Nghề báo - Nghề của sự dấn thân, đi, ngẫm và viết!

Tôi nhận thấy rằng, người làm báo phải tôi luyện 5 yếu tố “học – đọc – đi – ghi – nghe”, điều này luôn đan xen nhau và không dừng lại. Đối với phóng viên luôn cần những tố chất nhanh, lanh, đột phá, và luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng tác nghiệp.

Nghề báo là một nghề đặc biệt nhất trong những nghề đặc biệt: Vừa hấp dẫn, vừa hào quang, vừa vinh dự; Nhưng cũng vừa áp lực, vừa khó nhọc, vừa nguy hiểm mà chỉ có những người tử tế với nghề mới thấu cảm.

... Thế nhưng, con đường để trở thành một nhà báo đúng nghĩa, từ sinh viên ngành báo chí đến cánh cửa của nghề báo hoàn toàn không bao giờ màu hồng như những người trẻ từng khát khao một lần chạm tới, có khi phải “đánh đổi” cả “thanh xuân”,... và nhiều hơn nữa; khiến không ít bạn trẻ phải bỏ cuộc.

Nhân kỷ niệm 98 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), VietnamTravel đã có dịp trò chuyện với Nhà báo Nguyễn Đức Liên, nguyên Trưởng Đại diện báo VietNamNet, về chuyện nghề đầy thú vị này.

h0-1687106671-1687144398.jpg

Nhà báo Nguyễn Đức Liên trong một lần công tác nước ngoài. Ảnh: NVCC

 Nghề báo trước hết phải là sự dấn thân, khoác ba lô lên vai đi để ngẫm và viết?

Nhà báo Nguyễn Đức Liên: Tôi may mắn được góp mặt trong các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử,...). Từng bôn ba đó đây, với tôi nghề báo là phải đi, vì đây là một nghề đặc thù, có sự khác biệt lớn, nên phóng viên, nhà báo là những người luôn nhạy bén, tiếp cận với nhiều nguồn tin, biết khai thác thông tin, nhanh nhạy với các diễn biến, sự việc...

Tôi nhận thấy rằng, người làm báo phải tôi luyện 5 yếu tố “học – đọc – đi – ghi – nghe”, điều này luôn đan xen nhau và không dừng lại. Đối với phóng viên luôn cần những tố chất nhanh, lanh, đột phá, và luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng tác nghiệp. Hơn thế nữa, để tạo ra một tác phẩm báo chí có “chất” thì người viết phải chịu dấn thân, thực tế và trải nghiệm.

Trên thực tế, tôi may mắn từng là học trò và làm việc dưới quyền của nhiều nhà báo lão thành như nhà báo Phan Quang, Thép Mới... và thế hệ nhà báo đàn anh, đàn chị như: Nhà báo Kim Cúc, Đình Khải, Trương Cộng Hoà, Đào Nguyễn,... đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều về kiến thức nghề, nhân cách, đạo đức người làm báo.

h1-1687105446-1687144397.jpg

Nhà báo Đức Liên trong chuyến du lịch trải nghiệm trên sa mạc Safari-Dubai . Ảnh: NVCC

Cuốn sách ‘Trên những dặm đường’ là minh chứng cho nghề đi, ngẫm và viết?

Nhà báo Nguyễn Đức Liên: Nghề báo đã cho tôi cơ hội ngược xuôi khắp cả nước, chu du hết các điểm du lịch từ Nam ra Bắc, trong đó có những địa phương tôi không chỉ đến một lần, mà nhiều lần.

Không chỉ vậy, tôi may mắn đi vòng quanh thế giới, đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hành trình của nhiều chuyến đi đó tôi thật sự tâm đắc, nó vượt xa hơn cả sự mong đợi. Tôi đã lưu dấu ấn những nơi tôi đặt chân đến qua cuốn sách “Trên những dặm đường”, không ngại gian nan. Tác phẩm này đã mở lối cho bạn đọc hiểu hơn về con người và cuộc đời, về cuộc hành trình qua những vùng đất xa lạ, những địa danh nổi tiếng… Hành trình đi tìm - khám phá trong chiều sâu tâm hồn con người, không chỉ đơn thuần là tâm sự của riêng tôi, mà ở đó phần nào đã khắc họa tâm thế chung của con người thời hiện đại.

h3-1687105555-1687144397.jpg

Nghề báo là dấn thân, không ngại gian khó đi để ngẫm và viết. Ảnh: NVCC

Hành trình của các chuyến đi còn giúp tôi lưu giữ một bộ sưu tập hình ảnh về năm châu, bốn biển, về phong cảnh thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, kiến trúc, ẩm thực... của từng quốc gia. Điều đó giúp tôi tích luỹ nhiều kiến thức, mở rộng tầm nhìn, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, mong cuộc sống luôn hoà bình, hạnh phúc.

Những dấu ấn trên hành trình đi và thưởng ngoạn?

Nhà báo Nguyễn Đức Liên: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe và đọc những tác phẩm văn học, hoặc xem những bộ phim có các địa danh nổi tiếng, lịch sử lâu đời, chúng ta chỉ tưởng tượng trong giới hạn. Nhưng khi ta đặt chân đến đất nước đó, được tận mắt nhìn thấy, được nghe, sờ, chạm vào chúng mới cảm nhận được giá trị chân thực của nó.

h2-1687106894-1687144397.jpg

Nhà báo Đức Liên trong hành trình bôn ba hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh: NVCC

Tôi nhớ thời học phổ thông, tôi đã yêu mến nền văn hoá Pháp, nhất là qua tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Victor Hugo, hình ảnh tháp Eiffel, sông Seine, Khải hoàn môn, đại lộ Champs ÉlySées, Quảng trường Concorde... nó có sức hấp dẫn tôi vô cùng. Tôi từng mơ ước một ngày nào đó được đặt chân đến Paris hoa lệ, và tôi đã thực hiện được ước mơ của mình.

Tại Pháp, tôi đã được ngắm toàn cảnh thành phố Paris hoa lệ, nhìn từ tầng 2 của tháp Eiffel với độ cao 115,73m. Đúng 22 giờ, ngọn tháp cao 300m toả sáng nhiều màu sắc, khoe vẻ đẹp lỗng lẫy bên dòng sông Seine thơ mộng. Tôi còn tận mắt nhìn thấy, cảm nhận nét đẹp kiến trúc độc đáo, thú vị của nhà thờ Đức Bà, được chạm tay vào phiến đá của công trình kiến trúc mang phong cách Gothic tiêu biểu nhất hành tinh xây dựng vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14.

h5-1687105670-1687144399.jpg

Nhà báo Đức Liên tại Mỹ - Ảnh: NVCC

Ngoài ra, tôi nhớ lần đón Tết ở Nhật Bản, cảm nhận sắc thu ở Hokkaido, ngắm tuyết rơi ở Sapparo hay lần đến Thụy Sĩ, rồi chiêm ngưỡng cảnh thần tiên ở Liechtenstein - Quốc gia nhỏ nhất thế giới, đến thăm quê hương của Mozat, du lịch Đức để nghe nhạc Beethoven, đến đất nước Ý để cảm nhận sự lãng mạn và nóng bỏng...Đấy! nghề báo đã cho tôi sự mạnh bạo, quyết tâm, dấn thân và đi...

Đi là để học hỏi, mở rộng tầm nhìn là rèn luyện chính mình?

Nhà báo Nguyễn Đức Liên: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, từ bài học về sự sống nhân loại hay những bài học từ sách vở, khi bước ra đời thực cho ta thấy thế giới này đa dạng, muôn màu muôn sắc, mỗi quốc gia là một phong cảnh, một nền văn minh, hay mỗi công dân là một nét văn hóa đặc thù.

Ví dụ, người Nhật lên tàu điện ngầm hay ở nhà ga họ ít nói chuyện to, họ thường đọc sách, tôn trọng quyền riêng tư của người xung quanh; Ở Lào rất văn minh, văn hoá giao thông tốt, không còi xe inh ỏi, biết nhường nhau và trật tự trên đường; Đặc biệt, người Châu Âu thì lịch sự chào hỏi dù không quen biết bạn, luôn nói “cảm ơn” khi được giúp đỡ và không quên xin lỗi khi cần...

h4-1687105940-1687144398.jpg

Nhà báo Đức Liên từng rong ruổi trên nhiều con phố nơi ông đặt chân đến để ghi nhận giá trị thực về văn hoá, đời sống. Ảnh: NVCC

Tại Việt Nam, con người Việt Nam thân thiện, du lịch có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều đặc trưng vùng miền, nhiều điểm văn hóa, di tích nổi bật, nét đẹp tạo hóa đã được lưu giữ, bảo tồn. Miền Bắc có Vịnh Hạ Long được thiên nhiên ban tặng, miền Trung giữ nét đẹp kinh thành Huế, không quên nhắc đến cảnh sông nước Nam Bộ...

Ngay từ khi còn trẻ bạn nên đi du lịch. Hãy đi du lịch nước ngoài nếu bạn có cơ hội, đừng chờ khi có tiền thì sức khoẻ lại không cho phép. Các chuyến đi vừa cho ta tích luỹ nhiều kiến thức, trải nghiệm và thực tế, vừa giúp mình học hỏi nhiều hơn, mở rộng tầm nhìn, dẹp bỏ những định kiến, rèn luyện chính mình, chia sẻ kinh nghiệm cho người thân, bạn bè...

Đi nhiều (du lịch) sẽ cho ta nhiều kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm?

Nhà báo Nguyễn Đức Liên: Không gì là không thể! Tự tin, ý chí ấn định cho tất cả thành công của bạn. Nếu chưa đi đã không tự tin, thì không bao giờ thành công. Khi đã có ý nghĩ đi du lịch thì phải có kế hoạch, mục tiêu, tài chính, sức khoẻ, kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào, chuẩn bị vốn từ ngôn ngữ giao tiếp cơ bản...

h7-1687106228-1687144398.jpg

Nhà báo Đức Liên, Chủ tịch Danh dự Quỹ Từ thiện Kim Oanh trao học bổng thiếu nhi dân tộc năm học 2022.

Khi đến các quốc gia, tôi quan tâm đầu tiên đến việc dành thời gian đi Viện bảo tàng, đó là nơi trưng bày các cổ vật văn hoá lịch sử, hiện vật của quốc gia. Thăm quan bảo tàng quốc gia giúp ta hiểu lịch sử, văn hoá của đất nước đó. Thứ hai, quan tâm đến danh nhân quốc gia, ưu tiên tìm đến những địa danh có tác giả, nhân vật trong các tác phẩm văn học; Thứ ba là ẩm thực đường phố... Tôi may mắn từ nhỏ đã tham gia hướng đạo sinh, nhận thấy tất cả là do mình, phải tự xây dựng cho mình một con đường ý chí.

Nghề cho ta nhiều thứ còn quý hơn tiền?

Nhà báo Nguyễn Đức Liên: Tôi là nhà báo, tham gia giảng dạy báo chí đã nhiều năm. Tôi luôn trò chuyện với sinh viên, phóng viên trẻ mới vào nghề: theo nghề báo thì cần lòng yêu nghề, dấn thân, không ngại khó, khổ. Có phong cách, văn phong, kỹ năng rèn luyện cho bản thân mình. Đừng nghĩ làm báo trở lên giàu có, mà nghề cho ta nhiều thứ còn quý hơn tiền, có tiền cũng không mua được, đó là trí tuệ, sự hiểu biết về vạn vật, văn hóa và cuộc sống...

h8-1687106397-1687144397.jpg

Nhà báo Đức Liên và các thành viên Quỹ Từ thiện Kim Oanh chụp ảnh lưu niệm cùng bà Trương Mỹ Hoa- nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính tại Bến Tre. Ảnh: NVCC

Nghề báo gắn với những chuyến đi thiện nguyện?

Nhà báo Nguyễn Đức Liên: Sau những năm bôn ba, cống hiến cho sự nghiệp báo chí, hiện tôi là Chủ tịch Danh dự Quỹ Từ thiện Kim Oanh. Dù tình hình kinh tế Việt Nam nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung đang khó khăn sau đại dịch, nhưng Quỹ từ thiện Kim Oanh vẫn chắt chiu, dành những phần quà, tấm lòng đến với nhiều cảnh đời khó khăn.

Mỗi công việc cho tôi một trải nghiệm, và nghề báo vẫn luôn hiện diện trong mọi lĩnh vực cuộc sống, đó là cảm nhận về những chuyến đi thiện nguyện, là những mảnh đời bất hạnh cần sự chung tay của các nhà hảo tâm, xã hội, là tình người “lá lành đùm lá rách”... Tôi luôn trân trọng nghề!

Cảm ơn Nhà báo Nguyễn Đức Liên về những chia sẻ đầy hữu ích này. Kính chúc Anh luôn khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng của nghề để tiếp tục thực hiện những tâm huyết của mình!

Nhà báo Nguyễn Đức Liên từng công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Thanh Niên, Báo VietNamNet, và là tác giả của những cuốn sách Lửa giàn khoan, Đến và đi, Trên những dặm đường.

Hiện dù đã nghỉ hưu nhưng Anh vẫn tham gia công tác báo chí và các hoạt động xã hội. Ngoài việc giảng dạy cho một số cơ quan báo đài địa phương, Anh còn là Chủ tịch Danh dự Quỹ Từ thiện Kim Oanh.