Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Người gieo hạt nắng vô tư

“Người gieo hạt nắng vô tư” là cách mà tôi và bạn bè vẫn thường dặn lòng để nhắc về anh, về người thầy, về những gì hơn 20 năm qua anh đã, đang và sẽ bám bản, gieo con chữ, nuôi ước mơ đến trường nơi miền núi Ngọc Linh hùng vĩ này.

Những ngôi nhà mới mọc lên sau trận sạt lở kinh hoàng mùa lũ năm 2020. Những con đường ngoằn ngoèo đèo dốc được bê tông hóa nối liền nhiều thôn, bản. Những rẫy sắn được tặng giống đã vươn lên, ngập tràn màu hy vọng. Những em thơ suy dinh dưỡng, những bệnh nhân người Ca Dong, Xê Đăng… bị bệnh hiểm nghèo được chuyến xe 0 đồng tới bệnh viện tuyến tỉnh. Những ngôi trường được sửa sang, xây mới và hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị… Những em thơ có thêm quần áo mới và sách vở, hân hoan đến trường… Dòng trạng thái của thầy Nguyễn Trần Vỹ trên facebook cứ vài ngày lại đầy lên những tin vui với nội dung như thế. Tất cả những điều kể trên chỉ là một phần nhỏ trong hành trình đi gieo con chữ của người thầy hơn 20 năm cắm bản.

53229449-2258802974378361-4567844452558700544-n-1633131315.jpeg
Thầy Nguyễn Trần Vỹ và các em học sinh ở điểm trường Tu Nất, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My. Ảnh: Tác giả cung cấp

Hơn 20 năm rời quê hương lên dạy học ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), thầy Vỹ đã dang vòng tay yêu thương đến với đồng bào huyện miền núi cao này, mang ánh sáng đến từng thôn, bản, gieo ước mơ đến trường cho hàng ngàn em nhỏ đồng bào. Những địa danh xa lạ, hiểm trở của Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Vân, Trà Linh; Nóc ông Bình, Nóc Ông Deo, Nóc Ông Ngọc… rồi dần dần trở thành thân quen và ghi dấu từng bước chân của thầy. Đó là mối lương duyên với vùng đại ngàn với muôn trùng gian khó.

Ngoài thời gian đến lớp, thầy Vỹ còn dành thời gian rong ruổi đến những xã vùng cao, nơi đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn để hiểu, thấu cảm và kết nối giúp đỡ từng hoàn cảnh. Từ việc nhà ông Nguyễn Xuân Bốn ở Tak Tố (Trà Don) bị cháy, thầy kêu gọi hỗ trợ làm lại ngôi nhà khang trang hơn; đến chuyện bé Lem (Trà Mai), bé Kim Ngân (Trà Tập) bị ốm, suy dinh dưỡng nặng, thầy nhờ chuyến xe 0 đồng và các mạnh thường quân đưa ra tận Đà Nẵng khám bệnh và điều trị….

Và còn đó những màn nhung sân khấu của thầy Vỹ và câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My huy động trên 20 tỷ đồng đã hiện thực hóa ước mơ đến trường và sẻ chia hàng vạn phận đời. Không những thế, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thầy Nguyễn Trần Vỹ còn kết nối nhiều chuyến xe chở lương thực, thực phẩm đến Đà Nẵng, TPHCM chan chứa bao tấm lòng chân chất của người miền cao về thành phố.  

hinh1-1632925192-1633059478.png
Thầy Nguyễn Trần Vỹ cùng đồng bào mở đường qua các thôn của xã Trà Tập. Ảnh: Tác giả cung cấp

Hôm nay, dẫu bao bộn bề trách nhiệm trên vai nhưng người thầy nhiệt tình, khiêm nhường, giản dị ấy vẫn miệt mài đến với nhiều cảnh ngộ đặc biệt khắp huyện Nam Trà My không kể gian lao vất vả, không kể mùa hè đổ lửa hoặc mùa đông băng giá. Thầy coi đó là niềm vui bình dị và là chút sức lực nhỏ bé của mình giúp cho học trò và bà con nơi đây. Và tôi không thể bày tỏ hết niềm thán phục, ngưỡng mộ một  giáo viên tận tụy vì học sinh, vì nhà trường; một người hết lòng vì cuộc sống bà con người Xê Đăng, Ca Dong ở vùng còn quá nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam.

Không hiểu sao, khi viết về thầy giáo Vỹ, trong tôi cứ văng vẳng giai điệu bài hát “Khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Người thầy truyền cảm hứng này chính là hình ảnh mặt trời trên vùng cao, vô tư gieo hạt nắng ấm của niềm tin yêu, của tình người để cuộc đời đẹp hơn, mênh mông hơn bội phần.

Tôi biết, vùng đại ngàn Nam Trà My mùa đông này vẫn bồng bềnh trong mây. Vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ của hiểm họa thiên nhiên, vẫn còn nhiều hoàn cảnh thương tâm hay cực kỳ khốn khó của đồng bào vùng rẻo cao. Nhưng tôi tin, bàn tay và trái tim của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ sẽ góp phần gieo màu hy vọng và sưởi ấm thêm nhiều cảnh đời bất hạnh. Như những gì thầy đã, đang và sẽ miệt mài...

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY

Hồ Kha Dạ Thảo

Hồ Kha Dạ Thảo

21:01 01/10/2021

Bài viết hay và đầy cảm xúc chị ạ. Khâm phục thầy giáo Vỹ, tự hào về người đồng nghiệp tuyệt vời ấy!