Tết ơi, níu ta về những ngày tháng cũ

Nhuận Phẩm
Sáng 23 tháng Chạp, tôi thức dậy sớm hơn thường ngày, chuẩn bị lễ để đưa ông táo về trời rồi ra vườn đón nắng sớm trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm.

Hai con tôi đang nô đùa trước ngõ và hớn hở gọi: “Mẹ ơi ra đón ông mùa xuân”. Tôi ngạc nhiên không biết con tôi nói đến ai. À, thì ra ông già bán mai mà con tôi gọi là “ông mùa xuân”. Cứ ngày đưa ông táo hàng năm, với nụ cười phúc hậu, “ông mùa xuân” lại qua ngõ nhà tôi chở những chậu mai còn chúm chím nụ đến cửa nhà mọi người và đó là lúc những bé con của tôi bắt đầu đếm ngược bảy ngày cuối cùng của năm để đến tết.

tet-oi-niu-ngay-thang-cu-1643596873.jpeg
Dù đi đâu Tết là dịp đoàn viên, sum tụ... Ảnh: Hà Kiều

Tôi chợt thấy chạnh lòng. Đã qua lâu rồi cái tuổi tết là những hân hoan chờ đón, để thay vào đó là những lo toan của cuộc sống thường ngày. Giờ thấy tết như một người bạn cũ rất lâu rồi không gặp, bỗng trở nên xa lạ. Tiếng cười trong trẻo của những đứa trẻ trong xóm chạy nhảy quanh ông già bán mai bỗng làm tôi thấy gần gũi hơn với Tết.

Tết sao mà nhớ mẹ. Nhớ ngày tiễn ông táo mẹ thường khơi tro bếp, dọn bếp núc cho thật sạch, rồi nhân tiện lấy một ít tro ngâm củ hành trước khi muối. Anh em tôi được một bữa tiệc “Halloween” vui vẻ với mặt mũi lem nhem của than củi và tro và những tác phẩm bằng than vẽ đầy trên nền đất cùng những tràn cười ngặt nghẽo. Tôi thường hay núp vào sau lưng mẹ khi anh hai đuổi bắt. Những trò nghịch ngợm của chúng tôi đôi khi khiến mẹ bực mình nhưng cũng làm mẹ cười thật nhiều. Mẹ hạnh phúc nhìn chúng tôi lớn lên bên nhau.

Tôi nhớ dáng mẹ ngồi bên thềm gói những chiếc bánh chưng xanh, kể những câu chuyện về thời thơ ấu của mẹ sống với ông bà ở một ngôi làng ở một miền quê bắc bộ, kể về những món ăn ngày tết mẹ được ông ngoại, là một đầu bếp, dạy như thế nào. Mẹ đã giữ tất cả như một kỷ niệm, như một món quà hồi môn vô giá của người con gái theo chồng xa quê.

Tết trong tôi là khi ngôi nhà tràn ngập trong âm nhạc với những bài nhạc xuân khi anh hai tôi suốt ngày đi sưu tập cùng bạn bè. Mày mò rồi chỉnh sửa những chiếc loa cũ anh sưu tầm được để cho âm thanh hay hơn, rồi lau chùi chiếc máy casset cổ cho đến lúc nó sáng bóng, và cuối cùng hỏi fan hâm mộ duy nhất trong nhà là tôi xem mọi thứ đã tuyệt vời chưa. Anh nhún nhảy theo điệu nhạc trong khi cô em gái ngồi vỗ tay tán thưởng.

Tôi nhớ góc vườn nhỏ mùa xuân của anh hai khi anh bắt đầu thời niên thiếu và tôi còn là một cô bé con. Anh gieo trồng các lọài hoa nào thược dược, cúc, vạn thọ, trường sinh, cánh bướm. Mỗi ngày hai anh em chăm bón và ngắm nhìn những cây hoa lớn lên với những chồi non mới. Mỗi ngày, những đứa trẻ trong làng gặp nhau để khoe xem hoa trong vườn nhà mình lớn đến đâu, ra mấy chồi non mới, được mấy búp hoa rồi trong sự vui mừng và hãnh diện. Có lần tôi đã khóc khi buổi sáng thức dậy nhìn thấy một con sâu ăn mất một ngọn cây khiến anh phải dỗ dành, rồi lại reo vui với cảm xúc hân hoan khi thấy những nụ hoa bắt đầu hé nở. Và rồi một ngày hương thơm thoang thỏang trong vườn và sắc màu của các lòai hoa bắt đầu rực rỡ như một món quà mà thiên nhiên dành tặng cho nỗ lực của anh em chúng tôi. Với tôi, anh hai là một người làm vườn cừ nhất!

Tết cho tôi nhớ về ngôi làng nhỏ. Nơi ấy, có mùi nếp mới thơm lừng tỏa ra từ những gian bếp nhỏ, mùi bánh thuẩn, bánh xốp, mức gừng quyến rũ tất cả trẻ con chúng tôi đến nỗi mong chờ nôn nao từng ngày cho đến tết để được ăn thỏa thích. Nơi ấy, có mùi cỏ tươi được cắt dọn ven đường vào làng, mùi rơm rạ đốt đồng để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Nơi ấy, có tiếng pháo tưng bừng đêm giao thừa, có lời chúc nhau một năm mới an lành và hạnh phúc.

Tết ơi, níu ta về những ngày tháng cũ ….

Trần Thị Thanh Vân