Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thuốc lá điện tử thế hệ mới có mẫu mã đa dạng, cuốn hút nên đang trở thành một sản phẩm “hút” giới trẻ. Những loại này có sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế, đưa vào tùy thích. Đây chính là kẽ hở để thuốc lá điện tử bị “biến tướng”, trộn thêm ma túy.
Bác sĩ Nguyên cho biết, từ năm 2019, bệnh viện mới bắt đầu ghi nhận các trường hợp nhập viện do ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử. Các bệnh nhân khi nhập viện đều có biểu hiện điển hình của ngộ độc ma túy, đó là bị sốc, co giật, ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, tâm thần, tim mạch…
Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, kim loại, chì, thủy ngân..., nên ảnh hưởng không nhỏ đến hệ hô hấp, tim mạch, não bộ… Đặc biệt, propylene glycol trong thuốc lá điện tử có thể tạo thành propylene oxide - một chất gây ung thư khi được đun nóng.
Bên cạnh đó, thành phần nicotine có trong thuốc lá điện tử còn gây ra vấn đề rối loạn mạch máu, gây co mạch, giãn mạch bất thường và là nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa da sau ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, với những người có sẵn bệnh lý liên quan đến mạch máu, như: Xơ cứng bì, mề đay, vảy nến…, nếu dùng thuốc lá chứa nicotine sẽ khiến các bệnh này nặng lên. Do đó, với những bệnh nhân đang điều trị về da liễu, các bác sĩ đều khuyên họ từ bỏ ngay thuốc lá để phác đồ điều trị hiệu quả hơn.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc làm tăng nguy cơ lây truyền vi rút SARS-CoV-2. Thêm vào đó, khi sử dụng chung ống điếu, ống tẩu cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền vi rút trong cộng đồng. Thậm chí, những người hút thuốc khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường.