Họ còn chỉ ra được mối liên hệ bất ngờ giữa gừng và bệnh ung thư. Trong đó, gừng chính là loại gia vị phổ biến không chỉ dừng lại ở việc gia tăng hương vị cho các món ăn. Loại củ dân dã này còn được xem như phương thuốc hỗ trợ điều trị ung thư vì chứa chất 6-shogaol gây ức chế tế bào ung thư.
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu cho thấy kết quả tích cực về tác dụng chống ung thư của gừng. Gần đây, các nghiên cứu đã chứng minh hợp chất hoạt tính sinh học của gừng có đặc tính hỗ trợ chống ung thư đầy tiềm năng. Hợp chất chủ yếu trong gừng là gingerol. Chất này không bền với nhiệt nên khi ở nhiệt độ cao được chuyển hóa thành shogaol. Cả gingerol và shogaol đều có khả năng kháng khuẩn, chống ung thư, chống oxy hóa, chống viêm và dị ứng.
Nhiều nghiên cứu còn cho thấy gừng và các hoạt chất của nó có khả năng hỗ trợ chống lại một số tế bào ung thư, bao gồm ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, ung thư máu, gan, phổi, vòm họng, buồng trứng, tuyến tiền liệt và ung thư mắt.
Được biết, tế bào gốc ung thư tạo ra một trở ngại nghiêm trọng cho việc điều trị ung thư vì chúng có thể chuyển biến tiêu cực cho dự đoán ung thư và tái phát khối u. Chính vì điều này bất kỳ hợp chất nào, cho thấy hứa hẹn giảm và tiêu diệt tế bào gốc ung thư, là một điều đáng mừng cho các nhà nghiên cứu, để họ được theo dõi và phát triển loại thuốc phù hợp hơn nữa.
Những chất có trong thức ăn như rau củ, thịt cá có thể làm giảm tế bào độc hại là điều mà các y bác sĩ khuyến khích và mong muốn hướng đến cho bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu từ Đại học King Abdulaziz (Ả Rập Saudi) cũng tiết lộ, chiết xuất từ gừng có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong khi không có tác dụng phụ trên các tế bào bình thường. Phương pháp điều trị ung thư hiện đang có sẵn, như hóa trị và xạ trị, thường thất bại ở khía cạnh này.
Một nghiên cứu khác từ các nhà khoa học thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) xác nhận gừng có thể ngăn ngừa ung thư thông qua một thí nghiệm liên quan đến những con chuột bị ung thư đại trực tràng và không có hệ miễn dịch. Sau khi nhận được gingerol, những con chuột đã giảm 75% khối u đang có. Hơn nữa, các khối u còn lại nhỏ hơn so với những con chuột không được điều trị bằng gừng.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Heliyon (Mỹ) phát hiện một loại gừng Đông Nam Á có thể là "vũ khí" tiềm năng trong cuộc chiến chống ung thư, theo trang tin khoa học Science Daily. Đó là loại gừng Kencur (tên khoa học là Kaempferia galanga L.), còn gọi là củ địa liền, thuộc họ gừng, được trồng chủ yếu ở các nước Đông Nam Á.
Nghiên cứu do giáo sư Akiko Kojima thuộc Đại học Osaka Metropolitan (Nhật Bản) dẫn đầu đã chứng minh chiết xuất của gừng Kencur và thành phần hoạt chất chính của nó - ethyl p-methoxycinnamate có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư ở cấp độ tế bào và ở động vật.
Theo đó, việc sử dụng gừng trong phòng chống ung thư đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có hiệu quả. Ở Ấn Độ và Singapore, người ta uống nước ép củ gừng và nước sắc củ gừng để phòng ngừa ung thư. Người Palestine uống nước sắc củ gừng để chống lại ung thư vú. Họ còn dùng phương pháp điều trị ung thư là dùng nước sắc củ gừng pha với nghệ và mật ong, uống 2 lần mỗi ngày. Hoặc dùng trà gừng pha với hạt thì là và sữa lạc đà, uống 1 ly hằng ngày trước bữa sáng.
Một công thức khác được người Palestine sử dụng để kiểm soát ung thư dạ dày và gan là sử dụng 100 gram bột gừng khô đun sôi với nước, uống 2 lần mỗi ngày sau bữa ăn, theo Science Direct.
Trên đây chỉ là một trong những nghiên cứu kết luận tính chất chống ung thư của gừng. Không dừng lại ở việc chống ung thư, loại củ này còn mang nhiều lợi ích tuyệt vời khác cho sức khỏe người sử dụng.
Giảm đau xương khớp
Giúp giảm đau nhức xương khớp là một trong những công dụng tuyệt vời của gừng. Trong gừng chứa gingerol giúp chống viêm, ức chế chất chemokine, cytokine và các yếu tố gây viêm khác. Từ đó giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động do viêm khớp gây ra. Sử dụng gừng đặc biệt tốt cho lứa tuổi trung niên và tuổi già khi hệ xương khớp đã dần suy yếu.
Giảm tăng cân
Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện ở bệnh nhân bị cholesterol cao trong máu, sử dụng gừng tươi có thể giảm nồng độ cholesterol rõ rệt trong máu. Bên cạnh đó, lượng đường trong máu cũng được kiểm soát. Một số nghiên cứu đã chứng minh bổ sung gừng giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và tỷ lệ trao đổi chất. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2, gừng có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói. Với hai tác dụng đồng thời này, sử dụng gừng tươi là biện pháp giúp ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm và phổ biến hiện nay như: tiểu đường, cao huyết áp, béo phì,…
Hỗ trợ tiêu hóa
Trong đông y, tác dụng chống viêm của củ gừng tươi rất được ưa chuộng. Ngày nay, gừng tươi cũng được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nhiều loại thuốc. Những người bị viêm loét dạ dày sử dụng gừng tươi đều có phản hồi tốt, tác dụng giảm đau và giảm sưng rõ rệt và ít tác dụng phụ. Ngoài ra, tác dụng này còn giúp ích trong điều trị các bệnh về răng miệng như: viêm nha chu, áp xe răng, sâu răng,… Với tác dụng này, thay vì ăn trực tiếp thì dùng nước gừng để súc miệng sẽ có tác dụng tốt hơn.
Hỗ trợ chữa cảm lạnh
Đặc tính ấm nóng của củ gừng khiến loại củ này được sử dụng phổ biến để chữa cảm lạnh, trúng gió. Dùng gừng tươi với nước ấm sẽ làm giãn mao mạch, đẩy nhanh quá trình tiết mồ hôi, hỗ trợ tuần hoàn máu. Vì thế khi thời tiết lạnh, sử dụng gừng tươi để uống nước, ngâm chân, tắm… giúp làm ấm cơ thể, ngăn ngừa virus hợp bào hô hấp gây bệnh. Khi gặp các vấn đề về đường hô hấp như cảm cúm, ho, viêm phế quản, khó thở, hen suyễn, gừng tươi cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị.