Những "căn bệnh" làm đau đầu dân công sở

Làm việc ở công sở, suốt ngày cứ phải đối mặt với hàng núi những "căn bệnh" khó chữa, mắc phải chúng rồi thì chỉ biết… "than trời" và trở thành nạn nhân bất đắc dĩ…

Liệu bạn có mắc phải những "chứng bệnh" mà nhiều khi sẽ khiến con đường sự nghiệp của bạn trở nên giống như chuyến tàu lượn siêu tốc. Có lúc bạn lao nhanh về phía trước với đà chạy cực mạnh, và rồi có những thời điểm bạn dường như bị mắc kẹt trên chuyến tàu di chuyển với tốc độ cực chậm, muốn thoát ra ngoài nhưng chẳng biết đi đâu... 

Bệnh nghiện ăn vặt, thèm trà sữa

Có thể nói, ăn vặt và uống trà sữa trong công ty là điều thích thú và thỏa mãn nhất! Bởi vì sao? Máy lạnh thì mát phà phà, không gian thoải mái, cầm trên tay ly trà sữa đầy ụ trân châu, nhâm nhi bịch bánh tráng trộn, chỉ cần vậy thôi là đời đẹp biết bao! Cứ đến đầu giờ chiều, đầu óc cứ mãi bận rộn kiếm quán này, hàng nọ, chèo kéo "đồng bọn" để order cho nhiều, ăn uống cho vui! Cứ thế đó mà bạn đã tự mình tình nguyện làm "nạn nhân" cho "căn bệnh" nghiện ăn uống chốn công sở với tư thế ngẩng-cao-đầu và không có nhu cầu "được chữa trị". 

Bệnh "Viêm màng túi"

Chỉ cần nghe tiếng điện thoại báo lương về, bạn đã có sẵn trong tay một list dài vô tận những thứ phải mua, những chỗ phải ăn và những người "chủ nợ" phải trả sau khoảng thời gian túng thiếu vừa qua khi "lúa chưa về". Chỉ cần 1 cú click chuột, tiền trong tài khoản sẽ trôi qua nhanh như thanh xuân của bạn. Mới ngày nào nhận lương toàn thưởng thức cao lương mĩ vị, vung tiền mua hết đồ này đến thứ kia, chớp mắt một cái, bạn trở lại hình ảnh không mấy xa lạ: tô mì gói đã nguội và những dòng tin nhắn "ê, còn tiền không bồ, tui mượn tí…" 

Bệnh than vãn

Hết tiền cũng than, việc khó cũng than, không có việc gì làm cũng than. Dân công sở than vãn tất cả mọi thứ. Chỉ cần không đúng với mood hiện tại thì mọi thứ trở nên khó chịu lạ lùng. Bạn hết than với đồng nghiệp, lại than tới luôn cả sếp. Bệnh này không gây đau đầu cho bạn, nhưng sẽ khiến người khác muốn bùng nổ vì cứ mãi nghe những chuyện không đâu vô đâu của bạn. Nguy hiểm hơn là đối với sếp, bạn sẽ không muốn thử sự kiên nhẫn của sếp đối với bạn chút nào đâu! Nếu bạn đang có "triệu chứng" than vãn hay đã lỡ "mắc bệnh" rồi thì hãy nhanh chóng "cứu" bản thân mình trước khi có bất kì rắc rối nào xảy ra với bạn nhé! 

Bệnh lo ra, không thể tập trung

Dự án vừa mới được giao, công việc chất cao như núi, nhưng bạn vẫn thảnh thơi và… để từ từ mới đụng tới. Dân công sở thường "mắc phải" bệnh này vì không thể tập trung vào công việc, đầu óc cứ ở chốn nào và bắt đầu hình thành thói quen trì hoãn công việc. Bệnh này khiến cho bao người phải khổ sở vì thường người ta có câu "sướng trước khổ sau", việc thì ngày càng nhiều mà bạn thì ngày càng lười. Hỡi ôi khi nhìn lại thì vắt hết sức lực để hoàn thành nốt mớ bòng bong trước mắt và bắt đầu bài ca than trách "biết vậy mình đã…" 

Bệnh không phù hợp với văn hóa công ty

Có thể bạn có những kỹ năng tốt nhất nhưng nếu không thể hòa hợp với các đồng nghiệp, bạn sẽ không thể thành công trong công ty. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà các nhà tuyển dụng đều dành phần lớn thời gian trong buổi phỏng vấn để xác định xem bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không. Hãy xem xét các giá trị cốt lõi của bản thân và môi trường làm việc lý tưởng mà bạn mong muốn,bao gồm cách giao tiếp, kiểu lãnh đạo,… Nếu bạn và công ty hiện tại không có cùng quan điểm về mọi vấn đề, đây có thể là lúc bạn nên tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp với bản thân hơn. 

Bệnh im lặng

Hãy nhớ rằng không ai có thể đọc được suy nghĩ của người khác. Nếu sự nghiệp của bạn đang bị cản trở bởi một hoặc nhiều vấn đề nào đó, hãy lên tiếng. Chủ động gặp sếp hoặc cấp trên trong một cuộc họp riêng để thảo luận về những mục tiêu và mối quan tâm của bạn. Tuy nhiên, đừng quên thể hiện mong muốn làm việc và thành công trong công việc trước khi đề cập đến những vấn đề khiến bạn lo ngại. Hãy chia sẻ định hướng thăng tiến cũng như mạnh dạn hỏi sếp hoặc cấp trên làm thế nào để bạn đạt những mục tiêu đặt ra, ví dụ như những kỹ năng nào bạn còn thiếu, kỳ vọng của công ty đối với vị trí của bạn là như thế nào,… 

Bệnh từ chối quan hệ 

Các mối quan hệ là một kênh quan trọng để phát triển sự nghiệp, cho dù bạn đang đặt mục tiêu là thăng tiến trong công ty hoặc thay đổi công việc. Nếu bạn muốn sự nghiệp phát triển, bạn cần phải gặp đúng người bằng cách chọn cho mình một người cố vấn. Hãy xem xét tìm kiếm trong số những đồng nghiệp cấp cao trong công ty, những người đã thành công trong lĩnh vực bạn đang làm. Người cố vấn này có thể giúp bạn định hướng con đường thăng tiến và phát triển những kỹ năng cơ bản cần thiết đầu tiên. Ngoài ra, hãy tham gia các sự kiện hoặc hội thảo về ngành nghề công việc của bạn để gặp gỡ và học hỏi từ những người bên ngoài công ty cũng như mở rộng các mối quan hệ để phát triển sự nghiệp.