Thế hệ trẻ ngày nay và thế hệ ông bà/cha mẹ chúng ta có cách định nghĩa về “trưởng thành” rất khác nhau. Điều này dễ hiểu do khoảng cách thế hệ, và do trải nghiệm sống có nhiều khác biệt.
Đối với một số người lớn tuổi, “trưởng thành” dường như chỉ gói gọn vào vài cột mốc nhất định trong cuộc đời: học đại học, đi làm, mua nhà, kết hôn và sinh con. Nhưng với phần lớn gen Z và millennial, nó thể hiện ở khả năng đón nhận lời phê bình, khả năng nói “không” khi cần thiết, và khả năng quản trị bản thân.
Vậy chính xác thì ta nên nhìn nhận “trưởng thành” như thế nào? Tiến sĩ giáo dục Lê Nguyên Phương sẽ cùng bạn trả lời câu hỏi này trong tập 27 của Edustation. Thầy Phương đã có hơn 18 năm công tác trong ngành tâm lý học đường tại Mỹ và Việt Nam, đồng thời là tác giả bộ sách “Dạy con trong hoang mang” được công chúng tích cực đón nhận thời gian gần đây.
Trưởng thành có phải là quá trình hoàn thiện chính mình?
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương phân tích rằng, có hai cách nhìn nhận vấn đề này trong ngành tâm lý học. Một cách đầu tiên coi con người sinh ra đã là một bản vẽ hoàn thiện, và qua thời gian bản vẽ đó mới được hiện thực hóa (blueprint). Cách thứ hai nhìn nhận một em bé khi ra đời mới chỉ là “con”, sau quá trình học hỏi khi lớn lên thì mới trở thành “người”.
Dù vậy, cả hai quan điểm đều đồng tình với nhận định của triết gia Aristotle về con người: Có những tính cách ta sinh ra đã có, và những tính cách do tập nhiễm (học được) sau này. Và không phải cái gì ta tập nhiễm cũng tốt. Ví dụ một đứa trẻ lớn lên trong gia đình mất chức năng sẽ dễ hình thành kiểu gắn bó lo âu, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với bạn đời sau này.
Vì vậy, bản chất của việc “chữa lành” thực ra là bỏ bớt (unlearn) những điều tiêu cực để phục hồi về nguyên dạng tính cách tốt. Thế nên việc trưởng thành không chỉ là học hỏi và rút kinh nghiệm, mà đôi khi có những thứ ta phải buông bỏ để hoàn thiện chính mình.
Theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương, “trưởng thành” không chỉ là học hỏi, mà còn là buông bỏ khi cần thiết. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera
Tại sao chúng ta phải trưởng thành?
Với con sâu, nếu không chịu hóa bướm, nó sẽ trở thành mồi ngon của đồng loại. Vậy với con người thì sao? Liệu chúng ta có thể lựa chọn làm cậu bé Peter Pan, không bao giờ tiếp xúc với thế giới đầy phức tạp của người lớn?
Về vấn đề này, thầy Lê Nguyên Phương nêu ra sự khác biệt giữa 2 khái niệm trì hoãn sự trưởng thành (delayed maturity) và trì hoãn việc trở thành người lớn (delayed adulthood).
Theo thầy Phương, “maturity” là tiến trình xảy ra tự nhiên khi chúng ta sống, nhận thức, rút kinh nghiệm và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với bối cảnh xã hội, hoặc để ta thoải mái ở mức độ nào đó. Chẳng hạn ta cần học cách kiềm chế cảm xúc thay vì ăn vạ khi gặp điều không như ý. Còn “adulthood” là việc thực hiện các chức năng xã hội, như đi làm, kết hôn hay sinh con.
Vì vậy, một người có thể lớn lên rồi già đi, có con cháu nhưng vẫn không hề biết kiềm chế cảm xúc hay đón nhận lời phê bình. Trường hợp này cổ nhân vẫn gọi là “có lớn mà không có khôn”. Ngược lại, một người tuổi nhỏ, chưa có gia đình hoàn toàn có thể trưởng thành về mặt nhận thức, biết cư xử hài hòa trong từng tình huống khác nhau.
Để cân bằng hai khía cạnh trên, người trẻ cần nắm được những giá trị phổ quát của nhân loại: sự nhân từ, thông thái, công bằng hay tự do. Đây hầu hết là các yếu tố quá trình maturity hướng đến. Tuy nhiên “tự do” lại là yếu tố mà đôi khi bạn phải thực hiện chức năng của “adulthood” để đạt được, chẳng hạn bạn phải đi làm để có được tự do về tài chính.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhận định, để cân bằng việc “trưởng thành” và “trở thành người lớn”, ta cần nắm rõ các giá trị phổ quát của nhân loại. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera
Trưởng thành: Sự cân bằng giữa độc lập và kết nối
Theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương, ngoài việc trở nên độc lập về tài chính và cảm xúc, sự trưởng thành còn thể hiện ở khả năng kết nối (interconnect) với vạn vật, với những người quanh ta để hình thành các mối quan hệ ý nghĩa. Tuy nhiên thầy Phương cũng làm rõ sự khác biệt giữa phụ thuộc, lệ thuộc và tương thuộc bởi chúng ta có xu hướng nhầm lẫn giữa 3 khái niệm này.
“Phụ thuộc” là điều một người có thể phải trải qua trước khi độc lập, chẳng hạn trước 18 tuổi chúng ta phụ thuộc vào bố mẹ về tài chính. Còn “lệ thuộc” xảy ra khi ta định danh mình với một đồ vật hoặc con người nào đó, chẳng hạn lệ thuộc vào mạng xã hội để tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Bản chất của điều này là ta trở thành nô lệ với bản ngã của chính mình, để nó xoay ta như một cái chong chóng, dần dần mất phương hướng.
Trong khi đó, “tương thuộc” là trạng thái cân bằng mà chúng ta cần đạt tới trong quá trình trưởng thành. Ta duy trì được sự độc lập của mình, nhưng vẫn kết nối được với thiên nhiên, với người khác. Chẳng hạn bạn có thể đang hẹn hò, nhưng bạn không lệ thuộc hoàn toàn vào người ấy để hạnh phúc, mà vẫn tìm được những niềm vui riêng khi ở một mình. Đó là bạn đã đạt được trạng thái “tương thuộc”.
Theo thầy Lê Nguyên Phương, để đạt được sự “tương thuộc”, chúng ta cần có kỹ năng tự nhận thức. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera
Và để đạt được trạng thái ấy, chúng ta cần có kỹ năng tự nhận thức (self-awareness) để nhìn thấu căn nguyên cảm xúc và hành động của mình. Ta cũng cần giữ tâm thế cởi mở để liên tục học hỏi, và buông bỏ những khung nhận thức nhất định khi chúng không còn phù hợp.