Vượt qua tâm dịch

Hà Kiều
Người Đà Nẵng ngại nhất là làm phiền, ảnh hưởng người khác, thường nhớ câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nên thu nhập cỡ nào cũng sống được, khó thế nào cũng cố gắng vượt qua.

Có đất nước nào như Việt Nam. Trong khi làn sóng Covid thứ 2 quay lại, uy hiếp, khi cả thế giới như trên chảo lửa thì Việt Nam vẫn bình tĩnh, tự tin cho máy bay bay thẳng vào những tâm dịch đón hàng trăm công dân Việt về hồi hương, trong đó có một số chuyến bay hơn một nửa là đã nhiễm Covid-19.

Những con người Việt Nam quả cảm, vì tổ quốc, vì đồng bào, nỗi sợ đã không còn quan trọng nữa. Trong khi các nước khác bắt công dân tự trả chi phí để được về nước. Thậm chí Hàn Quốc còn phản đối, ném trứng thối ngăn cản đồng hương quay về thì mới thấy Việt Nam, tuy chưa giàu vật chất nhưng tâm ái có hiển hiện. Không một người con tha hương nào bị bỏ lại. Về nhà thôi, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, không ở đâu bằng chính quê hương mình…

Đà Nẵng đã từng rất xinh đẹp trước khi Covid-19 ập đến (Ảnh Internet)

Với Đà Nẵng, trong lịch sử phát triển, có nhiều bước thăng trầm. Được công nhận là thành phố đáng sống như ngày nay là công lao to lớn của biết bao thế hệ con người Đà Nẵng. Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương xanh sạch đẹp nhất Việt Nam. Covid-19 quay trở lại. Đà Nẵng là một “nạn nhân”.

Thành phố Đà Nẵng đã một lần vượt qua khủng hoảng. Covid đã chọn thành phố Đà Nẵng để quay lại lần hai. Đà Nẵng là thành phố du lịch nhưng vẫn giữ cảm giác bình an và nhẹ nhàng. Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố du lịch ở đất nước Việt Nam, đã rất nhiều cố gắng gượng dậy sau cú đấm chí mạng từ covid lần ghé thăm trước. Mọi người dân ở thành phố Đà Nẵng cũng nhiều thành phần: lao động, công nhân viên chức, buôn bán, đại gia, nếu không biết cách phòng tránh thì covid không từ một ai, kể cả về sức khỏe lẫn kinh tế.

Giãn cách xã hội toàn thành phố Đà Nẵng, nhiều công ty lâm vào cảnh khó khăn bắt buộc phải cho tất cả cán bộ công nhân viên nghỉ dài hạn không lương. Khi ngành kinh tế tiêu điều, người Đà Nẵng vẫn lạc quan, tự an ủi đó là cơ hội về nhà ăn cơm vợ hay mẹ nấu.

Người Đà Nẵng giờ rất nhiều người thất nghiệp, nhưng nhờ vào tính cần cù chịu thương chịu khó của người miền Trung mà nhiều người trước đây làm văn phòng, bây giờ vẫn vui vẻ làm những công việc chân tay, miễn là kiếm được ít đồng lo cho gia đình thời khó khăn chung.

Người Đà Nẵng ngại nhất là làm phiền, ảnh hưởng người khác, thường nhớ câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nên thu nhập cỡ nào cũng sống được, khó thế nào cũng cố gắng vượt qua. Nên không có chuyện người Đà Nẵng sẽ bỏ của chạy lấy người như thông tin trên MXH đã từng rêu rao. Người Đà Nẵng có tinh thần cộng đồng rất cao, phối hợp cùng đội ngũ y bác sĩ quyết đánh bại con virus corona.

Ban ngành lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các cán bộ nhân viên y tế ..... đã tạo mọi điều kiện để cho công dân có được những điểm cách ly tốt nhất và với phòng thoáng mát, sạch sẽ. Đội ngũ tiếp đón rất tình người, được nhận tất cả các vật dụng sinh hoạt cá nhân cơ bản mới tinh, đầy đủ (màn, chiếu, gối, cốc, bàn chải...) những thứ mà do vội vàng nhiều người đã không kịp mang theo. Được nhân viên y tế hỏi thăm đủ thứ, từ những điều bình dị nhất như: có ai ăn cơm chay để dặn người chuẩn bị. Có ai nhận thiếu đồ dùng cá nhân không. Nam giới sẽ được đổi dầu gội, sữa tắm XMen, thật cảm kích vô cùng!.

Nghe thì thật đơn giản, nhưng để làm được điều đó thật không dễ dàng gì khi mà cả thế giới đều run sợ virus Corona.

Điều cốt lõi ở đây, là tình người, là máu mủ đồng bào, là một bộ máy lãnh đạo quyết không để một ai bị bỏ rơi lại phía sau. Chỉ có gắn bó với đất nước, máu thịt với đồng bào mình mới thấu hiểu được đạo lý một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Việt Nam không khuất phục trước chiến tranh, thiên tai không cúi đầu, dịch bệnh không run sợ, chỉ có ở Việt Nam quê hương tôi.

Tôi là một công dân của thành phố Đà Nẵng, rất khâm phục và chân thành cảm ơn những con người đang âm thầm chiến đấu với dịch bệnh, cảm ơn những con người đang phục vụ cho bà con cách ly, vì một Đà Nẵng bình yên và đầy tình người, quyết chiến thắng đại dịch.

Yêu Đà Nẵng! Yêu Việt Nam! Quê hương tôi!.

Thu Hiền (Đà Nẵng)