Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa!

Giữa muôn trùng thông tin về vắc xin và dịch bệnh, nếu được bình luận hay chia sẻ một chút suy tư vào thời điểm này thì tôi sẽ nói rằng "tôi luôn nghèn ngào trước hình ảnh những hũ tro cốt của những người xấu số - họ là những nạn nhân đại dịch, những phận người kém may mắn của một giai đoạn lịch sử".

Một tuần trước năm học mới, trong lúc tìm hình minh họa cho các bài giảng, tôi xem lại tư liệu hình ảnh chụp hơn 10 năm trước khi còn công tác ở cơ quan cũ, một đài truyền hình tại đồng bằng sông Cửu Long. Tôi dừng lại thật lâu trước những chân dung mưu sinh, thân phận con người cùng ôm tro cốt của đứa con gái lấy chồng Hàn Quốc, được đưa về quê mẹ. Những câu chuyện cũng là tâm điểm dư luận một thời.

Những chuyến công tác đó là những trải nghiệm ám ảnh dằn vặt đầu tiên của tôi với "nghiệp" báo. Tôi nhớ, bao nhiêu người đã khóc. Còn gia đình thì hụt hẫng và hối tiếc. Không hiếm những sự việc tương tự xảy ra cho thân phận các cô gái lấy chồng Hàn Quốc được báo chí đăng tải với tần số dày đặc, phủ đầy trang nhất các báo khi đó.

Tôi không quên được những điều buồn còn đọng lại sau những chuyến công tác như vậy. Tôi cũng chưa thôi ám ảnh bởi gương mặt của những người còn lại, chứa đựng nét mỏi mệt, thương đau, cùng những đôi tay gầy, thô ráp và chai sạn ám màu ruộng đồng của những người anh, người cha ôm chặt hũ tro của con em họ trên tay khi từ Hàn Quốc được đưa về quê nhà. Tôi đã nhìn thấy những căn nhà lá dột nát, với một chiếc bàn thờ nhỏ vừa được dựng lên vội giữa màu buồn ảm đạm cùng bình tro cốt được đặt kề bên. Những điều đó ám ảnh tôi.

Khi tôi ngồi gõ những dòng này, góp nhặt biết bao trăn trở, tôi trộm nghĩ, khi ấy, đường về quê mẹ của những nạn nhân xấu số như các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc dẫu xa mà gần. Dẫu là buồn, nhưng tôi nghĩ nó vẫn “ấm áp” và chan hòa tình thương vì ít ra những hũ tro kia còn có hơi ấm đón về của gia đình, của người thân.

sai-gon-da-trai-qua-nhung-ngay-thang-khong-bao-gio-quen-cua-dich-benh-songkhoeplus-1634107422.jpg
Sài Gòn đã trải qua những ngày tháng không bao giờ quên của dịch bệnh. Ảnh: Hà Kiều

Còn nay, mấy tháng qua, trên mạng, trên báo, đâu đâu cũng dày đặc những bài viết, những câu chuyện, những vết thương lòng khó lành. Covid mặt mũi tròn méo ra sao, không ai thấy. Nhưng những ảnh hưởng, những bài học mà nó dạy ta thì hiển lộ quá rõ ràng. Nhiều người đã thấy một bài học hiển bài trước mắt. Đời tưởng có đó mà mất đó. Sài Gòn thất thểu trong cơn đại nạn. Bi kịch cũng cứ thế thản nhiên mà xuất hiện. Một đứa em tôi bám trụ bệnh viện, kể thêm. Rằng trong bệnh viện, bệnh nhân khi qua đời, người nhà nạn nhân khó gặp. Những đám tang chỉ một người duy nhất cáng đáng. Buồn tận đáy và vô cùng quạnh quẽ. Mùa dịch, để có được tấm di ảnh của người quá cố cũng không phải dễ dàng. Vậy nên, rất nhiều thân phận chỉ sau một vài hôm là nằm gói gọn trong lọ trọ di hài, chỉ có tên mà chưa kịp kèm ảnh. Với những thân phận từ quê ra phố mưu sinh, đường về quê mẹ quả thật quá xa và gập ghềnh, dẫu chỉ là đôi ba trăm cây số. Có những thân phận chỉ là nấm tro tàn, lãnh lẽo và bơ vơ dưới những mái nhà trọ đơn sơ và tạm bợ.

 

Và cứ thế, những thân phận nhỏ bé của xã hội, từ làng ra phố, trôi dạt từ miền này qua xứ khác với mong muốn kiếm tìm no đủ và hạnh phúc. Vậy mà giờ đây về đất mẹ trong một tình cảnh thật thương. Dường như chúng ta có thể sải cánh, phiêu bạt, đi bôn ba nhiều nơi, nhưng chỉ có một chốn để quay về, là quê hương, là nguồn cội. Mùa dịch, Sài Gòn về Bến Tre, xuôi về Cần Thơ, chỉ vài trăm cây số, mà sao khoảng cách cứ xa cách nghìn trùng, khó mà chạm tới.

Còn nhớ, năm 2015, cùng với các dòng "tít" báo ồn ào về bức ảnh đứa bé Syria tên Alyan, 3 tuổi, nằm chết như ngủ trên một bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, trong hành trình vượt biển đến Châu Âu, đã gây chấn động mạnh, thì công dân châu Âu đã thức tỉnh trong cung cách đối xử với những người tị nạn, di dân. Nhiều lãnh đạo châu Âu cũng cảm thấy bàng hoàng, xót thương. Việc thúc giục các nước cùng nhau giúp đỡ người di dân, người tị nạn và tìm phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng di dân cũng đã được tiến hành.

Giáo sư Finn Tarp, từ trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới của trường Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER), trong công trình nghiên cứu được công bố vào năm 2018, với tựa đề “ Viet Nam : The dragon that rose from the ashes” (tạm dịch: Việt Nam con rồng trỗi dậy từ đống tro tàn”) có nhấn mạnh: kể từ sau quá trình đổi mới, mức sống của người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, và những thành tựu kinh tế, xã hội của đất nước ghi dấu ấn khá ấn tượng, nhìn từ góc độ phát triển con người.

Giáo sư Finn Tarp cũng chỉ ra rằng, di cư vẫn là vấn đề lớn của lao động nông thôn Việt Nam. Các địa phương có nhiều hộ có người di cư là Quảng Nam, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông. Điểm đến của những thân phận di cư này chủ yếu vẫn là Hà Nội, TPHCM. Người di cư thường là nam giới, thuộc thành phần các hộ nghèo trong cộng đồng. Tôi lại trộm nghĩ nếu nghiên cứu này thực hiện sau đại dịch, có lẽ, giáo sư Finn Tarp có thêm nhiều lý do để dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề bao người đau đáu liên quan đến chính sách về quê cho những lao động mắc kẹt bởi đại dịch. Biết đâu, sẽ có những gợi ý liên quan đến chính sách gắn với thân phận những con người bỏ quê ra phố...

tac-pham-cua-hang-khong-dong-net-dep-nguoi-sai-gon-san-se-kho-khan-cung-vuot-qua-dich-benh-songkhoeplus-1634105806.jpg
Tác phẩm 'Cửa hàng không đồng - nét đẹp người Sài Gòn, san sẻ khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh' của tác giả Lê Sa Long

Có lẽ, thật khó mà kể cho hết được những nỗi buồn, bi kịch xung quanh  thân phận của những người đã mất trong thời đại dịch, nhất là những phận người từ làng ra phố vì sự mưu sinh. Mỗi lần thấy hiện lên dòng "newsfeed" về lời kêu gọi để mang họ, mang những bình di cốt để  về yên nghỉ nơi quê nhà, tôi thoáng nghe như tim mình bị bóp nghẹt.

Một kiếp người vừa ra đi. À, không. Đúng hơn là “một kiếp người vừa trở về”,  trở về yên nghỉ ở quê mẹ, bên lòng đất mẹ.

Nhìn những hũ tro ngày về, tôi tin, nhiều người có cùng suy nghĩ với tôi. Không chỉ có rượu với khiến mình chúng ta choáng váng hay rối trí trước thực tại, chắc chưa sớm chấm dứt này. Nhưng phía sau đó, bài học cuộc đời dạy nhân loại rằng, những con người đứng lên sau khi sa hầm sập hố, từ những bi thương tận cùng của thể xác tinh thần, có thể sẽ lan tỏa đến chúng ta những bài học, thông điệp ý nghĩa về cách vượt qua giông bão cuộc đời.

Tôi hạnh phúc khi nhận được những dòng tin chia sẻ từ một người học trò. Em kể, mỗi thân phận em gặp qua công việc đều có một câu chuyện. Em sẽ cố gắng nắm bắt vẻ đẹp ẩn sâu bên trong, bên trong tâm hồn của mỗi số phận. Dù trong mọi khoảnh khắc nghiệt ngã như những tháng ngày này, mỗi câu chuyện, mỗi thước phim em sản xuất ra dầu là chưa sáng, nhưng em đã thấy tất cả đều kiên cường mạnh mẽ. Sứ mệnh của em, là nhà báo, em sẽ cố gắng hết sức để lan tỏa những điều tốt đẹp ẩn chứa bên trong mỗi thân phận đằng sau các câu chuyện đến công chúng.

Nhưng có lẽ, điều chúng tôi luôn tâm niệm, chung niềm tin: "Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau... Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.”. (Theo Trịnh Công Sơn )

Tôi xin dâng tặng những bông hoa đẹp nhất cho những phận người, phận đời có những người thân ra đi trong mùa dịch. Bởi tôi nghĩ, những ngày này, nói chuyện hoa, có hoa để thưởng lãm chờ ngày dịch qua có lẽ là một niềm hạnh phúc lớn lao hơn bao giờ hết!