Viêm mũi dị ứng là bệnh về đường hô hấp phổ biến ở hầu hết các đối tượng, từ già đến trẻ. Bệnh là phản ứng của cơ thể trước các yếu tố gây Dị ứng nội sinh, ngoại sinh dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm tại niêm mạc mũi.
2 cấp độ của bệnh viêm mũi dị ứng
Các chuyên gia y tế phân loại viêm mũi dị ứng thành 2 dạng riêng biệt như:
Viêm mũi dị ứng cấp tính: Đây là tình trạng viêm mũi dị ứng tái phát không theo chu kỳ, xuất hiện đột ngột khi tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng.
Viêm mũi dị ứng mãn tính: Diễn ra theo chu kỳ lặp lại trong năm và kéo dài từ năm này qua năm khác.
Tuy 2 dạng viêm mũi dị ứng này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ quả như viêm xoang, hen suyễn, hen phế quản... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng do các yếu tố như:
Sự thay đổi thời tiết: Khi thời tiết thay đổi đột ngột, dẫn đến nhiệt độ, độ ẩm biến đổi làm cho niêm mạc mũi không thích nghi kịp. Điều này dẫn đến hiện tượng kích ứng và dẫn đến viêm mũi dị ứng.
Cơ địa, ví dụ như bạn dễ bị dị ứng với lông động vật, phấn, nước hoa… khi tiếp xúc với những vật này, cơ thể bạn sẽ kích thích.
Thức ăn: Theo thống kê, ăn hải sản, trứng,… là một trong những thực phẩm có khả năng gây viêm mũi dị ứng nhiều nhất.
Bệnh lý, những người mắc hội chứng nhiễm trùng mãn tính như viêm xoang, viêm amidan, viêm họng... có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng cấp và viêm mũi dị ứng mãn tính.
Lạm dụng thuốc, như thuốc nhỏ mũi trong thời gian dài có thể khiến niêm mạc mũi bị khô, xơ hóa, dẫn đến nguy cơ viêm mũi, xung huyết, phù nề niêm mạc,…
Cấu trúc mũi: Một số người bẩm sinh co cấu trúc mũi vẹo, mào vách ngăn,… nguy cơ viêm mũi cũng cao hơn những người bình thường.
Phân biệt triệu chứng của viêm mũi dị ứng với viêm mũi không dị ứng
Để nhận biết sớm dấu hiệu của viêm mũi dị ứng và viêm mũi không dị ứng là điều không dễ, rất hay nhầm lần. Theo chuyên gia, các triệu chứng của 2 loại viêm mũi này là:
Viêm mũi dị ứng
Nghẹt mũi: Là dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân là do nước mũi chảy nhiều, do cản trở không khí lưu thông khoang mũi.
Chảy nước mũi: Nước mũi chảy liên tục, dạng lỏng, trong suốt và đôi khi biến thành dạng đặc nhầy, có mủ khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Đau đầu: Bệnh nhân chảy nước mũi quá nhiều sẽ dẫn tới khó thở. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, ù tai ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
Khác với viêm mũi dị ứng, chứng viêm mũi không do dị ứng có các biểu hiện như: Ít hắt hơi hơn, nhưng lại nghẹt mũi, nước mũi thường là dịch nhầy đặc hoặc dịch mủ. Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi rã rời toàn thân, có thể có sốt và sợ lạnh.
Các biến chứng của bệnh viêm mũ dị ứng
Viêm mũi dị ứng nếu không chữa trị kịp thời, dứt điểm sẽ dẫn đến các biên chứng như: Viêm xoang cấp và mạn tính do ứ động dịch tiết, hình thành các ổ viêm, gây tắc các lỗ thông xoang; viêm họng và viêm tai giữa.
Khi bị viêm mũi dị ứng, nhiều người còn bị ngứa cả mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt dễ nhầm với bệnh viêm kết mạc, hay do bệnh nhân gãi, dụi mắt nhiều có thể gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị giác của người bệnh.
Đáng chú ý, bệnh viêm mũi dị ứng còn có liên quan mật thiết đến bệnh hen suyễn. Những yếu tố gây viêm mũi dị ứng cũng thường là các yếu tố gây khởi phát cơn hen.
Vì thế, một số bệnh nhân viêm mũi dị ứng kéo dài sẽ có nguy cơ cao mắc hen hơn người bình thường và đối với bệnh nhân hen bị viêm mũi dị ứng nếu không điều trị tốt thì các cơn hen sẽ bùng phát nặng hơn, nhất là vào mùa lạnh.
Làm gì khi bị viêm mũi dị ứng?
Khi có biểu hiện viêm mũi dị ứng, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để kịp thời chữa trị. Đồng thời, tránh tiếp xúc với các vật gây dị ứng. Về dùng thuốc, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như dạng xịt, dạng uống, hay thuốc kháng histamine.
Để làm giảm triệu chứng ngạt mũi, người bệnh có thể sử dụng thuốc thong mũi. Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài cũng không tốt và phải theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn có thể dùng nước ấm, nước muối hoặc nước có pha một chút tinh dầu bạc hà,... giúp thông mũi.