Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Cuộc hành trình tìm lại chính mình…

"Cuộc hành trình kỳ lạ" của nhà văn Nguyễn Trung Nguyên là tập sách gây được sự cảm tình với người đọc khi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ những việc tưởng chừng đơn giản, từ những câu chuyện đời thường nhưng có hồn cốt và ấn tượng.

Với 8 truyện ngắn và 4 bài bút ký trong tập Cuộc hành trình kỳ lạ là những câu chuyện cảm động viết về mình, về người, về những gì xung quanh rất đỗi tự nhiên và hồn hậu. Cách kể chậm rãi, tỉ mỉ, ngôn ngữ giản dị - gần với ngôn ngữ đời sống và mang màu sắc Nam Bộ. Qua từng câu chuyện, người đọc sẽ nhận ra lối kể có rất duyên của tác giả. Đó là một người từng trải, người đã đi qua những bước thăng trầm của lịch sử và cả những biến cố của bản thân, của gia đình và thời cuộc.

Sự chiêm nghiệm cuộc sống và thời cuộc đã giúp tác phẩm "Cuộc hành trình kỳ lạ" tạo ấn tượng và cảm xúc độc giả.

Mở đầu tập sách là truyện Tình gà!, kể câu chuyện yêu đương của gà và cuộc tình tay ba của chúng. Bằng sự quan sát tinh tế, cách kể dí dỏm, người đọc thấy được tác giả đã lý tưởng hóa câu chuyện tình yêu. Tình yêu của loài vật cũng đáng yêu, có sự giận hờn, ghen tuông và có cả sự ga lăng, nghĩa hiệp, thậm chí là “máu dê” của họ nhà gà... Cuối truyện là cái chết của chú gà trống tre sau cú va chạm của bác xe ôm. Nhân vật “tôi” vặt lông làm thịt và phát hiện thấy trái tim gà đen bầm, dập nát. Nhà văn cho rằng: “Một trái tim tan nát vì tình hay bầm dập vì tai nạn giao thông đều cũng dẫn tới cái chết. Nhưng tôi cứ muốn nó chết vì tình để thi vị hóa đời gà”. Câu nói đầy ẩn ý, bởi tác giả muốn ký gửi vào đó những thông điệp của tình yêu và sự sống.

7 truyện ngắn và 4 bài bút ký còn lại trong tập sách, Nguyễn Trung Nguyên đã đi sâu vào mổ xẻ, phản ánh những số phận người. Những con người lao động bình thường với những số phận, hoàn cảnh và tính cách khác nhau. Những người lính, những người mẹ, người vợ, người con, những người bạn, những người thân yêu ruột thịt, với những số phận kém may mắn và cả chính bản thân nhà văn. Nguyễn Trung Nguyên đã khai thác tới tầng vỉa của hiện thực đời sống qua số phận con người, có khi qua những mảnh vỡ từ bi kịch làm người của con người.

Những nhân vật Tám bia ôm, Năm hột vịt lộn, bà Hai osin, thằng Ba phụ hồ trong truyện Bảo hiểm tình yêu là bức tranh hiện thực đời sống ở một khu trọ nghèo. Ở đó, hiện diện với những số phận, công việc từng người khác nhau. Cuộc đối thoại xung quanh việc “bảo hiểm tình yêu” của những nhân vật trong truyện càng làm cho người đọc xa xót. Đặc biệt là lời của nhân vật Tám bia ôm như cứ vang vọng mãi bên tai: “Cứ boa 100 thì tao sẽ là người yêu suốt bữa nhậu, bảo hiểm chắc chắn luôn...”. Có bữa khuya lơ khuya lắc con Tám mới về tới nhà trọ say khướt. Mặc cho con Năm, bà Hai cởi đồ, người lấy khăn ướt lau mặt nó lầm bầm: “Bữa nay vô mánh đến 4 thằng bảo hiểm tình yêu...”, chưa dứt câu nó ụa một bãi vào mình bà Hai rồi ngủ luôn tỉnh bơ”. Ở họ vẫn toát lên vẻ đẹp của tình người dù chỉ là những người xa lạ. Có lần con Năm trúng gió, thằng Ba thợ hồ đã vội vàng đi mua thuốc cho Năm. Sự giúp đỡ ấy xuất phát từ tình yêu thương của những người cùng kiếp nghèo sống tha phương cầu thực.

Nguyễn Trung Nguyên đã dành khá nhiều tình cảm để viết về số phận của người phụ nữ. Họ xuất hiện trở đi trở lại trong tác phẩm của anh như nỗi day dứt khôn nguôi, nỗi khắc khoải triền miên cho những kiếp người không may mắn. Hình tượng những người phụ nữ trở thành bến đợi để thể hiện sự mất mát, nỗi đau không thể bù đắp của chiến tranh. Chiến tranh là đau thương, là chết chóc, là tủi hờn. Chiến tranh là gắn liền với chia lìa và những cuộc tình không trọn. Chị Ba “tập kết” (Chị Ba “tập kết”) chờ chồng đẵng đẵng trong khoảng thời gian 20 năm với bao tủi hờn cơ cực, làm tròn bổn phận của một đứa con dâu hiếu nghĩa, người vợ thủy chung. Vậy mà đến ngày giải phóng, chồng chị là anh Nam trở về trong sự lạnh nhạt và hờ hững vì anh đã có vợ và 2 con ở ngoài Bắc. Để rồi ngày hôm sau, chị Ba đã chào từ biệt ra đi...

Ngay cả bìa sách cũng mang đến cái nhìn về miền ký ức xưa...

Hình ảnh cô Duyên trong Ký ức là một hình ảnh lý tưởng, một tình yêu đẹp, trong sáng của thời đạn bom. Nhà văn đã khéo léo kể về cuộc tình của chính mình với cô và những diễn biến xoay quanh 3 nhân vật: tôi, Duyên và Quang . Đằng sau đó là nỗi giày vò, là tiếng lòng thành thật nhất của người trong cuộc khi đã nếm trải những mất mát đau thương của tình yêu dang dở (vì Duyên đã hy sinh), khi trái tim mình đã bị cắt cứa và tổn thương.

Mặc dù đang sống trong thời kỳ hậu chiến nhưng nhiều người không bao giờ quên được những ám ảnh của chiến tranh, nó vẫn âm thầm giằng xé trong sâu thẳm tâm hồn con người. Người đàn bà Napalm và câu chuyện cổ tích là bài bút ký hay, đúng là câu chuyện cổ tích giữa đời thường, viết về chị Phan Thị Hườn sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trí Phải, Thới Bình, Cà Mau. “Năm 1959 chị tham gia cách mạng, đến ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão (1963) trên đường cùng đồng đội đi mua thực phẩm về tổ chức Tết cho thương binh, chị rơi ngay vào tâm điểm trận bom nepalm của địch. Đồng đội hy sinh hết, chị may mắn thoát chết và được gia đình một người dân mang về chăm sóc”.Thời chiến tranh thuốc men thiếu thốn và do bị thương quá nặng nên khuôn mặt chị biến dạng hoàn toàn. Chị mặc cảm với khuôn mặt, nhiều lúc chị muốn tìm đến cái chết như là sự giải thoát. Nhưng rồi được sự động viên của bạn bè, người thân, đồng đội đã tiếp thêm cho chị sức mạnh, chị công tác cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau đó, được Nhà nước đưa ra Hà Nội điều trị một thời gian dài nhưng khuôn mặt vẫn không thể khá hơn.

Trở về cuộc sống thường nhật, chị mang trên mình nỗi đau vì vết tích chiến tranh trên khuôn mặt. Tưởng những hạnh phúc sẽ được vẹn tròn khi chị lấy một người chồng. Nhưng rồi sau đó, lúc chị sắp sinh đứa con đầu lòng thì người ấy dứt áo ra đi. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau này không? Và rồi như sự sắp đặt của số phận, năm 1989 chị lại đến với người đàn ông thứ 2, Ngô Văn Vui (nhỏ hơn chị 19 tuổi) - người cũng đã đi qua một lần đò. Chị một con trai 2 tuổi, anh một con gái 3 tuổi (2 đứa con trai theo mẹ) đã góp gạo nấu cơm chung cho đến tận bây giờ. Họ sống với nhau rất hạnh phúc và giờ đã là ông bà nội - ngoại. Đây là cái kết đẹp cho một cuộc tình của một một người đàn bà chịu nhiều thua thiệt do hậu quả của chiến tranh.

Cơn bão lịch sử đã tác động vô cùng dữ dội tới số phận con người. Đi qua nó, người ta mới có dịp nhìn lại để mà xót đau, thương mình và thương người hơn. Gia đình nhà văn Nguyễn Trung Nguyên cũng nằm trong hoàn cảnh chung ấy. Những gì nhà văn đề cập đến, nhắc đến những người ruột thịt trong tập sách đọc đến đều thấy rưng rưng.

Nhưng có lẽ nói về mình, kể về chính mình là những trang viết lắng đọng nhất. Cuộc đời anh đã đi qua phải trả giá bằng cả máu xương nước mắt và tủi nhục, ê chề. Từ sự đau khổ của mẹ, thất vọng của cha và sự hụt hẫng của vợ khi bản thân anh chỉ là một người “ăn hại”. Nhưng vẫn còn đó tình yêu thương từ những người ruột thịt, đã cưu mang và giúp anh hồi sinh sau cú trượt dài tưởng như không bao giờ gượng lại được. Nhờ họ, nhờ những vấp ngã mà anh đã biết vượt lên để có được như ngày hôm nay.

Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên

Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên dẫn dắt người đọc qua những câu chuyện kể cảm động. Đọc qua từng trang sách trong Cuộc hành trình kỳ lạ người đọc luôn tìm thấy sự gần gũi, thân thuộc qua lời ăn tiếng nói, lời đối thoại của các nhân vật trong truyện.

Cuộc hành trình kỳ lạ, là những trang viết sắc ngọt, đằm thắm, trữ tình. Nguyễn Trung Nguyên trần thuật với chất giọng triết lý, chiêm nghiệm. Chất giọng này thường là trần thuật những suy nghĩ của chính bản thân và cũng có thể là của nhân vật trong tác phẩm.

Cuộc hành trình kỳ lạ chính là hành trình tìm lại chính mình với những cuộc đi, những trải nghiệm, những tổn thương, mất mát, những lầm lỗi và cả sự thua thiệt. Qua đó nhà văn có thêm vốn sống, niềm tin để hiểu hơn về đời và người; là động lực để nhà văn sống tốt hơn, có ích hơn ở quãng đời còn lại.

Đọc hết tập sách Cuộc hành trình kỳ lạ, người đọc cũng nhận ra Nguyễn Trung Nguyên đã có sự tìm tòi, có ý thức cách tân trong nghệ thuật nhằm tạo sự phù hợp, hiệu quả trong cách thể hiện con người theo quan niệm riêng của mình. Qua đó hiện thực của cuộc sống được nhìn nhận, phản ánh ở những phương diện, góc nhìn khác nhau. Việc tổ chức không gian – thời gian, điểm nhìn trần thuật và giọng điệu triết lý đã được anh chú trọng. Để nắm bắt và thể hiện, phản ánh cuộc sống và con người một cách đa chiều, Nguyễn Trung Nguyên đã đưa mọi đối tượng vào một không gian, thời gian, hoàn cảnh cụ thể.

Cuộc hành trình kỳ lạ, là tập truyện ngắn - bút ký chất chứa nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc. Ở đó nhà văn đã có những trang viết chân thật về cuộc đời mình, về những người và việc quanh mình, về những gì mà anh đã từng trải qua, anh từng chứng kiến. Qua Cuộc hành trình kỳ lạ, chúng ta đã có thể thấy được một phong cách rất riêng của Nguyễn Trung Nguyên: chân thật, giản dị, tự nhiên mà làm biết bao người đọc phải trăn trở, nghĩ suy, xúc động. Ở đó hiện lên một con người lãng tử pha chút “giang hồ”, “bụi bặm” - Nguyễn Trung Nguyên.