Chưa hết, thơ nước mình còn có tên, có ngày lễ hẳn hòi! Trong số hơn 3000 ngày lễ của một năm, có hẳn một ngày riêng dành cho thơ: Ngày Thơ Việt Nam, diễn ra vào rằm Nguyên Tiêu, ngày rằm đầu tiên của năm mới! Dã sử chép rằng: “Hằng năm, cứ đến rằm tháng giêng, các cụ ta lại nô nức trẩy hội thi phú...”
Tác giả Nguyễn Văn Hoà và niềm đam mê với thơ ca…
Từ bấy cho tới nay, sáng tác thơ, thưởng thơ, thôi thì có đủ muôn màu, muôn kiểu. Có năm nọ, người ta buộc thơ vào bóng và thả nó lên giời. Khi bóng và thơ túa lên trời xanh mây trắng, kẻ chữ nhiều cùng kẻ chữ ít, người có học lẫn người thất học, nhất loạt ngửa mặt hướng thiên, trầm trồ, hoan – hỷ - hả! Kể ra cũng vui, nhất là khi, có những cái vui chốc lát, khiến cho người ta tạm thời quên đi cái sự đói nghèo (nếu có)! Song, cũng chẳng được lâu, niềm vui chẳng chóng cũng chày bởi sự đời nó éo le!
Và trước việc thăng thiên thơ phú của các cụ, đám con cháu, trẻ nít lại cho rằng đây thật là một việc làm cực kỳ vớ vẩn, rất nguy hại cho môi trưởng! Bằng chứng là có hẳn một em bé chuẩn bị vào lớp 6 ở đất Thủ đô, đã viết tâm thư phân tích tác hại của mấy cái thứ kia, rằng thì là làm ô nhiễm môi trường, rằng thì là có thể làm chết rất nhiều loại động, thực vật trên đất liền và cả biển sâu! Ôi thôi, thương thay! Nguy tai!
Bìa cuốn sách Tình Thơ Bạn Thơ
Rồi nhớ có năm nọ, cũng trong đêm rằm lễ thơ, tân hình thức nhào nặn cùng hậu hiện đại, phởn chí lên ngôi, một số "cụ” lên sân khấu trình diễn (đọc) thơ, diễn đến đâu đốt thơ đến đấy, cứ như lâm - linh - dệt tầm gai, ý a ý ới.
Đọc và đốt thơ xong, người tã tượi ra, như thể đang có con đồng cậu bóng nhập vào, rồi rú ré hư hóa rồ. Càng rú càng hăng bởi có thêm cái đám phụ họa ở dưới hò reo, ta thưởng! Thành thử, rồ cả một bộ phận không nhỏ! Đáng thương cho kẻ nào đi qua mà chả biết ất giáp gì về thơ phú, trông thấy, hoặc thảng thốt giật mình, hồn xiêu phách tán, hoặc lại tưởng bỗng đâu lạc bước về cái thời giải thích vạn vận bằng truyền thuyết, cổ tích!
Nhưng, may thay!
Dăm ba cái khúc biến tấu khác thường với thơ kia cũng không nhiều và sớm đoản! Phúc phận vẫn còn cho dân chữ nghĩa, khi mà đến với thi họa, văn phú của nước nhà, phần lớn đều những người tao nhã! Những người thành tâm đến với văn thơ, thực hành nghệ thuật về nó bằng niềm hứng khởi của lòng tự trọng… thực đáng trân quý lắm thay!
Vậy nên, tập tiểu luận, phê bình "Tình Thơ Bạn Thơ – 36 khúc đò đưa" của Nguyễn Văn Hòa là một trong số điều đáng trân quý như thế!
Trước khi cầm trên tay và đọc "Tình Thơ Bạn Thơ – 36 khúc đò đưa" của Nguyễn Văn Hòa, tôi và anh chàng Phú Yên này cũng đã biết nhau được mấy năm, bắt đầu từ cái duyên nợ làm Nghiên cứu sinh Văn học Việt Nam ở xứ Huế.
Qua một số lần tương tác, trò chuyện (chủ yếu trên mạng xã hội), cũng đã kịp nhận ra rằng đây là anh chàng rất say thơ! Rất, rất nhiều người, cứ hễ có tập thơ, cuốn sách thơ văn nào mới ra lò, đều hồ hởi gửi biếu tặng. Anh chàng Phú Yên rất biết trân trọng chữ nghĩa này, đã thực tâm nhận lấy, thôi thì đủ cả! Vì say thơ, yêu chữ nghĩa như thế, thành ra đến độ, nhiều lúc, thấy cái cách say ấy nó chả khác gì cái kiểu nặng nợ với bàn đèn của mấy anh chàng hút xách! Là bởi, bình thường thì không nói làm chi, nhưng khi có thơ thì anh ta tỉnh cả người, như anh chàng ăn thuốc trở nên tỉnh táo khi được nằm bên bàn đèn. Nhưng rồi cũng có khi, cũng như mấy mấy anh chàng hút hiếc kia, lắm lúc ăn cả phải những thứ “thuốc” không lấy gì làm thơm tho cho lắm!
36 khúc đò đưa “Tình Thơ Bạn Thơ” của Nguyễn Văn Hòa (cùng với Văn đàn BNN, Tủ sách Thơ Bạn Thơ của Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên) là một hành trình, một sản phẩm đáng trân trọng, nó thể hiện tâm thức chân thành đối với thi ca. Riêng Nguyễn Văn Hòa, anh đã mải miết đọc, và thật vui, sau sự đọc này, anh đã chắt lọc được nhiều điều lấp lánh! Những điều lấp lánh này nó giúp người ta thấy rằng anh đang thực hành lối thưởng thơ tinh tế và thực tâm của một người đàng hoàng. Từ việc lựa chọn các tác giả, lựa chọn một số thi phẩm tiêu biểu… cho đến việc sử dụng ngôn từ để diễn giải trong cuốn sách, đã cho thấy điều đó!
Những tình yêu chất chứa cho thơ
Về cách chọn 36 khúc đò đưa để gộp chung vào “Tình Thơ Bạn Thơ” của Hòa, tôi muốn nói thế này: Đấy là công việc hoàn toàn cá nhân, hoàn toàn theo trực quan thơ trong anh mách bảo! Cá nhân, tôi không nhận xét rằng trong 36 khúc kia, khúc nào nên để, khúc nào nên bỏ! Tôi không đời nào làm cái việc dại dột như thế. Đơn giản vì tôi không có được cái sự rong ruổi với “quá trình thơ” như anh, và cái sức đọc của tôi, đặc biệt là về thơ, nó mỏng hơn Hòa rất nhiều! Mà, kể cả khi có sức đọc được như anh thì mình cũng không được tự tiện cho mình có cái quyền nhận xét “sự lựa chọn của tác giả” là nên hay không nên!
Lý do đơn giản thôi, cái việc lựa chọn, thưởng thức này, với đặc trưng mỹ học chuyên ngành, nó phụ thuộc lớn vào cảm xúc chủ quan cá nhân của từng người. Cho nên, có nhiều chỗ, anh ta cho rằng nó rất hay nhưng mình lại thấy không phải thế (và, ngược lại). Điều này, giống như món ăn, ngon hoặc không ngon, phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị, và là văn chương, nó tùy thuộc vào mỹ học cảm nhận của từng người!
Sự lựa chọn của tác giả, hẳn nhiên có cái lý của người ta, ở đây tôi không dám lạm bàn. Song lẽ, vốn dĩ cũng có cái tý máu văn nghệ văn gừng, nó trỗi dậy, vậy nên, khi đọc xong 36 khúc đò đưa “Tình Thơ Bạn Thơ” của Hòa, cũng thấy có đôi chỗ, đối với mình, nó chưa… khoái!
Cái chưa khoái thứ nhất, ấy là ở cách trình bày (ở đây là nói đến form văn bản)! Thật tình, tôi thấy nó… hơi luộm thuộm! Nhiều ý bình thơ khá hay và thú vị nhưng lại bị chứa đựng trong những câu văn (dòng) phá vỡ quy chuẩn văn bản Tiếng Việt (như trích thơ liền dòng, không xuống hàng và nhất là cái kiểu không “thụt đầu dòng” như thường lệ…). Thành ra, thực lòng, nom có vẻ kém sang! Nếu là tôi, tôi sẽ cẩn trọng và làm việc cụ thể hơn với bộ phận “Sửa bản in & Chế bản”, và với người “Đọc bản in thử”, để khi sản phẩm ra lò, người đọc sẽ được cầm trên tay một sản phẩm có cách trình bày tươm tất, bởi nói gì thì nói, đây là một sản phẩm của văn chương! Sở dĩ tôi phải nói rõ “nếu là tôi” như thế, là vì, trước giờ tôi vẫn thực hành theo lối chính tả truyền thống, gắn với quan điểm mỹ học “Bản thân hình thức cũng mang tính nội dung, là biểu hiện của nội dung”! Còn trong cuốn sách của Hòa, biết đâu, cách “dàn trang” kia lại mang một dụng ý nào đó của tác giả và bộ phận chế bản! Có thể là vậy lắm chứ! Điều gì cũng có thể xảy ra!
Cái chưa khoái thứ hai, ấy là có lẽ vì nhập tâm quá, thành thử khổ chủ Nguyễn Văn Hòa (hình như) quên mất rằng, có đôi chỗ, anh đang lặp lại chính mình.
Đọc văn anh, nếu là đọc từng bài phê bình riêng lẻ (ở những nơi khác nhau) thì khó phát hiện ra điều này, nhưng khi đọc liền 36 khúc trong một tập sách, thì dễ nhận ra những “motif quen thuộc”! Chẳng hạn như người đọc sẽ thấy có những câu văn “na ná” nhau và (thậm chí) được sử dụng ở nhiều bài, ví như: “Tình yêu trong thơ…. mang nhiều….”, “là hành trình...”, “... đã để lại cho bạn đọc ấn tượng khá sâu đậm về...”, “đằng sau... là sóng gió”, “Ý thức sâu sắc rằng...”, “trang thơ là…”, “ám ảnh, day dứt”, “lặng lẽ sống, lặng lẽ viết...”, “thơ của... là thơ của cảm xúc”, “... nghiền ngẫm, chiêm nghiệm...”, “Đọc thơ... người đọc sẽ nhận ra/ nhận thấy…”, “thơ... ẩn chứa nhiều nỗi niềm sâu kín”, “nhà thơ trăn trở, day dứt…”, “Bàng bạc nỗi buồn, nỗi cô đơn, khắc khoải…”, “thơ... bộc lộ nhiều trăn trở, suy nghĩ và day dứt”, “Thơ... đã tạo nên một giọng điệu riêng”…
Tất nhiên, đây không thể là cái cớ để chê tác giả, mà, để mình nhìn vào đấy, sẽ học hỏi được rất nhiều điều! Thử đặt mình vào trường hợp này để tìm câu trả lời vì sao lại có “motif quen thuộc” kia, thốt nhiên, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh của một người có khiếu ẩm thực! Người ấy, quen ăn những món ngon, hẳn nhiên anh ta sẽ có cái cách thực hành của riêng mình! Ví như, ăn cua ghẹ chẳng hạn (chỗ này do bí quá, lấy đại ví dụ về… cua ghẹ). Kẻ sành ăn, đầu tiên anh ta sẽ khéo léo mở cái mai của đối tượng, tiếp đến lại nhẹ nhàng lột cái yếm ỡm ờ kia ra, rồi tìm đến những chỗ có thớ thịt trắng ngần!
Và, cứ thế, cứ thế cảm nhận những hương vị ngọt ngon, mặn mòi của biển cả... theo trình tự lớp lang, không đi đâu mà phải vội! Sau nhiều lần chủ động thưởng thức như thế, thành ra, vô hình trung, nó tạo nên cái “nếp”! Cái nếp thưởng lãm dễ thương (nhưng nếu không khéo léo, sẽ trở nên dễ… nhàm)!
Cũng còn một cái chưa khoái nữa, ấy là (cười), không hiểu sao, tôi lấn cấn có cái cảm giác rằng, Hòa vẫn chưa thật sự bứt phá khỏi cung cách truyền thống! Tất nhiên, tôi không cổ súy anh phải tân hình thức hay phá cách này nọ… trong thực hành bình thơ! Song le, tôi vẫn tin và hi vọng, tới đây, trên hành trình chơi thơ của mình, Hòa sẽ sớm có thêm điều gì đó mới lạ trên nền tảng "phong vị cổ truyền"!
(…)
Đọc sách của anh, theo cái kiểu rông (quá) dài như thế, lại thêm cái kiểu vạch lá, CỐ TÌM CHO BẰNG ĐƯỢC MỘT CON SÂU NÀO ĐÓ, nên, thôi thì, cùng là dân văn với nhau, có gì đó mạo muội, mong anh bỏ quá! Tôi rõ ràng chưa viết được cái gì nên trò, nên trống, mà lại “múa rìu” nhắng nhít thế này, thật là thiện tai hết sức!
Tôi không có được cái can đảm đọc nhiều thơ như Hòa đang sở hữu, vì thế, tôi chả dám lạm bàn nhiều về thơ. Có chăng, chỉ là “Lời quê chắp nhặt…”. Vậy nên, những cảm nhận của tôi về Nguyễn Văn Hòa, về lối thưởng lãm thơ của anh mà tôi vừa cà kê ở trên, tất nhiên chỉ dừng lại ở một số cảm nhận chủ quan, và, không phải là phê bình về phê bình! Hoàn toàn không phải vậy!
*Nhân đọc "Tình Thơ Bạn Thơ – 36 khúc đò đưa", Tiểu luận, phê bình của Nguyễn Văn Hòa.