Ngày xưa, tôi luôn chờ đợi Tết vì nó rất đáng chờ đợi

Phương Đặng
Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác được đón gió xuân dưới cảm nhận của một đứa trẻ ngây thơ.
tet2-1642136141.jpg
"Bây giờ thì tôi cũng vẫn còn chờ Tết, không phải vì áo mới, vì dưa hấu, mà muốn kết lại một chặng đời, để sau Tết mình sẽ sống những ngày mới. Để thấy những lỗi lầm, những dại dột đã thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa.” - Nguyễn Ngọc Tư

Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác được đón gió xuân dưới cảm nhận của một đứa trẻ ngây thơ. Chiều 29, 30 Tết, bố mẹ chuẩn bị mua sắm bao nhiêu là thứ: mứt tết, bánh kẹo, hoa quả, cành đào, cành mai, câu đối đỏ, đèn nháy,... và đặc biệt là lá rong, đỗ xanh, thịt lợn,... để gói bánh chưng. Không khí Tết tràn qua hiên nhà nhiều đến nỗi khiến những đứa trẻ như tôi và mấy đứa hàng xóm quên đi cơn buồn ngủ vào đêm Giao thừa mà chạy ra trước cửa nghe những tiếng pháo giấy nổ giòn giã.

Cho đến tận bây giờ, dù đã cố gắng như thế nào, tôi vẫn không sao có lại được những niềm vui dù nhỏ xiu xíu nhưng lại đầy ắp những ấm áp hân hoan như ngày xưa nữa. Cứ gần đến 26, 27 là lại nghe thấy những tiếng than ngắn thở dài của đồng nghiệp, bạn bè: “Giời ơi lại Tết à?”, “Tao còn tiền chưa trả, Tết đến thì biết đào đâu ra tiền để chạy nợ đây?”. Tôi dần hiểu ra, đối với người lớn, Tết là lúc đong đếm những đồng tiền họ đã làm ra và những khoản nợ trong năm họ đã vay mà chưa thể trả.

Gia đình tôi làm ăn buôn bán, nên lúc còn nhỏ, mẹ tôi hay dẫn tôi đi đến nhà khách hàng để đòi nốt những khoản nợ. Lúc ấy tôi cũng chẳng hiểu sao mẹ lại mất công đem tôi đi theo chỉ để đòi vài đồng bạc lẻ mà lúc ấy tôi nghĩ chẳng đáng là bao. Cho đến tận sau này, tôi mới hiểu ra, mẹ làm thế là để cho tôi thấy sự vất vả để kiếm ra từng đồng tiền, nhà người ta cũng khó khăn lắm mới chắt bóp được vài đồng để trả cho hết nợ mỗi khi Tết đến.

Một lần đi cùng mẹ, đến nhà của một cụ bà cũng đã cao tuổi. Trong ngôi nhà chỉ rộng khoảng 10m2, hai bà cháu đang ngồi ăn bữa cơm đạm bạc trong khi đã giáp Tết, bà tâm sự: “Mẹ đứa cháu của bà bỏ đi rồi, bố nó thì đi làm ăn xa cả năm giời, đến giờ vẫn chưa về, chỉ có hai bà cháu nuôi nhau thế này thôi”. Nghĩ nhiều lại thấy buồn.

Cạnh nhà trọ của tôi ở trên thành phố cũng có một chị đi làm ăn xa trên này, bảo tôi Tết nhất khổ lắm, cả năm chạy vạy đi đây đi đó tích góp được vài đồng, giờ phải tranh nhau mua vé tàu xe để về quê chuẩn bị Tết. “Mà có rẻ rúng gì đâu”, chị bảo, “còn phải mua sắm bao nhiêu là thứ, con gà, đĩa giò còn thắp hương, trả nốt mấy món nợ lặt vặt, rồi lại rau cỏ thịt cá cho qua 3 ngày Tết, chỉ mong sao dư lại ít tiền để mua cho bọn trẻ vài món đồ chơi, quần áo, cho chúng nó đỡ tủi thân.” Rồi chị lại nói: “Nhưng Tết vẫn có cái vui của nó, cả năm đi biền biệt, giờ được mấy ngày về nhà, quây quần bên chồng và mấy đứa trẻ, chị cũng thấy dù có vất vả đến đâu thì cũng đáng lắm em ạ.”

Tôi nghĩ ngợi về lời của chị, rồi nhận ra, tôi cũng muốn được về nhà biết bao. Về nhà gói bánh chưng với bố mẹ, cùng nhau chờ đợi khoảnh khắc Giao thừa, vật vã với đống bát đũa của những mâm cỗ linh đình, rồi có thể lì xì cho ông bà, bố mẹ bằng những đồng tiền đầu tiên mình tự kiếm ra được, tuy không nhiều nhưng cũng là mồ hôi nước mắt của bản thân suốt một năm phấn đấu.

Dẫu cho Tết của người lớn không còn mang màu sắc rực rỡ như khi chúng ta còn là những đứa trẻ nữa, và Tết đã khiến chúng ta thấy rõ những áp lực khi trở thành người lớn, nhưng dù sao đó cũng là cách khiến chúng ta thêm trưởng thành, và cũng là khoảnh khắc chúng ta dừng lại đúc kết những kinh nghiệm đã thu thập được qua một năm, tận hưởng niềm hạnh phúc khi được trở lại bên gia đình thân yêu.