Cuộc sống mà không có bất kỳ sự căng thẳng nào có lẽ chỉ là một giấc mơ. Thế nhưng, đó chưa chắc lại là một điều tốt. Căng thẳng đôi lúc tuy khiến chúng ta mệt mỏi, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe, nhưng nó cũng giúp ta phát triển bản thân. Chưa kể, không phải loại căng thẳng nào cũng ảnh hưởng xấu đến con người, ngược lại, còn có loại stress có tác động tích cực đến cuộc sống của chúng ta.
Căng thẳng tốt và xấu
Có nhiều mức độ stress khác nhau và chúng có thể gây ra tác động tiêu cực hoặc tích cực:
Phản ứng tích cực xảy ra thường xuyên và là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của chúng ta. Nó thường thể hiện qua việc nhịp tim tăng nhanh và nồng độ hormone tăng nhẹ.
Phản ứng chịu đựng thường xảy ra khi bạn trải qua những khó khăn ở mức có thể chịu đựng được như một cuộc chia tay, một vết thương,… Cơ thể lúc này sẽ phát ra những cảnh báo cở cấp độ lơn hơn so với phản ứng tích cực.
Phản ứng độc hại là là một biểu hiện không bình thường của cơ thể và nó có thể gây hại đến sức khỏe.
Để hiểu rõ tại sao cơ thể chúng ta phản ứng theo nhiều cách khác nhau, chúng ta cần phân biệt các loại stress sau.
1. Căng thẳng cấp tính
Stress cấp tính là loại phổ biến nhất. Nó là phản ứng đối với một thách thức hoặc sự kiện mới như phạm sai lầm trong công việc, cãi nhau với người thân hay gặp phải một bài tập khó.
Mức độ căng thẳng cấp tính phù hợp có thể kích thích não bộ và giúp ích cho sức khỏe của bạn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự kiện căng thẳng ít có thể cải thiện biểu hiện thần kinh của các tế bào gốc.
Ví dụ, khi bạn dạy con tập xe đạp, cả hai đều xuất hiện căng thẳng cấp tính, nhưng điều này cũng đồng thời mang lại niềm vui.
Tuy nhiên, quá ít căng thẳng có thể dẫn đến sự chán nản và thậm chí là trầm cảm.
2. Căng thẳng cấp tính thường xuyên
Đây là dạng căng thẳng cấp tính xảy ra với mật độ thường xuyên. Khi bạn liên tục lo lắng về nhiều thứ, bạn rất dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Điều này có thể dẫn đến mệt mỏi, đau đầu và làm hệ miễn dịch yếu đi.
Chính vì vậy mà việc điều chỉnh lối sống và tập thói quen không đặt nặng quá nhiều thứ là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt.
Những người nóng tính và hay lo hắng thường dễ gặp phải căng thẳng cấp tính thường xuyên.
3. Căng thẳng mãn tính hay căng thẳng độc hại
Căng thẳng cấp tính không được giải tỏa trong một thời gian dài sẽ dần trở thành căng thẳng mãn tính. Loại stress này có thể bắt nguồn từ hôn nhân không hạnh phúc, công việc không tốt hoặc từ sự nghèo đói kéo dài, tuổi thơ cơ cực, v.v..
Căng thẳng mãn tính khá nguy hiểm và độc hại. Nó có thể hủy hoại sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, thậm chí dẫn đến ung thư, bệnh tim và béo phì. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng mãn tính còn có thể làm tăng nồng độ của một số hormone, gây rối loạn trí nhớ.
Nếu bạn thấy ngày nào trôi qua, cuộc sống cũng căng thẳng, mệt mỏi và không tìm thấy mặt tích cực nào, hãy thử ngồi thiền hay gặp bác sĩ tâm lý.