lúc người đọc cứ tưởng anh đang trò chuyện chứ  không hề cố ý làm thơ. Những câu thơ như thế cứ lặng lẽ ra đời. Đọc thơ Lâm Xuân Thi, người ta vừa thấy cái triết luận vô cùng sâu sắc nhưng cũng vô cùng bình dị bởi những hình ảnh, giọng điệu, ngôn ngữ rất mực gần gũi, thân quen. Thành công trong thơ Lâm Xuân Thi phải chăng bắt đầu từ những sự kết hợp như vậy.

tho-1729672372.jfif
Tập Thơ ca 2- Lá Bài (Tuyển tập Thơ -nhạc: Thơ Lâm Xuân Thi; Nhạc: Hoài An, Hoài Phúc)

Đọc thơ Lâm Xuân Thi, người đọc phần nào cũng hiểu rõ hơn về con người và tính cách của anh. Một con người luôn làm những điều thiện lành, luôn quan tâm đến bạn bè, những người xung quanh. Ở đó, nhà thơ vẫn lặng lẽ san sẻ, giúp đỡ hết mình bằng khả năng và tấm lòng hồn hậu. Với anh, mọi thứ, mọi việc làm đều lặng lẽ, lặng lẽ không cần phải hô hào, khuếch trương, đánh bóng. Tất cả và trên hết là vì tình người, vì những giá trị nhân văn, nhân ái. Người ta trân trọng, quý mến và ngưỡng mộ Lâm Xuân Thi là vì lẽ ấy.

Phẩm hạnh, cốt cách của một người như anh đã thể hiện rõ nét trong thơ. Thơ Lâm Xuân Thi viết ra bao giờ cũng dạo dào cảm xúc. Cảm xúc được chắt lắng trước cuộc đời, con người, thế sự, tình yêu... Không hô hào, không tuyên ngôn, không đề ra những quan điểm sáng tác nhưng ngôn từ trong thơ Lâm Xuân Thi viết ra rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Đó là sự chỉn chu chứ không theo kiểu “làm dáng” và chạy theo phong trào. Nhiều bài thơ của anh đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và trở thành những ca khúc hay được nhiều người yêu thích như: Dòng sông tím, Chưa, Những ngày Sài Gòn, Lá bài, Ngồi kế bên người, Không phải mùa hè, Bạn, Gửi đến em, Ước mơ xuân...

Tính đến thời điểm hiện tại, hai anh em nhạc sĩ Hoài An và Hoài Phúc đã cho ra 2 Tuyển tập "Thơ Ca" được trình bày với hình thức đẹp là tuyển tập thơ - nhạc với đầy đủ 25 ca khúc và bản ký âm, bìa cứng, CD, có mã QR để tải nhạc số, phổ nhạc từ các bài thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi được đăng tải trên Facebook trong thời gian vài năm trở lại đây.

Thế nhưng, như đã nói ở trên Lâm Xuân Thi là người sống lặng lẽ, kín tiếng; thơ và đời dường như hòa làm một -“vẫn cứ miệt mài, bền bỉ, lặng lẽ tỏa hương”. Anh tự thức một cách sâu sắc rằng:

Thà để anh làm một kẻ vô danh

Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng

Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm

Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân

Lâm Xuân Thi biết tự nhận ra chính mình, tự khẳng định chính mình, khẳng định bản lĩnh của một cái tôi khiêm tốn, giản dị, sâu lắng và tràn ngập yêu thương. Cái tôi ấy đang tự đối thoại với bản thân, đối thoại với tha nhân bằng cảm xúc trữ tình man mác, kiếm tìm, lắng đợi...

Lâm Xuân Thi ý thức rất rõ về thời gian, tuổi thanh xuân và đời người. Càng ý thức rõ anh càng lại cảm thấy mình mắc nợ. Cái nợ ấy muôn hình vạn trạng, cái nợ ấy điệp điệp trùng trùng. Và vì thế không thể nào trả hết!

Tứ thơ của bài Thanh xuân thể hiện tâm trạng khắc khoải, lo âu tiếc nuối khi tuổi thanh xuân một đi không trở lại, nhà thơ kêu lên trong thảng thốt: “Thanh xuân mất rồi”. Điệp khúc Ta còn nợ/ Ta nợ: đó là sự đa mang thổn thức vì khát vọng thì nhiều mà khả năng của bản thân và thời gian của tuổi thanh xuân, thời gian của đời người lại hữu hạn.

Thanh xuân mất rồi/ Ta còn nợ tinh khôi/ Ta nợ thời xa vắng/ Ta nợ thuở xa xôi/ Thanh xuân mất rồi/ Ta còn nợ lứa đôi/ Ta nợ vòng tay ấm/ Ta nợ một làn môi/ Thanh xuân mất rồi/ Ta còn nợ đơn côi/ Ta nợ ngày hiu hắt// Ta nợ chiều lẻ loi/ Thanh xuân mất rồi/ Ta còn nợ sinh sôi/ Ta nợ ngày mưa gió/ Ta nợ chiều mây trôi...

Dẫu biết vậy, nhưng trong tâm hồn của chủ thể trữ tình “ta” vẫn chưa lúc nào thôi khao khát, ước mơ. Vốn là một người nặng nợ với đời, với người nên nhà thơ sẽ luôn mang trong mình nhiều món nợ và những món nợ ấy anh phải trả và trả đến suốt cuộc đời. Nhưng tôi tin chắc rằng, anh sẽ không thể nào trả hết mà anh sẽ còn phải nợ đến cả mai sau...

Tiếng nói trong thơ trước hết là tiếng lòng của nhà thơ và tiếng lòng ấy chắc chắn cũng là ước muốn của rất nhiều người. Trước cuộc sống thời hiện đại với bao nhiêu bề bộn, phức tạp bởi con người phải chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nhiều thứ; hệ giá trị và những chuẩn mực bị chao đảo. Trong sự quan sát, cảm nhận về đời sống thế sự ta lại bắt gặp một tâm hồn đa cảm, tấm lòng nhân hậu, dào dạt yêu thương của Lâm Xuân Thi. Giờ đây nhà thơ lại cầu xin. Sự cầu xin này không phải cho riêng bản thân anh mà là cho tất cả...

635b1a89-89cf-4015-9b8f-d6efbdaeafea-1729695960.jpeg
Doanh nhân, nhà thơ Lâm Xuân Thi

Xin yên bình, nguyện bình yên/ Xin muôn hướng, nguyện trăm miền yên vui/ Xin yên thân chốn đông người/ Xin yên ổn những khi rời rạc nhau// Xin mai này, nguyện mai sau/ Biển sông sâu ở phương nào cũng xanh/ Trời phương xa vẫn sinh thành/ Đất phương xa bước yên lành thập phương// Xin quê người, nguyện quê hương/ Xin thương mến những ngày thương nhau nhiều/ Đời xin nắng sớm mưa chiều / Không ngàn năm cũng mỹ miều trăm năm// Xin thâm tình, nguyện thâm tâm / Xin tay ấm những khi cầm tay nhau/ Xin cho ai vẫy tay chào / Không tha thiết sáng cũng dào dạt đêm... (Xin).

Ngôn từ trong thơ Lâm Xuân Thi trong sáng, vừa mang yếu tố truyền thống nhưng ẩn đằng sau đó là sự sáng tạo theo hướng hiện đại. Có những câu thơ với ngôn từ quen thuộc nhưng bằng cách liên tưởng đã tạo thành những hình ảnh độc đáo. Thơ anh giàu tính nhạc, thơ đọc lên đã thành những giai điệu đậm chất trữ tình. Đó là lợi thế để thơ Lâm Xuân Thi được phổ nhạc nhiều và trở thành những ca khúc ấn tượng, sống được trong lòng công chúng.

Ngay trong cách ứng xử với thời gian cũng phần nào thấy được tâm hồn dào dạt yêu thương ở nhà thơ Lâm Xuân Thi. Trân quý thời gian, yêu tha thiết cuộc sống này vì thế hiện lên trong thơ Lâm Xuân Thi là khoảng thời gian vô tư, trong trẻo:

Sáng nào anh cũng dậy sớm hơn

Anh nghe tiếng chuông nhà thờ đổ

Nghe vài tiếng xe ngang qua phố

Và nghe im lặng của thinh không

Sáng nào trời cũng sáng chưa xong

Anh nghe tiếng mùa xuân thở nhẹ

Dịu dàng như nụ mai vừa hé

Anh nghe em trở giấc thiên thần...

(Mỗi ngày)

Nhưng ở đó lại thấp thoáng hiện lên nỗi trăn trở, tiếc nuối, lo âu và cả những hoài nghi.

Có hay không... quỷ với ma

Có hay không.. .cõi âm và cõi dương

Có không... địa ngục, thiên đường?

Cho ta thắp nén tâm hương tội tình

Có hay không... chuyện chúng mình

Kiếp sau, kiếp trước là hình bóng nhau

Có không... duyên phận kiếp nào?

Cho ta duyên số trời trao kiếp này

Có không... chuyện cổ tích hay?

Con giun con dế chiều nay biết cười

Con chuồn chuồn biết giỡn ngươi

Con sâu đo đếm lại thời thế nhân

Có hay không cũng không cần

Ta sinh ra đã làm thân tội đồ

Có gì vui giữa hư vô

Có tên quỷ sứ với hồ ly tinh...

(Có hay không?)

Nhà thơ đặt ra những câu hỏi và sau đó tự quay về trò chuyện với chính mình, đối thoại, độc thoại tự vấn với bản thân để tìm ra câu trả lời phù hợp nhất trước cuộc sống. Bằng vốn sống và sự nhạy cảm cảu mình, Lâm Xuân Thi nhanh chóng nhận ra diện mạo của cuộc sống của thời mình đang sống với nhiều đổi thay, biến động. Vì thế, trong từng câu chữ, cái tôi trữ tình của nhà thơ trực tiếp giãi bày những dằn vặt, những lo âu đầy trắc ẩn về sự phức tạp khó lường của thế sự. Có hay không cũng không cần/ Ta sinh ra đã làm thân tội đồ/ Có gì vui giữa hư vô/ Có tên quỷ sứ với hồ ly tinh...

Cái hay ở thơ Lâm Xuân Thi là anh không hề cao giọng, lên gân triết lý nhưng đằng sau những câu chữ tưởng như bình thường ấy lại mang đến cho người đọc những thông điệp có ý nghĩa.

Đường đời vạn nẻo phù vân/ Kể như tôi cũng muôn phần chúng sinh/ Trăm năm bắt bóng đuổi hình/ Con thiêu thân cứ tưởng mình thoát thân (Phù vân).

Câu thơ dung chứa những suy tư về số phận, sự tồn tại, sự hư ảo của kiếp người. Cảm thức về sự mong manh, nghịch lý, bất ổn, vòng lẩn quẩn của bao nhiêu kiếp người.  

Từ cái tôi ngoại cảm chuyển thành cái tôi nội cảm. Bài thơ sau đây là một đúc kết hay và thấm thía về bạn-tình bạn!

Bạn đâu bạn chỉ quây quần/ Bạn là bạn những khi gần khi xa/ Bạn ngày trước với hôm qua/ Thêm mai mốt cũng thành ra bạn hiền/ Bạn không thánh, cũng không tiên/ Không thiên sứ, cũng không thiền sư đâu/ Bạn không ngôi thứ thấp cao/ Bạn ta là những ngôi sao cùng thời.../ (Bạn).

Trước sự trôi chảy của thời gian, nhà thơ đã chọn cho mình lối sống “nhẹ nhàng” nhất, giản đơn nhất. Đó là sự lựa chọn rất riêng của nhà thơ, khi anh ý thức sâu sắc về sự hữu hạn của kiếp người trước bước đi vô thủy vô chung của thời gian.

Không nhìn xuống, chẳng trông lên

Không danh phận cũng không tên tuổi mình

Đời cao thấp chẳng phân minh

Ta cao lắm cũng linh tinh phận người…

Ngôn ngữ bao giờ cũng là chất liệu đầu tiên của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Nó được lấy từ trong kho từ vựng và các quy luật cấu tạo đặc thù riêng của từng dân tộc, từng hệ ngôn ngữ. Và đến lượt mình, người nghệ sĩ sử dụng nó như một biện pháp nghệ thuật riêng tùy theo khả năng và sự sáng tạo của bản thân. Khi đã đạt đến một phẩm chất độc đáo, mang cá tính riêng thì khi đó đã khẳng định được phong cách sáng tác.

Điều đặc biệt mà bạn đọc sẽ dễ nhận ra trong thơ Lâm Xuân Thi đó là phép điệp. Hầu như ở bài thơ nào cũng có. Chính điều này cũng tạo nên nét phong cách riêng trong thơ anh. Đọc bài thơ Xin chào dưới đây chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Xin chào đất nước đẹp xinh

Vườn cây thơm trái hoà bình

Anh em khi lầm khi lỡ

Vẫn còn nguyên một niềm tin

Tôi từ đất nước mà ra

Tôi xin còn có ông bà

Anh em khi về khi ở

Vẫn cùng một mẹ và cha

Vẫn chung nòi giống Lạc Hồng

Vẫn liền một dải non sông

Vẫn nhớ hoài câu chuyện kể

Ngày xưa con cháu Tiên Rồng

Mừng ngày nắng mới đầu năm

Cho tôi chào phút lặng thầm

Anh em ai còn ai mất

Ai cũng là người Việt Nam

Ai góc biển, ai chân trời

Ai xa xứ, ai quê người

Cũng mong một ngày rạng rỡ

Sum vầy cho đất nước vui

Tôi chào đất nước từ lâu

Chắp tay tôi cũng nguyện cầu

Anh em khi chờ khi đợi

Xin cùng kẻ trước người sau...

Lâm Xuân Thi tạo ra cho mình hệ thống từ ngữ mang nét riêng vừa chân thành, da diết vừa triết lý, chiêm cảm.

Ngày tâm linh, tối tâm linh/ Lòng không nhớ đã cầu xin kiếp nào/ Hay là tôi mộng kiếp sau/ Tôi mơ kiếp trước trừ hao kiếp này... (Tâm linh).

Đi vào thế giới thơ anh, người đọc bắt gặp cách diễn đạt rất khéo, diễn tả tinh tế những rung động tinh vi trong tâm hồn con người.

Viết cho ai, cho đối tượng nào, viết về vấn đề gì thơ Lâm Xuân Thi cũng nhẹ nhàng, đôi lúc cứ tưởng như anh đang trò chuyện bằng thơ. Nhiều câu thơ của anh mang đậm cách nói, cách nghĩ, cách cảm của một cuộc giao tiếp thông thường.

Viết tặng Nguyễn Đăng Trình, nhà thơ Lâm Xuân Thi đã khơi gợi được những suy nghĩ thấu đáo, biện chứng và ở đó còn là thái độ điềm tĩnh, bình thản, vô tư khi đã thấu rõ những hư ảo của kiếp người.

... Còn lâu ta mới ngậm ngùi/ Đời may rủi cũng hên xui với đời/ Ta may mắn được làm người/ May ra cũng có một thời thế nhân//...// Còn lâu ta mới tuổi tên/ Đời bao nhiêu giấc mơ quên lãng mình/ Ta bao nhiêu buổi đăng trình/ Là bao nhiêu tháng năm tình tính tang... (Còn lâu).

Viết cho em, lời thơ cũng đong đầy cảm xúc, thi nhân đề cập đến tình yêu và khẳng định giá trị của tình yêu. Tình yêu có khả năng làm giàu vô tận giá trị của từng cá thể con người. Anh nói với em kiểu nửa đùa nửa thật: “Yêu một chút cũng đâu có sao”.

Yêu một chút cũng đâu có sao                 

Tương thân ta chỉ tựa vai vào

Em chỉ khép hờ đôi mắt biếc

Đêm tối trời ta vẫn thấy nhau

Yêu một chút cũng đâu có sao

Chỉ có trăng rằm buổi ban đầu

Chỉ có mưa bay miền cổ tích

Chỉ có gió thổi vào chiêm bao

Yêu một chút cũng đâu có sao

Tình muôn phương, tình cũng muôn màu

Xin em vẽ lại làn môi đỏ

Phấn son mềm thêm bớt hư hao

Yêu một chút cũng đâu có sao

Chỉ có trăng ngày tháng năm nào

Trăng nghe đêm xuống lời hoa cỏ

Đóa tình thơm một nụ thanh tao…          

Lâm Xuân Thi đã trải lòng mình trước cuộc sống để nhận thức sâu sắc về sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người mà dường như ở đó mọi thứ được ký gửi với thời gian. Đó là những nỗi niềm khắc khoải, suy tư, trăn trở, khát khao đầy nhân bản. Đến với thơ anh, tâm hồn con người sẽ trở nên trong trẻo hơn, nhân hậu hơn, với âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng dễ đi vào lòng người đọc. Bởi tất cả bắt nguồn từ những tình cảm chân thành, hồn hậu trong chính tâm hồn của nhà thơ! Bao giờ, lúc nào, ở đâu nhà thơ Lâm Xuân Thi cũng hướng về những điều tốt đẹp của một tâm hồn nồng nàn, một trái tim giàu cảm xúc.

Chúc cho Phúc, chúc cho An                  

Đời như điệu nhạc cung đàn hạnh thông

Ta như con cháu Tiên Rồng

Chúc nhau ngày mới Lạc Hồng thảnh thơi

Chúc cho đất ở bên trời

Khi mưa gió thuận lúc người thảo thơm

Ta như cây lúa vàng ươm

Trên đồng ruộng những ngày tươm tất mình

 (Chúc xuân)