Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới

Việt Nam là một trong bốn quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Đây là thông tin được TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết sáng 17-11 tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. 

 

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, Việt Nam tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Đây là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam cùng các đối tác nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua, những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã đạt được. 

Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị tốt nhất thế giới

Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, mục tiêu của Việt Nam chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030 nghĩa là tới thời điểm đó, dịch AIDS không còn là mối quan ngại của mỗi cá nhân, của cộng đồng; nó trở thành bệnh bình thường.

"Chúng ta lượng hóa được số ca mắc giảm xuống dưới một nghìn trường hợp/năm, tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1/100.000 dân thì chúng ta được coi là cơ bản chấm dứt dịch AIDS", ông Long nói. 

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt ba giảm: Số người mới nhiễm HIV, số chuyển sang AIDS và các ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Chúng ta kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500 nghìn người không bị lây nhiễm HIV và 200 nghìn trường hợp không bị tử vong do AIDS.

Với người nhiễm HIV, nếu được điều trị sớm (chỉ số CD4 trên 350 tế bào/uL), người nhiễm HIV ở tuổi 20 có thể sống thêm 50-60 năm. Tuổi thọ của người nhiễm gần như người bình thường nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị.

Về điều trị, Việt Nam có chất lượng điều trị cao nhất thế giới. Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị tốt. Hiện có hơn 153 nghìn bệnh nhân đang điều trị ARV, tỷ lệ tuân thủ 12 tháng đạt 88%.

Xét nghiệm tải lượng virus tiếp tục duy trì năm thứ 3 ở mức cao.Tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96% và dưới ngưỡng phát hiện đạt 92%. 

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có hơn 52 nghìn bệnh nhân đang điều trị bằng methadone thường xuyên, hiệu quả cao. Buprenorphine được triển khai ở bảy tỉnh. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn xử trí nghiện ma túy tổng hợp. 

Điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) triển khai tốt. Hiện có 12 nghìn người đang sử dụng PrEP, tỷ lệ duy trì điều trị cao.

Đặc biệt, năm qua chúng ta chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang BHYT. Hiện có gần 50 nghìn bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua BHYT. 

Người có HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện sẽ không có nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính. Việc uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị cũng giúp người nhiễm HIV giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Việt Nam còn nhiều nguy cơ lây nhiễm từ các nhóm quần thể MSM, chuyển giới

Tại Việt Nam, ước tính năm 2020, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là gần 230 nghìn người, đứng thứ 4 so với các nước khu vực Đông Nam Á. Số lũy tích HIV tiếp tục tăng cao, cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. 

Mỗi năm vẫn có 10 nghìn ca HIV mới, còn khá xa để đạt mục tiêu 90-90-90 và chấm dứt đại dịch. Có 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội.

Hiện nay, hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy  cơ cao lây nhiễm HIV mới. 

Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam. Cách đây bảy năm, nhóm này chỉ khoảng 4% dương tính với HIV thì nay tăng lên khoảng 10-12%, có nơi tăng đến 15%.

Trong đó, số ca dương tính mới trong vòng một năm chiếm tỷ lệ lớn. Đây là dấu hiệu cảnh báo dịch gia tăng nhanh chóng ở nhóm nam quan hệ đồng giới. Việc tiếp cận với người nhiễm HIV thuộc quần thể "ẩn" như MSM, người chuyển giới để đưa vào điều trị ARV kịp thời vẫn là thách thức. 

“Nếu chúng ta không kiểm soát được nhóm MSM thì chúng ta rất khó có thể kiểm soát được dịch có thể xảy ra. Bởi vì, hiện nay trong số những trường hợp phát hiện mới, nhóm MSM đã chiếm tới 40-50%”, ông Long nói. 

Chúng ta cũng đang gặp khó khăn khi số bệnh nhân được tiếp cận với xét nghiệm từ BHYT còn thấp. Khó khăn trong vận chuyển mẫu và thanh quyết toán vẫn là rào cản trong việc cung cấp xét nghiệm từ nguồn BHYT.

Việc kinh phí viện trợ cắt giảm, nhân lực chuyên môn phòng chống HIV/AIDS giảm nghiêm trọng cũng đang tác động đến công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. 

Do đó, trong những năm tới, ông Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV sớm; Mở rộng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS; Tối ưu hóa phác đồ ARV theo khuyến cáo của WHO; Thực hiện can thiệp đặc thù nhằm tăng số người hiễn HIV thuộc các quần thể MSM, chuyển giới được tiếp cận với điều trị thuốc ARV sớm; Giám sát HIV kháng thuốc; Đa dạng các mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm...

Ngày 16-11, Quốc hội thông qua đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021

Luật sửa đổi lần này được Quốc hội xem xét và thông qua ngay trong một kỳ họp - kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14, với tỷ lệ 91,29% đại biểu Quốc hội (100% đại biểu có mặt bỏ phiếu) đồng ý. Đây là "kỷ lục", lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ; và là một trong ba luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới một trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, với những kết quả đã đạt được trong suốt 30 năm qua trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, những bài học kinh nghiệm và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là những cơ hội chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.