Tri ân Nhà giáo

Nguyễn Nhật Ánh: “Nhà văn hãy làm tốt chuyện viết văn, còn làm phim hãy để cho đạo diễn”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khẳng định, bản thân sẽ không can thiệp vào các tác phẩm phim chuyển thể từ những đứa con tinh thần của mình.

Là một trong những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, với các tác phẩm văn học được chuyển thể phim đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã có 8 tác phẩm văn học được chuyển thể phim bao gồm phim truyền hình, điện ảnh như: Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc, Bong Bóng Lên Trời, Nữ Sinh, Chú Bé Rắc Rối, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Kính Vạn Hoa và sắp đến là Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình.

Mỗi người chỉ có thể cày tốt trên mảnh ruộng của mình

Hiếm khi xuất hiện tại sự kiện ra mắt dự án phim chuyển thể từ sách của mình, “Ngày xưa có một chuyện tình” đã mang đến những cảm xúc gì cho ông?

Nguyễn Nhật Ánh: Tôi đến đây vì buổi ký tặng sách cùng độc giả yêu mến mình, do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Vì hầu như các sự kiện ra mắt phim chuyển thể từ tác phẩm của tôi trước đó, tôi đều không tham dự.

Qua các thước phim hé lộ đầu tiên, tôi cảm được vẻ ngoài của các diễn viên đã phần nào phù hợp với tác phẩm. Đoàn làm phim bước đầu đã làm được câu chuyện tái hiện các nhân vật bước ra từ sách.

35-ky-tang-sach-1728279196.jpg
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho độc giả.

Khán giả thắc mắc rằng, liệu Nguyễn Nhật Ánh có gửi gắm mong muốn gì thông qua các phim chuyển thể từ đứa con tinh thần của mình? 

Nguyễn Nhật Ánh: Trước đến giờ những tác phẩm phim chuyển thể từ sách của tôi, các đạo diễn có gửi nhưng tôi không đọc kịch bản nào hết, vì quan điểm của tôi là không can thiệp vào bất kì tác phẩm nào của đạo diễn. 

Tôi nghĩ, mình chỉ là tác giả của một cuốn sách khi đang viết, còn khi đặt dấu chấm cuối cùng trên trang sách, bản thân đã trở thành độc giả của chính tác phẩm mình. Và tôi cũng như các độc giả khác, đứng cách tác phẩm của mình. Chỉ được đặt quyền ở chỗ, tôi là độc giả đầu tiên. 

Việc can thiệp sẽ rất khó, bởi đạo diễn đọc sẽ cảm nhận khác, biên kịch đọc sẽ cảm nhận khác và tôi đọc cũng sẽ có cảm nhận khác. Giống như khi nói về nhân vật Vinh không phải ai cũng có cảm nhận giống nhau về nhân vật này, nó phụ thuộc vào lịch sử cá nhân, kinh nghiệm sống, góc nhìn và cảm quan cá nhân. 

35-1-1728279312.jpg
Ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh sẽ hóa thân thành Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong tác phẩm Ngày Xưa Có Môt Chuyện Tình.

Vậy có sự đối thoại nào giữa ông và các đạo diễn mong muốn chuyển thể tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh?

Nguyễn Nhật Ánh: Tôi nghĩ mình không thể can thiệp vào nội dung tác phẩm điện ảnh, nếu đảo diễn đang nghĩ về nhân vật đó theo hình dung của họ là như thế này, nhưng với mình thì không phải nhân vật phải như thế kia, sẽ bị rối. Việc chuyển thể này, nhà văn phải tôn trọng đạo diễn. Bởi thời điểm đó, nhà văn chính là độc giả của quyển sách. Tất cả điều gì cần nói tôi đã chia sẻ tận tụy vào tác phẩm của mình.

Trong tác phẩm phim, quan điểm của đạo diễn là quan trọng nhất. Vì đạo diễn là người chọn diễn viên, chọn bối cảnh, âm nhạc và cách kể chuyện đến khán giả. Mỗi người chỉ có thể cày tốt trên mảnh ruộng của mình. Lĩnh vực của tôi là văn chương, nên tôi biết mình nên dừng lại ở ranh giới đó. Nhà văn hãy làm tốt việc viết văn, còn làm phim thì hãy để cho đạo diễn. 

16-nha-van-nguyen-nhat-anh-1-1728279463.jpg

Một số khán giả cho rằng, các yếu tố trên phim có sự khác biệt với tác phẩm góc của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Nhật Ánh: Điều này cả chính tôi cũng từng bị sốc khi xem phim ngoài rạp, nhưng tôi hiểu là do đặc thù thể loại, buộc phải có những chi tiết lượt bỏ, hoặc thêm vào để tạo đường dây câu chuyện phù hợp với phim. Cũng giống như thơ phổ nhạc, phải phục thuộc rất nhiều vào sự khác biệt về tính đặc thù của từng thể loại. Tôi rất đồng cảm.

Nếu không viết tôi cảm thấy mình sống chưa đủ…

Ở thời điểm hiện tại, ông nhìn nhận như thế nào về nghiệp văn chương mình theo đuổi?

Nguyễn Nhật Ánh: Viết văn có hình thái lao động là cực. Vì một ngày ngồi 6,7 tiếng cũng chỉ gõ trong 24 chữ cái, âm thầm và lặng lẽ ngày này qua ngày khác. Nhưng nếu mình thích, yêu và đam mê với những con chữ bản thân sẽ làm được. Lúc đầu mình có thể cho đó là kỷ luật lao động, nhưng dần nó thành một thói quen lao động.

3, 4 năm nay lúc nào tôi cũng viết, kể cả ngày Chủ nhật và ngày Lễ Tết. Với tôi bây giờ nếu không viết tôi sẽ cảm thấy mình thành người chưa sống đủ.

Khi phải đối diện với những lúc mất đi cảm xúc, ông sẽ làm gì?

Nguyễn Nhật Ánh: Khi gặp bế tắc không phát triển được nội dung tôi sẽ dừng lại không viết, không nghĩ nữa, và đi làm việc khác, đi đến một nơi khác, đi du lịch. Có lúc tôi đi 1 tuần 10 ngày, có thể là tạm quên cuốn sách luôn, rồi sau đó tôi quay lại đọc cuốn sách mình viết chưa hoàn chỉnh, và nó sẽ có ý tứ trong đầu.

Thật ra việc một chỗ ngồi, một màn hình nó khiến mình không có cảm xúc. Cách di chuyển, tìm một nơi khác là điều nên làm giúp bản thân tập thể thao tinh thần, làm mới và tái tạo tư duy.  

Đến thời điểm hiện tại, ông mong muốn tác phẩm nào của mình được chuyển thể?

Nguyễn Nhật Ánh: Cách đây khoảng 6 năm, tôi cũng từng chia sẻ cuốn sách mong muốn được chuyển thế là cuốn "Chuyện xứ Lang Biang". 

combou2566d20170315t091425237955jpg-1728279633.webp

Tác phẩm đó, viết về thế giới phép thuật rất thú vị, khá là dày 4 tập, nhiều đạo diễn cũng ngỏ lời mong muốn chuyển thể thành phim nhưng mà khó quá, do phần kỹ xảo của điện ảnh Việt Nam hiện nay cũng chưa đạt trình độ quốc tế. Các đạo diễn có nói những bộ phim kỹ xảo còn đắt tiền hơn nhân vật thật đóng, nên chưa thực hiện được.

Cảm ơn những chia sẻ đầy chân thành của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh!