Cách đây 5 năm, tôi và người bạn thân đi du lịch Sapa. Trên thị trấn mù sương và lạnh lạnh ấy, chúng tôi bắt gặp nhiều em bé đang tuổi cắp sách đến trường, đi chân trần, quần áo phong phanh, phải địu em hoặc đi theo các đoàn du lịch. Hướng dẫn viên, các chủ nhà hàng khách sạn luôn nhắc chúng tôi là đừng cho các em tiền vì có tiền sẽ không đứa nào chịu đi học. Ấy vậy nhưng tôi và cô bạn không chịu được, cũng cho mấy bé chút tiền mua quà, cô bạn tôi còn mua tặng cho một em bé đôi giày đi bộ khá đẹp.
Rồi tôi bán cơm bình dân, khách khứa đông nhưng cũng không thiếu những hoàn cảnh. Bữa nọ đang nói chuyện với mấy chị nhân viên, thì một thanh niên trong trang phục xộc xệch tới chìa tay xin tiền bảo mua vé về quê. Tôi cho 20.000 xong thì chị nhân viên nói: nhưng người vậy cưng đừng cho, họ ăn quen sẽ đi xin hoài. Tôi chỉ cười trừ thôi kệ, không có bao nhiêu.
Một vài trường hợp phổ biến chạm đến tình cảm của rất nhiều người, và tôi nghĩ không chỉ riêng tôi có hành động như vậy. Nhưng đó thuộc phạm vi hẹp có thể xem là nghĩa cử, có thể xem sao cũng được như một chút tấm lòng. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập thêm một phạm vi cảm tính khác mà rất hay được nhắc đến bằng cụm từ khá “ngôn tình” như “nợ một lời xin lỗi”. Mùa mưa, đường phố Sài Gòn chìm trong biển nước, truyền thông lên tiếng đòi lãnh đạo thành phố có lời xin lỗi, thẩm phán tuyên án sai dẫn đến bị cáo tự tử thì đòi phía tòa có lời chia buồn, hay quan chức làm sai thì xin lỗi rút kinh nghiệm,… Tất cả đều đầy cảm tính? Nhiều khi tôi tự nghĩ có phải chúng ta đòi hỏi quá dễ dàng cho những sai phạm hay không?
Tôi nhớ, mỗi lần tôi đi Úc, khi máy bay sắp hạ cánh, mỗi người được phát cho một tờ khai báo hải quan, và màn hình phát thêm 1 cái đoạn phim ngắn với thông điệp đại loại như “đừng nói xin lỗi, hãy khai báo thành thật!”. Rất đơn giản là họ đòi hỏi hành khách khi nhập cảnh hãy hành động đúng theo yêu cầu, đừng làm sai để rồi có nói xin lỗi hay năn nỉ gì cũng khó chấp nhận.
Việc cho ai đó cái gì hoặc chia sẻ với những lỗi lầm sai phạm chỉ là sự xoa dịu bao dung của mỗi người mà không thể giải quyết được bất kỳ điều gì. Tôi đang tự mình thay đổi theo hướng lý trí, với một sai phạm thì tôi quan trong một hành động sửa sai hơn là một lời xin lỗi. Đường phố Sài Gòn ngập nước mỗi mùa mưa, tôi không đòi lãnh đạo thành phố lời xin lỗi mà là một giải pháp dài hơn, tôi làm việc và có đóng thuế cho nhà nước và tôi có quyền được yêu cầu một cuộc sống an sinh tốt hơn. Một công ty đòi nợ đến nỗi con nợ tự tử thì đòi hỏi sự minh bạch trong quy trình cho vay và chịu trách nhiệm với nạn nhân. Hay hàng loạt dự án bất động sản sai phạm và khách hàng trở thành “cù bất cù bơ” mà cứ an nhiên rơi vào thinh không?
Có một câu nói đùa khiến tôi luôn suy nghĩ là “Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết”. Có phải nguyên nhân là do “tất cả chúng ta đều cảm tính”? Có phải chúng ta quá dễ tha thứ ? Hay ít nhất chúng ta không biết đòi lại nhiều hơn một lời xin lỗi? Nhiều khi tôi suy nghĩ phải chăng sự cảm tính đủ khả năng bao biện cho sự minh bạch và tước đoạt của chúng ta sự phát triển? Khi mà văn hóa xin lỗi và nhận trách nhiệm còn chưa quen thì đòi hỏi tạo thêm văn hóa minh bạch, văn hóa hành động xử lý triệt để có bị quá chăng?
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!