Chuyện tình thời hoa lửa là cuốn tự truyện của nhà giáo kháng chiến Phạm Thị Hải Ấm là những trang viết chân thực, sinh động, tỉ mỉ... về những năm tháng chiến đấu, công tác của chị với những người đồng chí, đồng đội của mình và cả những tình cảm nhớ thương da diết chị dành cho những người thân yêu, ruột thịt. Những năm tháng ấy với biết bao kỉ niệm vui buồn của chính bản thân, những tình cảm thân thương trìu mến với những nơi chị đã đi qua, với từng con người mà chị đã gặp. Tất cả đã trở thành nỗi nhớ, niềm yêu thương vô bờ. Phạm Thị Hải Ấm nhận ra rằng con đường của hạnh phúc càng chông gai, càng thử thách thì giá trị của hạnh phúc càng lớn lao và bền vững. Và đúng như thế, cuộc đời chị là một minh chứng cho những điều vừa nói ở trên.
Đó là niềm vui, hạnh phúc và có cả những giọt buồn xốn xang của một chặng đường đã sống và cống hiến. Phạm Thị Hải Ấm đã dành cả tâm huyết, tình yêu thương, sự nghiêm túc, cẩn trọng trong từng chi tiết để hoàn thành cuốn tự truyện Chuyện tình thời hoa lửa.
Tháng 3/1969, rời mảnh đất Phú Thọ, nơi chôn nhau cắt rốn theo sự điều động của ngành giáo dục để lên đường vào Nam làm nhiệm vụ. Chị được phân về miền Tây Nam Bộ dạy Trường Nguyễn Văn Bé (Trường này giành cho con em cán bộ Trung, cao cấp của khu 8) nhưng hình ảnh con người và cuộc sống quê hương vẫn in đậm trong tâm can Phạm Thị Hải Ấm. Những ký ức thời thơ ấu, những điều mắt thấy, tai nghe và cả những lời kể của mẹ, hình ảnh của cha luôn hiện diện. Cảnh nhà mình, cảnh làng quê, phố huyện, chuyện trong nhà, dòng họ, xóm giềng vẫn vẹn nguyên trong trái tim.
Là người con sinh ra và lớn lên trong khói lửa của chiến tranh nên Phạm Thị Hải Ấm ý thức sâu sắc về trách nhiệm của một công dân nên chị không ngần ngại lên đường vào Nam theo sự phân công. Nhưng là phụ nữ nên cũng không tránh khỏi những phút yếu lòng. “Đi đường mệt mỏi nhưng đêm Trường Sơn đầu tiên tôi rất khó ngủ bởi nỗi nhớ nhà cồn cào mà phải cắn răng, bụm miệng không dám khóc thành tiếng. Tôi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ chị em, nhớ bạn bè, nhớ con sông quê hương, ngôi nhà thân yêu với bao loài hoa thơm trái ngọt vườn nhà...
Sáng hôm sau thức dậy, tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Ngước tầm mắt ra phía xa, tôi nhận thấy đó chính là con đường chúng tôi sắp phải đi qua mà mọi dấu hiệu đều cho thấy sẽ đầy máu lửa, đạn bom và thử thách khắc nghiệt”. Đó chính là những lời tâm sự rất chân thành của cô gái trẻ Hải Ấm lúc đó.
Phạm Thi Hải Ấm đã trải qua những tháng ngày gian lao, nhọc nhằn lại là người có đời sống nội tâm phong phú nên điều gì xảy ra cũng để lại cho chị ấn tượng khó phai mờ. Do vậy, giống như thước phim quay chậm, chị đã lần lượt tái hiện lại tất cả những sự việc đã xảy ra với mình, với đồng đội, với bạn bè và cả những người thân. Bên cạnh những trang viết bằng văn xuôi, tập sách còn có những bài thơ đậm chất trữ tình mà Phạm Thị Hải Ấm khiêm tốn gọi là “Những bài thơ cây nhà lá vườn”. Ở đó đã thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc trong mọi ngõ ngách tâm hồn.
Khác với những cuốn tự truyện khác viết về chiến tranh, ở tập sách này Phạm Thị Hải Ấm nhấn mạnh đến “chuyện tình thời hoa lửa”. Ở đó, có lẽ là những tình cảm chân thành, thân thương, gần gũi thậm chí bất ngờ và “kỳ lạ”. Mãi cho đến bây giờ - khi đã có tuổi nhưng Phạm Thị Hải Ấm vẫn không thể nào nguôi quên những tháng ngày nhọc nhằn, gian khó nhưng rất đỗi hào hùng và nghĩa tình đến thế. “Cuộc sống thời chiến lành ít dữ nhiều, nguy hiểm và mất mát có thể ập tới bất cứ lúc nào nhưng cũng có những khoảng lặng rất lãng mạn và nên thơ để những chàng trai cô gái tiền phương thể hiện tình cảm hoặc chỉ đơn giản là cùng nhau làm những công việc bình thường như trong thời bình”.
Tình người là cầu nối nhân duyên đưa chị đến với tình yêu đôi lứa. Như lẽ chim trời cá biển, một sự tình cờ chị và anh Quý quen nhau và yêu nhau. Đám cưới của chị được đơn vị tổ chức vào ngày 29 Tết năm 1971 đơn giản nhưng ấm áp, tràn ngập tình thương yêu. Trước khi đám cưới diễn ra, đợn vị nơi chị đóng quân phải chịu một trận càn lớn, xém chết hụt nhiều người. Để rồi, khi trở lại đất Bắc làm việc (chị về công tác ở Bộ Giáo dục - Đào tạo cho đến lúc nghỉ hưu) nhưng tình cảm đối với miền Nam vẫn luôn canh cánh bên lòng. Những cái tên: Năm Vàng, anh Ba Thơ, anh Sáu Thắng, anh Sáu Thưởng, chị Tám Hà, chị Bảy Huệ, chú Bảy Kim, chú Sáu Tú, Tám Hồng, anh Hoàng Ban (người anh đồng hương Vĩnh Phú đã tặng vợ chồng chị 1 chỉ vàng trong ngày cưới)... đã ăn sâu vào trong tâm khảm Phạm Thị Hải Ấm. Họ không chỉ là những người đồng chí bình thường mà họ như là những người chị, người anh, người chú ruột thịt, thân tình gần gũi. Thời gian trôi đi, kẻ còn người mất nhưng tình người vẫn còn mãi!
Phạm Thị Hải Ấm may mắn và hạnh phúc hơn những người đồng đội, đồng chí của mình, chị còn sống trở về cống hiến công sức cho quê hương, đất nước. Đặc biệt hơn cả là Phạm Thị Hải Ấm nên duyên chồng vợ cùng với anh Ngô Văn Quý (đồng hương đất Bắc) và sống hạnh phúc cho đến lúc anh Quý qua đời (2016). Điều này không dễ gì ai cũng có được.
Trải qua những năm tháng khó khăn của thời chiến và cả những năm tháng nhọc nhằn của thời bao cấp Phạm Thị Hải Ấm luôn cố gắng phấn đấu làm tốt vai trò của một người cán bộ giàu nhiệt huyết, đầy tinh thần trách nhiệm; một người con hiếu nghĩa với bố mẹ; một người em thương quý chị gái, xem chị như người mẹ; một người chị mẫu mực, là tấm gương sáng cho các em của mình; một người vợ đảm đang tháo vát, rất mực yêu chồng; một người mẹ gương mẫu bao dung nhưng cũng đầy nghiêm khắc với các con.
Trở về sau cuộc chiến, trở về sau những năm tháng cống hiến trí lực cho đất nước, Phạm Thị Hải Ấm đã chiêm nghiệm, suy ngẫm về những được mất, những thăng trầm, suy ngẫm về tình đời tình người, về những giá trị đạo đức, về những sự thật cần phải viết, phải nói, phải kể. Đó là cách để chị cảm ơn, lời cảm ơn được nói ra tận trong sâu thẳm tâm hồn mình để chị cảm thấy lòng mình nhẹ hơn, thanh thản hơn. Để những người đồng chí, đồng đội của chị đã ngã xuống cũng cảm thấy ấm lòng vì họ đã một thời sống và chết như thế. Và đặc biệt là tình cảm của chị đã dành cho người chồng quá cố Đại tá Ngô Văn Quý. Một người chồng rất mực chỉn chu, yêu thương và làm tròn trách nhiệm.
“Ai cũng đùa bảo chắc tôi phải tu từ mấy kiếp trước mới có được người chồng tốt vừa đẹp trai, phong độ, có địa vị xã hội lại hết lòng thương yêu vợ con. Tính tình anh hiền hậu, vui vẻ, cư xử với ai cũng hết lòng và rất tế nhị.
Sống bên anh 45 năm 1 tháng 8 ngày, tôi luôn tự hào là người hạnh phúc vô bờ bến bởi có được anh là người chồng, người bạn, người đồng đội, đồng chí rất mực thủy chung, hòa hợp, luôn yêu thương nhau đằm thắm như thủa ban đầu và rất ân tình”.
Những người đồng chí của Ngô Văn Quý cũng có những lời nhận xét khá ấn tượng về anh. “Anh Ngô Văn Quý chính là tấm gương sáng về những phẩm chất tốt đẹp của ngành cơ yếu. Chúng ta phải ghi lại những cống hiến thầm lặng của anh để làm tư liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ” (Đại tá Phạm Đức Hạnh). Tiếc rằng anh lại ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác để lại cho chị và các con nỗi đau đớn khôn cùng. Bạn bè, đồng chí, đồng đội của anh mất đi một người bạn quý, một người cán bộ tận tụy, kiên trung. Phạm Thị Hải Ấm mất đi một người chồng đáng kính, các con của chị mất đi một người cha bao dung...
Phạm Thị Hải Ấm trở về với cuộc sống đời thường nhưng chị không bao giờ nguôi quên những tháng năm gắn bó với những người đồng chí đồng đội, với người dân miền Nam, với những người thân yêu ruột thịt và cả những bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan chị công tác sau này. Đó không chỉ là ký ức, mà còn là những cảm nhận và sự suy ngẫm chín chắn, đầy đủ về con người và cuộc đời.
Người đọc dễ nhận ra trong cuốn tự truyện Chuyện tình thời hoa lửa, nhà giáo Phạm Thị Hải Ấm đã nói lên tất cả bằng cảm xúc thật với những câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời qua từng thời đoạn lịch sử, từ đó mang đến cho bạn đọc một cái nhìn chân thực và đầy đủ hơn về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở miền Nam và cả những tháng ngày trở về đất Bắc công tác. Tình cảm ấy được chị liệt kê ra rất cụ thể, rõ ràng qua từng chương của cuốn sách. Đặc biệt chị có những dòng hồi ký viết về gia đình chị làm người đọc thật sự cảm động. Một gia đình rất gia giáo, có một người cha và một người mẹ quá tuyệt vời. Gia đình 10 chị em (9 gái, 1 trai) ở vào thời buổi khó khăn chồng chất nhưng vẫn được giáo dục, dạy dỗ bài bản. “Chị là đứa con thứ 7 trong nhà mà vẫn chưa phải là trai nên ông nội và cha đặt tên là Ấm. Đặt tên như thế với mong muốn cuộc sống sau này của con được ấm êm con ạ, mà cũng là cậu Ấm cho cha mẹ nữa chứ”. Gia đình chính là chỗ dựa tinh thần để giúp chị vượt qua những gian khó để học hành và tu dưỡng nên người; sống biết người biết mình, sống có đạo đức và nhân cách.
Phạm Thị Hải Ấm phác họa chân dung một giai đoạn lịch sử mà trong đó con người đóng những vai khác nhau, ở những hoàn cảnh gia đình, vùng miền khác nhau nhưng khi họ cùng chung nhiệm vụ, cùng nếm trải những khó khăn của cuộc chiến thì tất cả họ đều như một gia đình. Dù có thể mỗi người có những cá tính và nhược điểm riêng nhưng nhìn chung, họ là những con người đáng quý. Trong hoàn cảnh lịch sử không cho phép con người ngủ yên trong đời chật mà phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Họ phải rời xa quê hương, gia đình, cha mẹ, con cái, anh, chị em, những người thân, bạn bè... Bao ước mơ giản đơn, bình dị của những phận người đã bị thực tại lịch sử tàn khốc đập vỡ tan; có người không may đã vĩnh viễn ra đi không có ngày về.
Khác với những tác phẩm khác cùng viết về đề tài chiến tranh, các tác giả thường có giọng điệu ngợi ca chiến tích, nói về những điều tốt đẹp, những mặt tích cực của cuộc chiến, nhận diện chiến tranh với giọng hào sảng trong niềm vui chiến thắng. Ở tập sách này, Phạm Thị Hải Ấm chủ yếu ghi chép lại những gì mà chị đã từng trải qua, những câu chuyện đời thường của bản thân, của đồng chí, đồng đội, những suy ngẫm của chính bản thân về tình đời, tình người... Bên cạnh chị luôn có những người đồng chí, đồng đội, những người chị, người mẹ, người anh miền Nam nghĩa tình, nhân hậu. Tất cả những con người lạ mà quen ấy đã trở thành điểm tựa cho chị vượt qua được những gian khó. Những ân nghĩa đó chị luôn khắc ghi trong lòng.
Chuyện tình thời hoa lửa được cấu trúc theo dòng hồi ức, miền ký ức ấy lần lượt được tái hiện thấm đẫm tinh thần nhân văn nhân ái. Nếu không trải qua những năm tháng gian khổ, nếu không có một tâm hồn tràn ngập yêu thương thì Phạm Thị Hải Ấm không thể nào viết nên những dòng tự truyện dạt dào đến vậy. Nhà giáo kháng chiến Phạm Thị Hải Ấm năm nào giờ đã nghỉ hưu, sống vui vầy bên con bên cháu. 70 năm cuộc đời, chị sâu sắc rút ra được hai bài học lớn:
“Thứ nhất: Đó là tình người, tình bạn, tình yêu, tình đồng đội, đồng chí.
Thứ hai: Phải biết vượt lên chính mình, vượt qua mọi hoàn cảnh dù ác liệt và khó khăn đến mấy. Trong cuộc đời đầy sóng gió lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn tôi luôn tin tưởng và nỗ lực phấn đấu với tinh thần lạc quan, luôn hướng về ngày mai tươi sáng, luôn cố gắng làm điểm tựa giúp đỡ người khác và tôi nhận thấy đó là niềm vui lớn cho bản thân”./.