Như những sớm mai trổ đóa tâm hồn

Diệu Hiền không chỉ là một cái tên. Với tôi, đó còn là một ái ngữ rất đỗi dịu hiền. Nhưng không phải tự nhiên mà tôi có cảm giác đó. Ấy là tôi đã may mắn được đắm mình trong những con chữ bé xinh của chị qua tập tản văn thương nhớ ngọt ngào: Như những sớm mai.

Đây là tập tản văn thứ hai của người con xứ Quảng - người con của mảnh đất trung du nắng dãi mưa dầu. Nhưng thật lạ, không hề có những “dãi dầu” nào “lọt” vào trang văn của chị. Diệu Hiền viết tản bằng con mắt biếc xanh, con mắt hoa niên không hề vướng một hạt bụi đời. Tất cả mọi thứ đều trong trẻo, trong đến độ ta tưởng như một buổi sớm tinh mơ, ngồi bên bờ suối, nhìn xuống đáy nước văn vắt, thấy những hạt cát ánh lên lấp lánh, mà thảng thốt hỏi lòng: “Sao có những thứ tuyệt diệu thế mà bấy lâu ta không nhìn thấy?”.

Nhưng nói vậy không phải là vì chị khoác lên cảnh vật những chiếc áo mĩ miều; hay chị chỉ lựa những gì là đẹp nhất, mộng nhất của xứ Tiên mà đưa vào trang viết. Không, hoàn toàn không phải vậy.

Đó chỉ là chiếc giếng làng mà thuở nhỏ chị “đã uống không biết cơ man nào là nước lã”, đã cùng đám bạn “soi mình xuống giếng hét thật to cho giọng mình vang vọng mà tưởng mình cũng là con hổ ngốc trong cổ tích.” (Thương nhớ Giếng Vừng). Đó chỉ là cái vũng trâu nằm bên hàng tre hoặc bờ vườn, là hình ảnh chú trâu “lăn ra tắm bùn, cái đuôi ngúc ngoắc làm văng ra xung quanh bao nhiêu mưa bùn đất” (Cái vũng trâu nằm). Đó có khi là “mặt ruộng trong veo in bóng sắc mây trời, in hình bờ tre xanh ngắt”, “mấy con cò rảo bước thong dong” (Chiều quê). Và, đó là những thứ không thể mộc dị hơn như “đôi đũa khuấy cám heo”, chùm bắp giống, quả mướp, quả bầu chín khô quyện “màu bồ hóng” (Bên bếp lửa hồng).

nhu-mot-som-mai-1722210679.jpeg
Cuốn sách "Như những sớm mai" của tác giả Nguyễn Thị Diệu Hiền.

Chị cũng dành nhiều trang viết cho những người thân trong gia đình. Đó là người ông nhân hậu, thầm lặng hi sinh, sẵn sàng cứu người, giản dị, thanh sơ tới cuối đời. Đó là người mẹ tảo tần, nửa đêm còn hấp bánh, khuấy cám heo. Đó là người cha khai sáng trí tuệ, tâm hồn cho chị, để sau này chị lại muốn được giống cha - khai sáng cho những học trò.

Trong đó, đáng chú ý là chị viết nhiều về tuổi thơ. Đó là vô vàn kỉ niệm cùng anh chị em đi “hái lá mùng năm”, nướng nấm, nướng cá cua “mùi thơm bay khắp nhà”, là hái ổi ăn và rớt xuống, “quần áo mắc lại treo lơ lửng trên cành”; là sáng sớm “lăn qua lăn lại trên giường, rồi lại lo bật dậy, cầm chổi, quơ hết nhà trên nhà dưới”; là những buổi trưa hè trốn ngủ “xách mấy cây sào quệt mủ mít đi khắp vườn khắp xóm chấm ve ve”; là những buổi chia tay tuổi học trò với “mít chín, thơm già, đu đủ chín, xoài non”…

Và thú vị nhất ở chị là sự trong veo “mãn tính”. Nên dù đã bước qua tuổi hoa niên, chị vẫn thổn thức cùng thị trấn sưa vàng, bằng lăng tím, lộc vừng thắm đỏ, ngạt ngào thiết mộc lan, sầu đông chớm tím; vẫn thấy con đường đến trường như một bản tình ca, thấy bác bảo vệ như một nốt trầm tuyệt đẹp, thấy rưng rưng tháng Chạp, thao thức dã quỳ; thấy bâng khuâng khi cầm cuốn lịch túi nhuốm màu hoài niệm trên tay…

Thế đó, Diệu Hiền không làm văn, chị - chỉ là hồn nhiên ghi lại những gì bé mọn, mến thương của cuộc đời. Nhưng chị không sao chụp một cách giản đơn, chị lưu lại bằng trái tim thổn thức thương, bằng đôi mắt lấp lánh yêu, bằng nỗi khát khao níu giữ. Thành thử, chị viết “chơi chơi” mà lại “nghệ” vô chừng.

Này là cái vũng trâu nằm của chị: “Ngày ngày mặt trời ngang qua soi bóng. Ngày ngày, những áng mây chuyên chở mong manh vẫn trôi đi, trôi mãi. Và cả những đêm sao. Đất trời mênh mông trong cái rốn lệch.”. Đó, có ai ngờ rằng cái vũng trâu nằm mà sao nó đẹp, nó mộng đến khôn cùng như thế? Hay khi chị “chụp lại” giọt sương trong nắng mới: “Sương treo đầu ngọn cỏ. Sương đọng trên vạt mắc cỡ hoa hồng, tròn tròn như những viên bi. Long lanh và long lanh. Rồi mỏng dần tan nhẹ như một hơi thở”. Chỉ có thể là Diệu Hiền, chị tả bằng con mắt cổ tích mà thật khó có sự cảm nhận nào tế vi hơn.

 Chị đến với văn “trong vắt” như thế đó. Chị, đã thật tự nhiên, rót vào lòng người bao nhiêu là ngọc bích. Chị đã tẩy lòng, tẩy hồn cho ta, để nó sáng trong, thuần khiết, trong vắt như sớm mai.

Tôi đã ngụp lặn trong một bầu trời tuổi thơ vô trùng, tôi đã được thoả thuê tắm mát tâm hồn sau bao cằn cỗi, tôi được là một đứa trẻ trong ngần, trong veo khi bước vào Như những sớm maicủa chị. Bước chân vào đây, tôi tìm thấy chính mình ngày xưa, tôi được thấy một tôi khác ban sơ quá đỗi. Tôi - đã quên muộn phiền, tôi - đã quên nhọc nhằn, tôi - không nặng lòng mất được, tôi - thôi lo quá những ngày sau…

 Và đó là lí do tôi viết.

Tôi ước, giá bạn có thể cầm cuốn sách nhỏ xinh ấy trên tay, để sớm mai kia - trổ đóa tinh khôi trong lòng…

*Nhân đọc tập tản văn “Như những sớm mai” của tác giả Nguyễn Thị Diệu Hiền, NXB Đà Nẵng, 2020