Tri ân Nhà giáo

Từ cội nguồn văn hóa dân tộc: Người Việt nghĩ gì về mùa Vu Lan báo hiếu?

Từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ của tín ngưỡng Phật giáo, Vu Lan là mùa tri ân báo hiếu với cha mẹ, nhớ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết sống tử tể hơn để cha mẹ vui lòng, dù còn sống hay đã khuất.

 

1-1629009805.png
 

“…Trời có mây

Cây có lá

Con có má

Con cũng có ba..!

Công cha nghĩa mẹ người ơi

Làm sao trả đặng..đời đời con mang,

Công cha nghĩa mẹ vô vàn

Vu Lan chợt ngẫm, thấu ngàn ơn sâu.!”

Khi tiết trời chuyển sang thu, cơn mưa ngâu đầu mùa như báo hiệu "sống chậm lại thôi, để cùng nhìn về Đấng sanh thành." Và nơi nào đó trong sự tồn tại của chúng ta giữa vạn vũ này: niềm Hiếu hạnh xin được chân thành kính dâng!

Nhân dịp tháng 7 mùa Vu Lan báo hiếu, hãy cùng hiểu hơn về ý nghĩa mùa Vu Lan, cũng là dịp mỗi người chúng ta niệm nhớ ân nghĩa sanh thành đối với Đấng tạo hóa của mỗi chúng ta!

1-1629009863.png
 

Lễ Vu Lan là lễ quan trọng trong năm được tổ chức vào tháng 7 Âm lịch hàng năm được người theo đạo Phật nói riêng, người Việt nói chung đều rất coi trọng lễ này. Nhân gian có câu "rằm tháng giêng kẻ khiên người quảy-rằm tháng bảy hết thày đều khiên- rằm tháng mười thì mười người mười quảy". Khiên và Quảy ở đây chỉ cho phong tục nhà nhà đến chùa, người người đến chùa vào dịp này và họ bày biện sắm sanh lễ vật để cầu nguyện cho cha mẹ được trường thọ sống lâu, người đã mất thì được ra đi nhẹ nhàng, về nơi an tịnh.

Đây là lễ hội rất nhân văn vì không những có tính truyền thống mà nó còn mang tính giáo dục đạo đức rất cao. Bởi dù bạn được sanh ra trong một gia đình quyền quý hay nghèo bần, dù là bạn sanh ra có đầy đủ tình thương cha mẹ, hay bạn là con trong một trường hợp mẹ đơn thân... Thì một điều không thể phũ nhận được rằng: không một đấng tạo hóa nào có thể nén ra bạn, mà nghiễm nhiên bạn được bẫm thụ từ "tinh cha huyết mẹ" (như trong Kinh Vu Lan nhà Phật có viết) mà thành. Vậy thì để chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay, ơn nghĩa sanh thành là điều chúng ta nên hằng ghi nhớ, cũng như Đạo Hiếu từ lâu đã trở thành đạo giáo đầu tiên được nhắc đến từ Nho, Khổng, Lão hay Phật Giáo vậy .

Ở Việt Nam, vào dịp Lễ Vu Lan, hầu hết các chùa đều sẽ tổ chức đọc kinh Báo Hiếu, thả hoa đăng và cài hoa hồng cho các Phật tử, tín đồ đi lễ. Tại phố cổ Hội An, 14 và Rằm tháng 7 hàng năm còn tổ chức Hội hoa đăng trên sông Hoài, thả đèn trời ở quảng trường... gây ấn tượng cho du khách khi đến tham quan phố cổ; đồng thời tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, hướng đến cuộc sống tâm linh, thánh thiện.

Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng: Lễ Vu Lan không hẵng xuất phát từ văn hóa Trung Hoa hay Ấn Độ, mà nghiễm nhiên nó đã trở thành truyền thống ăn sâu trong văn hóa đạo đức của người Việt Nam chúng ta. Bởi "Làm người ai cũng có tổ tông, như cây có cội như sống có nguồn". Và nó càng được tôn vinh thêm với hình ảnh chiếc bông hồng cài áo, được phân chia bởi hai màu rõ rệt: "hoa hồng cho những ai còn cha me, hoa trắng nhớ về cha, mẹ đã qua đời". Với cảm nhớ khắc ghi này, những người con chúng ta nguyện làm những điều hiếu hạnh nhất để cha mẹ được vui lòng. Ấy quả thật là một giá trị nhân văn đậm tính giáo dục và đạo đức.

Và cứ thế, thành thông lệ, đến ngày Vu Lan, những tín đồ Phật giáo lẫn những người ngoại đạo đều xem đây là ngày lễ hội chung của tất cả những người con. Không cần rao giảng, ngày Vu Lan trở thành lời khuyên mọi người con tưởng nhớ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, để rồi sống tử tể hơn. Sống tử tế để cha mẹ vui lòng, dù còn sống hay đã khuất.

tim-mot-tong-mau-toi-gian-lu-lut-trung-tam-khung-hoang-nhan-dan-1629009897.png
 

Ta phải luôn tâm niệm, giữa cuộc sống bộn bề tấp nập, với những lo toan, những áp lực về cơm áo, gạo tiền nên đôi lúc con người ta lại quên đi nhiều thứ. Để rồi, bất chợt một lúc nào đó nghĩ được, nghĩ đúng về nó đã là điều quá muộn màng. Đặc biệt nhất cách đối đãi, cư xử của những bậc làm con đối với những người đã sinh ra mình. Với những ai còn mẹ, còn cha vẫn chưa quá muộn làm những việc gì đó để đền đáp công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha đối với mình. Những ngày tháng 7 âm lịch lại về, cũng là dịp những người con bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng đối với các bậc sinh thành - mùa Vu Lan, báo hiếu.

“Con sẽ không đợi một ngày kia…/khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc/ Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?” (Trích bài thơ Mẹ -Đỗ Trung Quân). Đọc lại những câu thơ trên của nhà thơ Đỗ Trung Quân viết về mẹ không khỏi làm cho mọi người xúc động và cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Phải chăng, những đứa con vô tình hay cố ý có những thái độ không tốt đới với mẹ. Ngày còn sống, không chăm sóc, không hỏi han, thậm chí có thái độ vô lễ, xúc phạm đến mẹ… Đến lúc mẹ trút hơi thở cuối cùng, mới chạy về khóc lóc, thở than… Nhưng đã quá muộn, lúc đó mẹ chỉ là một nấm mồ xanh cỏ…

Tôi nghĩ đạo làm con phải có trách nhiệm đối với bố mẹ mình. Không chỉ trong suy nghĩ mà cả ở những hành động cụ thể. Không chỉ ngày một ngày hai mà suốt cả cuộc đời. Và khi xã hội hiện đại, bao giá trị thang bậc đạo đức bị đảo lộn, con có thể giết cha, cháu có thể cắt cổ bà. Có những gia đình, con cái ngược đãi với bố mẹ. Đã đến lúc cả xã hội phải nhìn nhận lại vấn đề đạo đức và lối sống của giới trẻ hiện nay.

Một năm có 365 ngày cũng là 365 ngày để ta báo hiếu và việc có mùa Vu Lan cũng là dịp tốt để các con cháu tri ân, thể hiện lòng thành kính thiêng liêng và có cơ hội báo đáp một phần hy sinh mất mát quá lớn mà ba mẹ phải gánh chịu, phải hy sinh cho sự sống của các con.

1-1629009922.png
 

Mỗi khi nhìn những hình ảnh những người già neo đơn là tôi lại nghĩ về hình ảnh cha mẹ của mình trong cuộc sống đơn côi. Khi còn trẻ cha mẹ đã dành hết tuổi thanh xuân của chính mình để nuôi dạy đứa con nên hình nên dóc. Nhưng đến lúc đã về đến đích cuộc đời, cha mẹ lại một mình cô đơn.

Tôi tự hỏi lòng rằng bao năm tháng qua, bản thân đã làm gì đề đền đáp công lao to lớn của cha mẹ chưa. Bởi công lao của cha mẹ sánh như trời bể, dù có cổng cha mẹ quanh núi Tu Di hàng vạn lần cũng không thể đền đáp được công nuôi nấng sinh thành.

Trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như thế này, tôi lại càng trở nên sợ sệch hơn. Sợ một ngày nào đó, bông hồng trên áo chẳng còn đỏ thắm trong những ngày Vu Lan, sợ rằng sẽ chẳng còn gọi được tiếng cha, tiếng mẹ những lúc tôi cần.

Nhớ ngày tôi bé, cứ hễ mỗi lần chạy nhảy khắp sân nhà bị ai ăn hiếp hay vấp ngã tôi đều chạy đến bên mẹ và mít ướt, mè nheo. Nhưng ngày càng lớn, càng xa gia đình, tôi lại quên đi mất những điều muốn nói với mẹ và cha…

Nhưng giờ đây nhìn lại tôi mới thấy, thời gian sao cay nghiệt quá, chúng cứ chạy hối hả và điên cuồng qua tóc mẹ già nua. Mẹ chẳng còn là người phụ nữ xinh đẹp của ngày nào nữa, mà thay vào đó là những nét đồi mồi theo thời gian. Để rồi mỗi mùa Vu Lan đến tôi lại thấy mẹ lại già thêm một tuổi, tóc mẹ đã bạc nay còn bạc hơn.

Giữa những màu sắc của những ánh đèn Sài Gòn choáng ngợp, tôi cũng đã vô tình quên đi những ánh mắt của cha. Ánh mắt nói lên sự khát khao và tin tưởng, ẩn sâu trong đôi mắt ấy còn là những nhọc nhằn của những năm tháng tảo tần nắng mưa nuôi tôi ăn học…

Nếu như ai đó hỏi “Điều gì tôi sẽ làm sau mùa dịch này”, tôi sẽ đáp rằng “Được trở về nhà để báo đáp công ơn mẹ cha”.