Nhện mạng phễu (Atracidae) bao gồm 35 loài nhện kịch độc có nguồn gốc ở Australia. Vết cắn của chúng gây thương tích nặng cho nạn nhân và một số trường hợp thậm chí có thể giết chết người.
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Circulation hôm 16/7, các nhà sinh vật học từ Đại học Queensland, do Nathan Palpant dẫn đầu, báo cáo rằng họ đã tìm thấy một chất trong nọc độc của nhện mạng phễu có thể sử dụng để điều chế thuốc ngăn chặn cơ thể gửi "tín hiệu tử vong" đến tế bào sau một cơn đau tim.
"Sau cơn đau tim, lưu lượng máu đến tim giảm xuống, khiến cơ tim bị thiếu oxy. Điều này làm cho môi trường tế bào trở nên có tính axit, thứ kết hợp với nhau để gửi tín hiệu cho các tế bào tim, khiến chúng chết đi", Palpant giải thích.
Bất chấp nhiều thập kỷ nghiên cứu, đến nay vẫn chưa có ai điều chế thành công một loại thuốc giúp ngăn chặn tín hiệu tử vong này đến tế bào tim. Đó là lý do tại sao bệnh tim là nguyên nhân gây chết người hàng đầu hiện nay.
Trong nghiên cứu này, Palpant cùng các cộng sự đã phát hiện ra rằng protein Hi1a từ nọc độc nhện có thể ngăn chặn các kênh ion cảm thụ axit trong tim và nhờ đó, tín hiệu tử vong bị chặn lại, làm tăng khả năng sống sót của các tế bào.
Thuốc điều chế từ Hi1a hiện mới được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu đang hướng tới các thử nghiệm lâm sàng trên người cho cả trường hợp mắc bệnh tim và đột quỵ trong vòng hai đến ba năm tới.
Palpant tin rằng nó không chỉ ngăn ngừa tổn thương tim ở bệnh nhân, mà còn cải thiện chất lượng của tim được hiến tặng trong quá trình cấy ghép. Nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng nọc độc nhện mạng phễu hữu ích trong việc hạn chế tổn thương do đột quỵ.