Tôi gọi đó là chiếc xe đạp vĩ đại. Chiếc xe đạp mà ba đã còm cõi hơn 20 năm cuộc đời nuôi tôi ăn học. Xe cà tàng như chính cuộc đời ba. Và cũng tồi tàn, cũ kỹ như chính bộ đồ mà ba khoác trên người. Ngày qua ngày chiếc xe đạp ấy vẫn cần mẫn đi đi về về trên con đường nhỏ quen thuộc ngày nào.
Ngày nào cũng vậy, cứ tầm sáu giờ sáng, tiếng kêu lạch cạch của chiếc xe đạp cà tàng của ba lại vang lên từng hồi từng hồi trên con đường đất nhỏ dẫn ra phố. Chiếc xe đạp tồi tàn chẳng thua kém gì bộ đồ lao động nhàu nát mà ba đang mặc trên người và cũng cũ kỹ đậm màu thời gian như chính cuộc đời nhừng ấy năm bươm chãi của ba.
Con đường ngày xưa nay đã thay “mặc” một màu xám lớp bê – tông dày cộm, lấp đi những vết lăn tròn bánh xe in dấu ba vẫn thương đi về mỗi ngày. Chiếc xe thô kệch, giản đơn như con người ba: không phanh, không đèn, không một chỗ ngồi tươm tất. Chiếc vành to tướng cong đều theo những vòng lăn. Cặp lốp mòn vẹt, đầy “vết thương”. Màu sơn lam lỗ, nham nhở lẫn trong lớp bụi trần đường phố.
Xe chưa đến, tiếng xào xạc từ chiếc chân giả lơ lửng đôi lúc chạm hờ mặt đất đất; rồi cả inh ỏi của cái giỏ xách đựng những xấp vé số treo toòng ten trên “ghi đông xe đạp”. Những thanh âm ấy cứ đan xen vào nhau. Qua thời gian, chiếc xe giờ đã nhiều lần thay “áo” nhưng vẫn mang hình hài của ngày nào. Vẫn là chiếc sườn xe Trung Quốc, “ghi đông” chính hiệu…
Chiếc xe đạp đã gắn trọn đời ba với những “gánh” phiên “chợ đời” mưu sinh. Xe bao nhiêu tuổi là ba bấy nhiêu “nghiệp” đời. Nhiều người vẫn bảo, nhìn xe là biết người. Xe cà tàng như chính phong thái sống “tàng tàng” của ba. Ngày qua ngày, ba vẫn bình lặng trên chiếc xe ấy với bao trăn trở. Xe còn có đủ 2 điểm thăng bằng trước sau để lăn bánh trên đường. Còn ba, đâu được như vậy. Ba chỉ còn một chân mà thôi, không đều đặn. Người đời vẫn thường nói mua vui là “ba không chân thật”. “Ừ, không chân thật, có gì sai”. Ba vẫn mỉm cười.
Con nhờ ngày xưa, nhà mình nghèo lắm. Những ngày đầu, không nhà cửa, không tiền bạc, không nghề ngổng, ba “vào” đời khó khăn trăm nẻo. Bát cơm qua ngày bấp bênh, thiếu trước hụt sau. Tiền trường 6 anh em con bủa vây. Nhưng không khi nào thấy ba thở dài. Mâm cơm bữa chỉ giản đơn là đĩa rau, chén mắm, cơm độn sắn, không một miếng thịt lát cá nhưng vẫn ấm áp tình người trong tiếng nói cười khúc khích.
Đoạn đường từ nhà ra phố thị Hà Lam chỉ chừng một cây số. Nhưng một ngày, trên con đường lộ chạy qua phố huyện này, ba đi qua đi lại không biết bao nhiều lần. Ba chả nhớ nữa. Ba chỉ nhớ những ngày trưa trời nắng to. Con đường ba đi hai bên đường trống hoác, không một bóng râm. Bánh xe ba đạp chầm chậm quay bánh nặng trĩu trịch những giọt mồ hôi. Cả con đường nhựa lớn chỉ có đoạn quán cà phê Long góc bưu điện huyện là có bóng mát. Ba đạp mãi đạp mãi cho đến khi đáp đến quán là dừng lại vào mượn chiếc ghế đẩu ngồi nghỉ ngơi. Người chủ quán tốt bụng như biết ý bảo nhân viên đem ra một ly trà đá trịnh trọng mời. Sau vài ngúp nước trà mát lạnh, thở một hơi dài, ba lục từ trong chiếc xách nhỏ những xấp vé số cặm cụi say sưa đếm. Rồi miệng lại lẩm bẩm những con số và phép tinh cộng trừ nhân chia. Nhiều người không hiểu bảo đầu óc ba có vấn đề. Ba mặc kệ…
Thời gian dần trôi. Tuổi ba giờ đã lớn. Đầu không còn như xưa. Bước chân cũng đã vụng… Và thường hay vấp ngã, đứt gãy giữa đường. Càng về già, sức khoẻ ba càng yếu. Nhà – viện vẫn đều đều hằng tháng ra vào. Ba vẫn ngồi trên chiếc xe. Nhưng không là chiếc cà tàng “đơn phương độc mã” kia mà thay vào đó là xe lăn 4 bánh có người đẩy gò bó, tù túng.
Chiếc xe đạp kia cũng rụng rời “chân tay” và không còn lỳ để “cưỡi” với đời. Sự nghiệt ngã vô hình của thời gian đã cuốn đi tất cả. Để lại một khoảng trống bình yên nơi cuối chân trời. Còn đâu những bước chân cà thọt âm thầm vẫn đi đi về về ngày ngày. Xa rồi những vòng lăn đều bánh xe giữa vòng quay mưu sinh cuộc đời… rất êm đềm và lặng lẽ, và thường nhật ngày qua ngày…